Vẫn còn những bất cập trong việc trồng cây phân tán, rừng phòng hộ

Thứ Hai, 21/11/2016, 14:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trồng rừng phục hồi lại những diện tích rừng đã mất, nâng cao độ che phủ, giữ ổn định môi trường sinh thái, tạo việc làm thu nhập và mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho người dân đã được các cơ quan chức năng của huyện Tuần Giáo quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện vẫn đạt kết quả thấp so với yêu cầu kế hoạch đề ra do còn nhiều nguyên nhân bất cập.

Trong hai năm 2014 - 2015, gia đình ông Quàng Văn É ở bản Ngúa xã Quài Tở đã trồng được trên 2500 cây keo lá tràm và keo tai tượng tương đương với 1,5 ha diện tích. Hầu hết cây keo được trồng trên diện tích đất của gia đình đã bị rửa trôi bạc màu hoang hóa từ nhiều năm nay đang phát triển tốt.

1
Huyện Tuần Giáo đã chủ động tập trung tháo gỡ giải quyết những khó khăn, khai thác hiệu quả nguồn tài rừng hiện có

 

Theo kinh nghiệm tích lũy được của gia đình ông É trong việc trồng rừng từ nhiều năm qua, thì muốn cây keo lá tràm và cây keo tai tượng sống và phát triển tốt thì cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình hướng dẫn của cán bộ kĩ thuật. Điển hình là tránh để cây bị ngập úng khi mưa lớn và phải làm tốt công tác bảo vệ khi cây còn nhỏ chưa khép tán không để gia súc phá hoại và một điều rất quan trọng nữa đối với cây keo lá tràm, keo tai tượng là loại cây dễ tính phát triển rất tốt kể cả những nơi sỏi đá, đất đỏ hoang hóa bạc màu và có khả năng chịu hạn rất phù hợp cho việc trồng rừng của người dân địa phương.

Với vai trò trưởng bản, ông É đã tuyên truyền đến từng hộ dân trong bản tham gia trồng rừng và tham gia khoanh nuôi bảo vệ rừng tái sinh, rừng phòng hộ. Đến nay trong bản đã có 50 hộ tham gia trồng rừng cây phân tán. Trong năm 2016 đã có 23 hộ dân trồng được 1000 cây mỡ nâng diện tích trồng rừng của bản lên 40 ha, trong đó có nhiều diện tích rừng trồng các loại cây: Dổi, Mỡ, Bạch Đàn đã được 5 đến 6 tuổi và  những nơi đất tốt có đường kính thân cây lên đến 25-30cm.

Bản cũng đã xây dựng quy ước bảo vệ rừng, không thả rông gia súc mà phải chăn dắt đồng thời xử phạt nghiêm minh đối với những gia đình để gia súc, gia cầm phá hoại cây trồng khi bị người dân phát hiện tố giác. Chính vì vậy mà hầu hết diện tích rừng được trồng phân tán trên địa bàn bản Ngúa được bảo vệ đang phát triển tốt và tính theo chu thì khoảng 5 năm nữa sẽ tiến hành khai thác sử dụng đem lại một nguồn lợi lớn về kinh tế cho người dân địa phương.
 
Theo số liệu thống kê của UBND Quài Tở, đến nay trên địa bàn xã đã khoanh nuôi bảo vệ được 400 ha diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng cây phân tán đạt được 800ha trong 3 năm (Từ 2013 - 2015) và riêng trong năm 2016 trồng rừng đạt 30 ha đạt 30% kế hoạch giao.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Ngay từ cuối mùa khô 2015 cấp ủy đảng chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng như Hạt kiểm lâm, phòng Nông nghiệp, phòng Tài nguyên môi trường, Ban Quản lý rừng phòng hộ chủ động xây dựng kế hoạch khảo sát phân lô phân khoảnh, quy hoạch diện tích trồng rừng cho địa phương và lên kế hoạch tuyên truyền vận động người dân đăng kí cây giống để tiến hành trồng rừng theo kế hoạch được giao trên địa bàn năm 2016.

1
Đến nay trên địa bàn xã Quài Tở đã khoanh nuôi bảo vệ được 400 ha diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn

 

Người dân của 10 bản gồm: Xuân Ban, bản Bông, bản Biếng, bản Chấng, bản Ngúa, bản Lói, bản Lé và bản Hua Ca đã tiến hành đăng kí với số lượng lên đến 200 ngàn cây các loại. Trong khi đó, khi đến mùa trồng rừng năm 2016 người dân  của xã Quài Tở mới chỉ nhận được 45 ngàn cây Mỡ đạt khoảng 22,4% so với nhu cầu trồng rừng của người dân. Chính vì vậy mà khi vận chuyển cấp phát cây giống đã xảy ra hiện tượng tranh giành do nhu cầu trồng rừng của người dân tăng cao.
 
