Hiệu quả bước đầu trong nuôi cá lồng ở Thanh Hưng

Thứ Bảy, 29/08/2015, 15:26 [GMT+7]

Điện Biên TV - Phát triển kinh tế bằng việc nuôi cá lồng đối với nông dân tỉnh ta còn khá mới mẻ. Nhưng hầu hết các mô hình cá lồng khi được hình thành và phát triển ở tỉnh đều đạt được những hiệu quả nhất định. Mô hình cá lồng tại hồ Hồng Khếnh, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên là một điển hình.

c
Hiện mô hình cá lồng của Hợp tác xã Hải Hà có tất cả 4 bè, gồm gần 100 lồng với tổng diện tích mặt nước là trên 3.500m2, thể tích mỗi lồng là 100m3.

 

Khá nhiều người ở tỉnh nói chung, Thanh Hưng nói riêng phải ngỡ ngàng khi lần đầu được tận mắt mô hình cá lồng của Hợp tác xã Hải Hà - Một tổ chức kinh tế tập thể mới được thành lập cách đây chưa lâu ở Thanh Hưng. Ngỡ ngàng bởi đây là một hình thức kinh tế chưa phổ biến ở tỉnh, đặc biệt là với khu vực lòng chảo Điện Biên nói chung, Thanh Hưng nói riêng. Ngỡ ngàng bởi mô hình khá lớn, được bố trí quy mô, khoa học, nuôi thả với đa dạng các loại cá, tôm, đặc biệt là một số giống cá lạ, có giá trị kinh tế cao và chưa từng xuất hiện ở thị trường trong tỉnh. Tìm hiểu về hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình cá lồng này thì thấy kết quả thật bất ngờ.

Anh Phạm Khang Mừng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hải Hà cho biết: "Trong thời gian 1 năm nuôi cá, tôi thấy hiệu quả mang lại khá cao, cao hơn con cá nuôi ở ao hồ. Việc nuôi cá lồng đã tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động địa phương và các xã lân cận. Lãi suất từ việc nuôi cá lồng mang lại khá cao, đạt khoảng 20 - 25% suất lợi nhuận của vốn đầu tư."

Hiện mô hình cá lồng của Hợp tác xã Hải Hà có tất cả 4 bè, gồm gần 100 lồng với tổng diện tích mặt nước là trên 3.500m2, thể tích mỗi lồng là 100m3. Trung bình mỗi lồng có thể thả từ 500 đến 2.000 con tùy loại. Các giống cá được nuôi thả ở đây gồm: Rô phi đơn tính, trắm cỏ, chép, tôm càng xanh và đặc biệt là một số giống cá có giá trị kinh tế cao như: Trắm đen, cá nheo, cá lăng, cá chẽm, cá diêu hồng... Những giống cá này hoàn toàn được lấy giống từ các tỉnh miền xuôi lên, đều là các loại giống cá có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt ngon và chưa được nuôi phổ biến ở tỉnh. Để nuôi thả có hiệu quả, người nông dân phải tuân thủ quy trình chăm sóc khá bài bản.

c
Sau gần 1 năm bắt tay vào thực hiện nuôi cá lồng, với chi phí Hợp tác xã bỏ ra ban đầu khoảng 1 tỷ đồng thì sau thu hoạch và tiêu thụ cho lãi suất khoảng 200 triệu đồng.

 

Anh Lò Văn Thuận, xã viên Hợp tác xã Hải Hà chia sẻ: "Hiệu quả của việc nuôi cá lồng được thể hiện ở chỗ: Cá được nuôi tập trung, tiện theo dõi và chăm sóc hơn, ít hao hụt, dễ thu hoạch nên giảm được nhiều công đánh bắt. Mặt khác, nuôi cá lồng có thể thay nước thường xuyên nên không bị ô nhiễm bởi các chất thải của cá. Đây là điều kiện để cá lớn nhanh và có thể nuôi ở mật độ cao nhưng vẫn đảm bảo năng suất và chu kỳ sản xuất ngắn."

Sau gần 1 năm bắt tay vào thực hiện nuôi cá lồng, Hợp tác xã đã cho thu hoạch lần đầu với sản lượng trên 10 tấn. Với chi phí ban đầu cho giống, vật tư, thức ăn và công lao động khoảng 1 tỷ đồng, sau thu hoạch, tiêu thụ cho lãi suất khoảng 200 triệu đồng. Sản phẩm bán ra thị trường với giá thấp - giá chào hàng để làm quen với thị trường.

Mặc dù việc nuôi thả cá lồng chưa lâu nhưng Hợp tác xã Hải Hà cũng đã tính toán cho việc hướng ra thị trường ngoài tỉnh để mô hình phát triển rộng rãi và bền vững. Đó cũng là cách để góp phần tạo công ăn, việc làm cho lao động địa phương./.

 

Lê Dung - Văn Hùng
 

.