Thu thuế bán hàng qua mạng: Liệu có khả thi?

Thứ Sáu, 24/11/2017, 08:41 [GMT+7]

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án tính thuế đối với hình thức kinh doanh trực tuyến.
 
Theo đó, một sản phẩm hàng hóa bán qua mạng có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên sẽ chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo tỉ lệ %… Nhiều người lo ngại, đề xuất này sẽ khó thực hiện, cần phải có công cụ kiểm soát hoạt động kinh doanh online của các cá nhân, doanh nghiệp.

Tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính cho rằng, giao dịch thương mại điện tử có đặc điểm ảo, khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi… Việc quản lý thuế với loại hình kinh doanh này khó xác định chính xác doanh thu phát sinh, quy mô hoạt động…

Bộ Tài Chính đề xuất, một sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên sẽ chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo tỉ lệ phần trăm, thậm chí với sản phẩm dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày trở lên cũng sẽ bị thu thuế.
 

1
Theo nhiều ý kiến, để thực hiện được việc thu thuế bán hàng qua mạng là không hề đơn giản.


Việc thu thuế với hình thức kinh doanh qua mạng đã được thực hiện từ giữa năm nay, nhưng người kinh doanh trốn tránh thuế, lách luật, không tự giác nộp thuế vẫn diễn ra. Nguyên nhân là do cách quản lý thu thuế chưa rà soát được hết lượng người kinh doanh qua mạng dẫn đến “bỏ lọt”, nhiều chủ thể thường kê khai dưới mức thu nhập.

Nếu chỉ dựa trên cách thức tính, mỗi sản phẩm hàng hóa bán qua mạng có giá trị 1 triệu đồng trở lên sẽ bị thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân thì rất khó kiểm soát. Bởi, nhiều người kinh doanh giờ đây không công khai giá trên Facebook và có thói quen giao dịch bằng tiền mặt thay vì qua ngân hàng… để tránh bị giám sát.

Chị Trần Thu Huyền, chủ một cửa hàng mỹ phẩm nhập ngoại bán online nhiều năm nay nêu ý kiến, việc thu thuế này có thể không đảm bảo sự công bằng bởi số lượng hàng bán ra mỗi ngày khá thất thường, có ngày bán được nhiều nhưng có ngày không bán được sản phẩm nào.

"Theo quan điểm của tôi, bán hàng online hiện giờ rất thịnh hành, nhưng Nhà nước nên thu thuế của những doanh nghiệp bán online, ví dụ một công ty bán online nào đó thì sẽ thu của chính công ty đó. Nếu thu của những người bán nhỏ, lẻ như chúng tôi thì không có nhiều lợi nhuận. Hơn nữa thu thuế của cá nhân kinh doanh qua mạng thì hơi khó, vì chúng tôi lúc bán lúc không hoặc thời gian này bán thời gian sau lại không bán" - chị Huyền cho biết.

Muốn thu được thuế, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ có thể yêu cầu người kinh doanh qua mạng phải thực hiện qua hệ thống thanh toán điện tử với người mua, cụ thể là giao dịch qua ngân hàng để kiểm soát nguồn tiền của người kinh doanh.
Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cũng không thể cung cấp thông tin này để bảo mật cá nhân khách hàng. Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng BKAV cho rằng, cần có một công cụ hiệu quả trong việc giám sát các cá nhân kinh doanh online.

Theo ông Ngô Tuấn Anh: "Muốn kiểm soát được việc đó thì phải kiểm soát được các giao dịch và sẽ minh bạch nếu không sử dụng tiền mặt. Như vậy, bên cạnh việc đưa ra các chính sách, Nhà nước cũng cần có các biện pháp kỹ thuật để hạn chế các giao dịch sử dụng tiền mặt, khuyến khích người dân, các tổ chức thực hiện giao dịch thông qua hình thức thanh toán điện tử. Có như vậy sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường trong việc trao đổi, mua bán, đồng thời có thể kiểm soát được các giao dịch, từ đó tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước".

Trên thực tế hiện nay, việc thực hiện các giao dịch điện tử mới quy định người nộp thuế có điều kiện áp dụng công nghệ thông tin thì phải áp dụng giao dịch điện tử của cơ quan thuế. Còn việc nộp hồ sơ khai thuế, đăng ký thuế bằng phương thức điện tử, thực hiện hóa đơn điện tử, lắp đặt các thiết bị điện tử để giám sát giao dịch kinh doanh trên thiết bị thông tin của người nộp thuế vẫn chưa có trong quy định.

PGS-TS Lê Xuân Trường, Giảng viên cao cấp bộ môn Thuế, Học viện Tài Chính hiến kế, bước đầu có thể dựa trên cơ sở tự khai, sau đó phải kiểm tra, kiểm soát bằng nhiều hình thức như: Thuế khoán, nộp thuế trên doanh thu nhưng phải yêu cầu các cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng cung cấp đầy đủ hóa đơn làm cơ sở đánh thuế. Ngoài ra, cùng với sự phát triển thương mại điện tử, cũng cần khuyến khích các chủ thể kinh doanh sử dụng hình thức thanh toán qua ngân hàng.

"Ngành thuế nên thành lập cục quản lý thuế công nghệ cao, là cơ quan đầu mối và trực tiếp, vừa là đầu mối để đề xuất các biện pháp quản lý thuế đối với các giao dịch điện tử vừa là cơ quan trực tiếp thực hiện nghĩa vụ quản lý thuế ở trung tâm dữ liệu tập trung của tổng cục để giúp các địa phương quản lý thuế.

Đối với một số trường hợp khác, đặc biệt là cá nhân thì chắc chắn là phải chấp nhận áp dụng biện pháp ấn định thuế. Tức chúng ta phải tiếp nhận và khoán thuế giống như hộ kinh doanh cá thể mà hiện nay không sử dụng hóa đơn điện tử thì cá nhân kinh doanh online mà người mua không lấy hóa đơn chứng từ thì cơ quan thuế về mặt hình thức phải áp dụng biện pháp khoán thuế giống như đối với hộ kinh doanh cá thể hiện nay…" - PGS-TS Lê Xuân Trường đưa ý kiến.

Việc quản lý thu thuế đối với các cá nhân bán hàng qua mạng là phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế hiện nay, góp phần tạo uy tín giao dịch, giúp giải quyết các vấn đề tranh chấp về sau. Bộ Tài chính cần nghiên cứu để đưa ra những chính sách hợp lý để tránh tạo ra khe hở, ngăn chặn tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu cũng như tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, vừa đảm bảo thu được thuế cho nhà nước vừa không ảnh hưởng đến cơ hội thương mại của cá nhân./.

 

 

Theo Chung Thủy/VOV

.