Hiệu quả bước đầu mô hình "Nuôi cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm"

Thứ Tư, 29/11/2017, 14:15 [GMT+7]

 Điện Biên TV – Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên triển khai mô hình  “Nuôi cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm”, với quy mô 200m3 /3 hộ tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên và phường Him Lam, TP.Điện Biên Phủ.

Hội thảo Mô hình
Hội thảo Mô hình “Nuôi cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm” tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tháng 11/2017

Trên cơ sở nội dung phê duyệt, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với chính quyền cơ sở và các cơ quan liên quan thực hiện khảo sát, đánh giá và chọn điểm, chọn hộ tham gia mô hình đảm bảo trình tự, dân chủ. Theo đó, chính quyền địa phương nhất trí tiếp nhận mô hình tại hồ Hoong Khếnh (đội 1, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên) và hồ Huổi Phạ (tổ 6, phường Him Lam, TP.Điện Biên Phủ).

Việc thực hiện mô hình “Nuôi cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm” sẽ thúc đẩy các ngư dân trên địa bàn áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong nghề nuôi trồng thuỷ sản, nâng cao chất lượng sản phẩm có giá trị kinh tế cung cấp cho người tiêu dùng ở địa phương và các vùng lân cận.

Tham gia mô hình các hộ được hỗ trợ toàn bộ con giống đảm bảo chất lượng theo quy định và 50% thức ăn hỗn hợp có tỷ lệ đạm 25%. Các hộ tham gia được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật như: Tu sửa hoặc làm lồng mới theo quy cách phù hợp; vệ sinh khử trùng lồng và khu vực nuôi; xác định vị trí đặt lồng...; chăm sóc nuôi dưỡng cá trong lồng bè; cách phối trộn thức ăn từ nguyên liệu tại chỗ; biện pháp phòng trừ dịch bệnh gây hại cho cá... Ngoài ra cán bộ khuyến nông thường xuyên bám sát cơ sở để theo dõi, hướng dẫn các hộ chăm sóc nuôi dưỡng đàn cá.

Chị Phan Thị Xuân - cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên cho biết: Sau 6 tháng thực hiện mô hình, đàn cá có tỷ lệ sống trên 87%, trọng lượng bình quân đạt trên 600 gr/con, năng suất đến thời điểm hiện tại đạt 52,7kg/m3. Đàn cá sinh trưởng và phát triển tốt, sức đề kháng cao, ít bệnh tật, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu tỉnh Điện Biên và phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ nuôi của các hộ dân. Các chỉ tiêu kỹ thuật của mô hình đều đạt và vượt so với yêu cầu đặt ra. Các ngư dân rất phấn khởi và tin tưởng mô hình sẽ được nhân rộng trong những năm tiếp theo.

Hiện nay, các hộ đã khá thành thạo quy trình kỹ thuật nuôi cá lồng và phối trộn thức ăn cho cá. Bước đầu, mô hình đã góp phần quan trọng về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân trong vùng về phát triển nghề nuôi cá diêu hồng trong lồng bè, làm cơ sở nhân rộng ra những địa bàn tương đồng để khai thác mặt nước sẵn có nhằm nâng cao thu nhập và hỗ trợ xây dựng nông thôn mới bền vững.

 

Lường Hương/Dienbientv.vn

.