Nợ đọng thuế cao - vì đâu nên nỗi?

Thứ Sáu, 17/07/2015, 10:49 [GMT+7]

Những ngày qua, lần lượt nhiều doanh nghiệp nợ đọng thuế lớn bị cơ quan thuế công khai danh tính.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong tháng 7 này, Cục thuế Hà Nội, Cục thuế TP HCM và Tổng cục thuế phải công khai tên 600 doanh nghiệp có số nợ thuế lớn nhất. Đây là động thái quyết liệt của nhà quản lý, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, trong bối cảnh nguồn thu năm nay dự báo gặp nhiều khó khăn.     

Theo báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến cuối tháng 6 vừa qua, con số nợ thuế đã lên tới 72.000 tỷ đồng, bằng 10% số thu, gấp đôi chỉ tiêu Quốc hội cho phép - tối đa 5%, là mức nợ thuế trung bình theo thông lệ quốc tế. Một thực tế đáng lo ngại khi theo các con số thống kê, tỷ lệ nợ thuế ngày càng tăng từ năm 2013 đến nay. Hai đô thị lớn, tập trung nhiều doanh nghiệp nhất trong cả nước là Hà Nội và TP HCM, cũng là nơi có nhiều doanh nghiệp nợ thuế nhất.
 

1
Biện pháp công khai tên doanh nghiệp nợ thuế như những đợt công bố vừa rồi bước đầu cũng đã thấy hiệu quả

 

Trong số các doanh nghiệp bị nêu tên vừa rồi, có doanh nghiệp nợ thuế tới cả trăm tỷ đồng, số nợ hàng chục tỷ đồng cũng chiếm kha khá. Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, số doanh nghiệp nợ thuế lớn tập trung nhiều vào các công ty kinh doanh bất động sản, xây dựng. Theo phân tích của các chuyên gia về thuế, nợ mới phát sinh tăng nhanh, bên cạnh số nợ cũ từ năm trước, khó thu do doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, kinh doanh thua lỗ…

Vấn đề dư luận đặt ra, là tại sao tình trạng nợ đọng thuế lại ngày càng trầm trọng như vậy?  

Luật quản lý thuế, với các quy định khá đầy đủ về trách nhiệm của các bên thu thuế và nộp thuế, không dễ gì để các doanh nghiệp có thể chây ỳ. Vậy tại sao lại có tình trạng “chủ yếu do doanh nghiệp chây ỳ”- theo báo cáo của cơ quan thuế thành phố Hà Nội, tại cuộc họp Hội đồng nhân dân mới đây.

Tại sao trong bối cảnh thị trường bất động sản đang “ấm” lên, số dự án mới tăng nhanh, mà tiền nợ thuế đất, chậm nộp lại cũng tăng nhanh? Điều mà nếu chiếu theo các quy định, được thực thi nghiêm túc, là không thể xảy ra, như chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh: Có dự án chưa nộp tiền thuế đất, mà đã được khởi công xây dựng?.

Tại sao doanh nghiệp nợ thuế, giải thể vẫn được thành lập doanh nghiệp mới? Còn rất nhiều câu hỏi “tại sao”, mà những công dân, chủ doanh nghiệp tuân tủ nghiêm túc pháp luật thuế muốn đặt ra, và đòi hỏi câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan chức năng, bởi họ- những người tuân thủ - lẽ nào lại trở thành “dại”, “thiệt thòi” hơn những đối tượng chây ỳ, cạnh tranh không sòng phẳng trên thương trường nhờ vào số tiền thuế chậm nộp - bản chất là chiếm dụng ngân sách nhà nước để quay vòng vốn?

Cơ quan thuế, bên cạnh việc thực thi công vụ, cũng là người đồng hành với doanh nghiệp, với phương châm “nuôi dưỡng nguồn thu”, đánh giá đúng thực trạng của doanh nghiệp, để có các giải pháp, nhằm thu đúng-thu đủ cho ngân sách Nhà nước, khuyến khích doanh nghiệp phát triển qua việc thực thi các chính sách ưu đãi về thuế, các cải cách hành chính thuế.

Vậy nhưng, từ cách hành thu của cơ quan thuế “nuôi dưỡng”, “đồng hành” với doanh nghiệp lại thành “nuông chiều”, “cả nể”, hay như dư luận đã nhiều lần đặt vấn đề về việc có sự “bắt tay” giữa công chức thuế và doanh nghiệp để “lách” các quy định,  chắc hẳn cũng góp phần không nhỏ vào tình trạng nợ thuế cao như hiện nay.

Biện pháp công khai tên doanh nghiệp nợ thuế như những đợt công bố vừa rồi bước đầu cũng đã thấy hiệu quả: Những doanh nghiệp bị “bêu tên”- trong đó có nhiều tên tuổi, theo mặc định của công chúng, là những “đại gia”- cũng đã thấy “rát mặt”, có động thái tích cực hơn trong việc nộp thuế, và đương nhiên, cũng khiến những doanh nghiệp sắp được bêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng phải khẩn trương hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Để đến mức như thế này, uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp ít nhiều cũng giảm sút trước công chúng, đối tác, nhà đầu tư. Còn cơ quan thuế, các công chức thuế - trước khi kêu khó vì chỉ tiêu thu thuế cao, kêu khó vì khách quan này nọ, do tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn… “tiên trách kỷ”- trước hết hãy trách mình, chưa nghiêm túc, chưa quyết liệt, còn nhiều vấn đề tiêu cực khi thực hiện nhiệm vụ hành thu cho ngân sách Nhà nước.

Vậy, ngoài chế tài cho các doanh nghiệp vi phạm, còn cần chế tài nghiêm minh với chính các công chức thuế khi để xảy ra những tiêu cực, những vòi vĩnh “hành doanh nghiệp” và thông đồng cho doanh nghiệp trốn, chậm nộp thuế./.

 

Theo VOV
 

.