Tới 2030, nhiệt điện than có thể chiếm 60% sản lượng điện quốc gia

Thứ Tư, 30/08/2017, 07:40 [GMT+7]

Sau quyết định dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, tới 2030 nhiệt điện than về cơ học có thể chiếm tới 59 - 60% sản lượng điện quốc gia của Việt Nam.
 
Ngày 29/8, tại Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội (KHCN&MT) của Quốc hội phối hợp với Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam tổ chức hội thảo về phát triển điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
 

1
Đại diện Ủy ban KHCN&MT Quốc hội và Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam chủ trì Hội thảo.


Các tham luận tại Hội thảo thừa nhận, nhiệt điện than thật sự cần thiết trong quá trình đảm bảo an ninh năng lượng hiện nay của Việt Nam, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân hiện tại cũng như lâu dài, nhất là trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, phát triển nhiệt điện than cũng cần phải đi kèm với việc lựa chọn công nghệ có hiệu suất cao để giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải đáp ứng các quy định của các tổ chức quốc tế như OECD, của các thể chế tài chính quốc tế… từ đó các dự án nhiệt điện của Việt Nam có điều kiện huy động nguồn vốn dễ dàng hơn.

Theo PGS. TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam, tới năm 2015, thủy điện và nhiệt điện khí vẫn chiếm tới 67,5% tổng sản lượng điện quốc gia và sẽ giảm rất nhanh theo nhu cầu tổng sản lượng điện. Trong khi nhiệt điện than năm 2015 chỉ có 30,4% tới năm 2020 đã tăng lên 49,3%, năm 2025 tới 55% và 2030 là 53,2% (theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh).

Đặc biệt, sau khi Việt Nam quyết định dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều khả năng nguồn năng lượng thiếu hụt sẽ được thay thế bằng nhiệt điện than, nghĩa là tới 2030 tỷ lệ nhiệt điện than về cơ học có thể chiếm tới 59 - 60%.

“Các nước đều dùng nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện năng trong phát triển kinh tế sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thủy điện. Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển mạnh kinh tế nên nhu cầu điện năng rất cao. Trên thế giới hiện nay, điện năng từ nhiệt điện than vẫn là chủ đạo. Khi các quốc gia trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo, từ đó mới bắt đầu hạn chế dần phát triển nhiệt điện than”, PGS. TS. Trương Duy Nghĩa chỉ rõ./.

 

Theo VOV

.