Cho "đại ngàn" thêm xanh

Chủ Nhật, 24/09/2017, 08:51 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tranh thủ thời tiết thuận lợi, tháng 5/2017, huyện Điện Biên đã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân trên địa bàn 2 xã: Mường Pồn và Nà Tấu trồng mới gần 37ha rừng phòng hộ. Đó là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của chính quyền địa phương, các ban, ngành chức năng và người dân, nhằm góp phần giữ cho những cánh rừng “đại ngàn” xanh mãi.

Từ Quốc lộ 12, chúng tôi có thể dễ dàng quan sát thấy diện tích rừng trồng mới của gia đình anh Lò Văn Dạ ở bản Cò Chạy, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên); nhưng để đến tận nơi thì phải mất gần 1 giờ vượt qua quãng đường đất hẹp, cheo leo bên sườn đồi dốc, dựng đứng. Nếu không có sự giúp đỡ, dẫn đường của anh Dạ, chúng tôi khó lòng đến được diện tích rừng thông và keo mà gia đình anh mới trồng đợt tháng 5 vừa qua.

1
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên chuẩn bị cây giống trồng rừng.

 

Trải qua quãng đường khó khăn như vậy, nhưng khi chứng kiến những mầm thông, chồi keo đang bật lên giữa đất đồi cằn cỗi, chúng tôi và anh Dạ đều cảm thấy rất phấn khởi và càng thêm trân trọng những giọt mồ hôi, công sức đã đổ xuống đây. Chỉ tay về phía những vạt đồi với những cây thông, keo xanh non đang bám chặt rễ xuống nền đất, anh Dạ cho biết: Trước đây, vạt đồi này toàn cỏ rậm rạp nên khi đăng ký trồng rừng và chuẩn bị nhận cây giống về trồng, gia đình đã huy động toàn bộ nhân lực để phát quang, dọn cỏ và đào hố trồng cây. Không ai nghĩ rằng từ những vạt đất khô cằn, cây nông nghiệp không thể lên được mà những cây thông, cây keo đã bám rễ được ở đây. Hơn 1ha cây thông và keo đang phát triển, sinh trưởng rất tốt.

Trong đó có công lao rất lớn của cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện khi đã hướng dẫn gia đình về kỹ thuật đào hố, trồng cây và chăm sóc rất tỉ mỉ và nhiệt tình. Nhờ vậy, tỷ lệ cây sống đạt khoảng trên 90%. Nhận thức được việc bảo vệ, phát triển rừng đã gắn với quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người dân và hơn thế nữa là giữ gìn môi trường sống trong lành cho thế hệ con cháu, gia đình anh Dạ và bà con trong bản hy vọng sẽ tiếp tục được tham gia trồng rừng.

Chứng kiến người dân trong bản tích cực trồng rừng, phủ xanh đồi núi trọc, anh Lù Văn Thanh, Trưởng bản Cò Chạy, xã Mường Pồn cảm thấy rất vui. Anh Thanh cho biết: Ở địa bàn miền núi, việc trồng rừng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cái khó nhất vẫn là giao thông chia cắt. Đường sá chủ yếu là đường đất với địa hình dốc nên chỉ thuận lợi vào mùa khô, còn mùa mưa thì đi bộ cũng vất vả, chưa nói đến vận chuyển cây giống và trồng cây.

Trong khi đó, mùa trồng rừng thường tập trung triển khai thực hiện vào thời điểm mùa mưa; lúc đó, cây trồng sẽ phát triển, sinh trưởng tốt hơn nhưng việc trồng rừng sẽ gian nan, vất vả hơn nhiều. Vì vậy, chính quyền xã, bản và các ngành chức năng có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động bà con đăng ký trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Với những nỗ lực đó, mùa trồng rừng năm 2017, địa phương đã có một mùa trồng rừng thành công, hiện giờ những mầm thông, mầm keo xanh đã bật lên giữa đất đồi cằn cỗi, giữ cho “đại ngàn” mãi mãi tươi xanh.

Tìm hiểu về kết quả trồng rừng năm 2017, chúng tôi gặp và trao đổi với ông Phạm Văn Ánh, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên. Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn ươm cây giống, phục vụ cho việc trồng rừng mới trên địa bàn, ông Ánh cho biết: Năm nay là một năm trồng rừng thành công của địa phương khi diện tích rừng trồng mới đạt gần 37ha (trong khi kế hoạch giao là 20ha), với tỷ lệ sống đạt khoảng 90%.

Diện tích rừng mới được trồng tại 3 bản: Mường Pồn 2, Cò Chạy (xã Mường Pồn) và bản Cang (xã Nà Tấu). Để có kết quả đó, từ tháng 9/2016, đơn vị đã phối hợp với chính quyền 2 xã triển khai tuyên truyền và vận động bà con trên địa bàn bỏ nương để đăng ký trồng rừng. Cán bộ của đơn vị cùng với đại diện các bản đi từng ngõ, gõ từng nhà, rồi bám bản, bám dân để tuyên truyền bà con trồng rừng và bảo vệ rừng. Sau khi người dân đồng ý, đến mùa trồng rừng mới, Ban Quản lý rừng phòng hộ cũng giao nhiệm vụ cho cán bộ phụ trách địa bàn giúp đỡ người dân từ công tác kiểm tra, phát dọn cỏ, đào hố, trồng cây…
Theo ông Ánh, để có được thành quả về công tác trồng và giữ rừng như hôm nay là cả một quá trình; trong đó phải kể đến cả khâu chủ động trong công tác chuẩn bị cây giống.

Giới thiệu với chúng tôi về những luống bầu ươm cây giống ngay hàng, thẳng lối, với các loại cây nhấp nhú chồi nhằm phục vụ cho việc trồng rừng mới, ông Ánh cho biết đây là những cây giống chuẩn bị cho mùa trồng rừng năm sau. Hàng năm, toàn bộ cây giống trồng trên địa bàn đều do đơn vị tự cung ứng nên có thể chủ động về thời gian, tiến độ trồng rừng của địa phương. Năm 2017, Ban Quản lý rừng phòng hộ đã triển khai và hoàn thành trồng rừng từ rất sớm. Trong tháng 5, thời tiết thuận lợi với mưa nhiều nên đến nay diện tích cây trồng mới đều phát triển và sinh trưởng rất tốt.

Rời những diện tích rừng trồng mới trong mùa trồng rừng năm 2017 – thành quả từ những nỗ lực của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, chúng tôi hy vọng những rừng cây đó sẽ nhanh chóng được phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, giữ cần bằng hệ sinh thái bằng các loại cây gỗ có giá trị kinh tế.

 

 

CTV -  Phạm Quang

.