Thực hiện kế hoạch trồng cây phân tán năm 2016, trong 9 tháng đầu năm Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo đã giao cho nhiệm vụ cho tổ kĩ thuật hướng dẫn kiểm lâm địa bàn thông tin cho UBND các xã và nhân dân đăng kí trồng về kế hoạch phân bổ cây giống phân tán, tuyên truyền cho nhân dân về chủ trương trồng cây phân tán năm 2016 cuả Ban chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Phối hợp chặt chẽ của kiểm lâm địa bàn với cán bộ kĩ thuật cùng với nhân dân địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật đạo hố, trồng chăm sóc, bảo vệ cây phù hợp với từng loài cây giống. Tổ chức tiếp nhận cây giống từ nhà thầu cung cấp đảm bảo về chất lượng chủng loại cây giống. Tiến hành cấp phát giống đến từng địa bàn của 11 xã thị trấn được phân bố theo kế hoạch phê duyệt. Tổ chức kiểm tra hướng dẫn cho người dân trong quá trình thực hiện.
 
Tại khu vườn ươm cây giống của Ban quản lý rừng phòng hộ của huyện Tuần Giáo, tất cả cán bộ kỹ thuật, công nhân viên của đơn vị đang khẩn trương làm đất, đóng bầu, gieo ươm các loại cây giống chuẩn bị cho các mùa trồng rừng của những năm tiếp theo. Theo ông Phạm Quốc Huy - Giám đốc Ban quản lý dự án rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo cho đến thời điểm này, người dân đã nhận thức được ý nghĩa vai trò và tầm quan trọng của việc trồng rừng phân tán, thay thế vào diện tích rừng đã mất. Vì vậy nhu cầu đăng kí cây giống trên địa bàn huyện lên trên 5,5 triệu cây nhưng các đơn vị mới cung ứng chưa đạt 1/10 nhu cầu sử dụng cây giống trên địa bàn.

1
Do thiếu cây giống nên đã xảy ra hiện tượng tranh giành do nhu cầu trồng rừng của người dân tăng cao.
 

 

Năm 2016 đơn vị Ban quản lý dự án rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo được giao trồng rừng theo Kế hoạch số KH - 1386 UBND tỉnh giao là 60 ha, nhưng đến thời điểm hiện tại đơn vị mới trồng được 18,6 ha, đạt 26,8% so với kế hoạch giao. Qua tìm hiểu nguyên nhân trồng rừng đạt thấp chúng tôi được biết chủ yếu vẫn là do cơ chế. Theo Nghị định 75NĐ - CP của Chính phủ thì người dân muốn trồng rừng phòng hộ thì phải được giao đất và có chủ hợp pháp, nghĩa là có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thực tế trên địa bàn huyện Tuần Giáo chưa triển khai được. Ngoài ra còn phải kể đến nguyên nhân kế hoạch giao vốn trồng rừng của tỉnh rất chậm đang là rào cản lớn của đơn vị. Cụ thể như việc trồng rừng năm 2016 bắt đầu từ 15/5 cho hết tháng 8/1016 nhưng mãi đến tháng 7 năm sau đơn vị mới được giao vốn nên đơn vị phải làm mò mẫm không có định hướng cụ thể.
 
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác trồng rừng, Ban Quản lí dự án rừng phòng hộ của huyện Tuần Giáo cũng đã chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, xin ý kiến chi đạo của tỉnh tập trung tháo gỡ số diện tích rừng trồng 16,8 ha trên địa bàn rừng trồng chưa được cấp giấy chứng nhận sử dựng đất, đồng thời giải quyết một số chế độ như: tiền, gạo hỗ trợ cho người dân trong việc trồng rừng. Trước mắt đơn vị đo đạc lập hồ sơ dự toán, trên cơ sở người dân đã có giấy chứng nhận của trưởng bản, của UBND xã xác nhận không có tranh chấp, đo đạc xác định diện tích của hộ dân tham gia trồng rừng phòng hộ và trích tiền quỹ từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho người dân.

Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công trồng rừng trong những năm tiếp theo, huyện Tuần Giáo đã chủ động đề ra các giải pháp như: Tập trung tháo gỡ giải quyết những khó khăn về chế độ chính sách. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân các tổ chức đoàn thể tích cực tham gia trồng rừng trên những diện tích đất đai bị rửa trôi bạc màu, rừng nghèo kiệt; thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng trồng, khai thác hiệu quả nguồn tài rừng hiện có.

Tiếp tục rà soát diện tích có khả năng trồng rừng, kiểm kê rà soát diện tích đã thực hiện trồng rừng theo các dự án khác từ những năm trước đây; quy hoạch trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ với những cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu. Chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch trồng rừng sớm và giao chỉ tiêu cho các xã  thị trấn nghiêm túc tổ chức thực hiện./.
                                                                

                                                                   

Quang Phong - Minh Tuấn

.