Khó khăn nhân rộng các mô hình nông nghiệp

Thứ Ba, 21/07/2015, 17:04 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nhiều năm nay, việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân đã giúp cho các huyện, thị trên địa bàn tỉnh phát huy được tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, không phải mô hình kinh tế nào cũng có khả năng nhân rộng và phát triển bền vững. Nhân rộng các mô hình nông nghiệp thí điểm vẫn đang là khó khăn trong phát triển nông nghiệp ở Điện Biên hiện nay.

v
Mô hình đậu tương trồng xen cây đào chín sớm ở Mường Phăng đã bị quên lãng

 

Trong khoảng một thập niên gần đây, mỗi năm có hàng chục mô hình trồng trọt, chăn nuôi được triển khai tới bà con nông dân các huyện, thị, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Đã có không ít mô hình được nhân rộng, trở thành mô hình kinh tế mũi nhọn của các địa phương như: Mô hình sản xuất lúa gạo đặc sản ở huyện Điện Biên; mô hình trồng cây cà phê, chè ở huyện Mường Ảng; mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi ở các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông và thị xã Mường Lay… Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng được nhân rộng và phát triển thuận lợi như các mô hình này.

Năm 2013, chúng tôi được tham gia hội nghị tổng kết mô hình đậu tương trồng xen cây đào chín sớm, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Sau 2 năm thực hiện mô hình được đánh giá là rất khả thi. Tuy nhiên, ngay sau hội nghị này, mô hình đã bị quên lãng. Cây đậu tương vốn là cây trồng quen thuộc của bà con nông dân địa phương, còn cây đào Pháp là loại cây có thể phát triển tốt ở khu vực Mường Phăng, nhưng đậu tương thì mạnh ai nấy trồng, còn cây đào Pháp thì chỉ được trồng rải rác trong vườn nhà của một số hộ gia đình, chưa đem lại thu nhập như người ta từng mong muốn. Đây là lý do vì sao mô hình không được tiếp tục nhân rộng. Không ít dự án hỗ trợ cây trồng vật nuôi tại khu vực này cũng chỉ dừng lại ở mô hình thí điểm, do đầu tư dàn trải, manh mún, thiếu định hướng về thị trường, nên chưa thể đi vào sản xuất hàng hoá. Ông Lò Văn Ánh, bản Che Căn, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên cho hay: "Bà con thì cũng được hỗ trợ nhiều cây trồng vật nuôi như: các loại giống lúa, cây hoa ly, cây sơn tra... Bà con ở đây áp dụng theo khoa học còn hạn chế lắm, làm manh mún, chưa tập trung, do đó chưa phát triển thành hàng hóa được."

Tại khu vực lòng chảo Điện Biên, nơi cung ứng phần lớn hàng hóa lương thực, thực phẩm cho thị trường toàn tỉnh, mỗi năm có hàng trăm hộ gia đình được đầu tư hỗ trợ cây, con giống và các loại máy nông nghiệp để mở mang sản xuất. Những mô hình được nhân rộng và đánh giá là thành công không hiếm như: Mô hình nuôi lợn thương phẩm ở các xã Thanh Chăn, Thanh Hưng; mô hình chăn nuôi gia cầm ở Thanh Chăn; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ở khu vực Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Xương…

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất gà giống của gia đình ông Nguyễn Đình Kiên, thôn 5, xã Pom Lót, huyện Điện Biên. Năm 2014, ông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất gà giống, gồm chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi gà sinh sản và ấp trứng sản xuất gà giống, cùng một máy ấp trứng quy mô 2.000 con. Sau hơn 1 năm triển khai mô hình, ông Nguyễn Đình Kiên cho biết: "Mô hình gia đình ông đang thực hiện có khả năng duy trì lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay thị trường gà giống Điện Biên cũng chưa được mở rộng, bởi vậy mô hình khó có thể phát triển hơn nữa."

Mac ca 1.jpg
Mô hình trồng cây mắc ca cũng như một số mô hình áp dụng giống mới, công nghệ mới vào sản xuất, từng được triển khai ở các huyện, thị, thành phố vẫn đang ở dạng mô hình cập nhật kiến thức sản xuất cho bà con nông dân.

 

Gần đây, một số huyện trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình trồng cây mắc ca. Đây là mô hình mới đang được nông dân toàn tỉnh quan tâm. Họ quan tâm bởi mô hình này được cho là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế lớn, có thể giúp nông dân đổi đời. Tuy nhiên, ở tỉnh mô hình này mới chỉ được thực hiện thí điểm. Người nông dân chưa có nhiều thông tin về loại cây này, cũng như thông tin về thị trường mắc ca trong nước và thế giới. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa có cơ sở nào đứng ra thu mua, chế biến hạt mắc ca. Bởi vậy, chưa có hộ nông dân nào dám phát triển loại cây trồng mới này ở quy mô vừa và lớn. Mô hình trồng cây mắc ca cũng như một số mô hình áp dụng giống mới, công nghệ mới vào sản xuất, từng được triển khai ở các huyện, thị, thành phố vẫn đang ở dạng mô hình cập nhật kiến thức sản xuất cho bà con nông dân.

Không thể phủ nhận nỗ lực của các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp tỉnh trong những năm vừa qua, khi liên tục đưa những mô hình cùng kiến thức mới về chăn nuôi, trồng trọt tới bà con nông dân. Qua công tác phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới chất lượng tốt, năng suất cao được đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần tạo ra sự đổi thay của diện mạo vùng nông thôn. Tuy nhiên, phần lớn mô hình thí điểm chúng ta triển khai trong những năm vừa qua mới chỉ đạt được mục tiêu cập nhật thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp, mà chưa thực sự chú ý đến thực tiễn sản xuất ở các địa phương cũng như điều kiện tồn tại, phát triển bền vững của mỗi mô hình. Khó nhân rộng các mô hình thí điểm do các nguyên nhân như: Mô hình manh mún, thiếu định hướng về đầu ra cho sản phẩm; mô hình đòi hỏi đầu tư lớn và kiến thức khoa học kỹ thuật chuyên sâu, không phù hợp với nông dân vùng cao; mô hình triển khai ở những vùng giao thông cách trở, thông thương gặp nhiều khó khăn; nông dân chưa có ý thức tự giác trong nhân rộng mô hình kinh tế… Làm thế nào để các mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả thực sự và ngày càng nhân rộng, tạo được chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vẫn đang là trăn trở lớn của cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh.

Bà Phạm Tươi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên cho biết: "Việc nhân rộng mô hình đối với các gia đình có điều kiện nhận rộng mô hình thì tạo điều kiện cho họ. Đối với các hộ nghèo thì một số mô hình quy mô vẫn còn rất hạn chế, tăng quy mô mới duy trì bền vững nhưng quy mô hạn chế cũng chỉ giải quyết được cái khó khăn trước mắt thôi. Một trong những yếu tố khó khăn nữa là về trồng trọt, diện tích hạn hẹp, mỗi hộ cũng chỉ có một vài nghìn mét vuông thôi. Thêm vào đó, sản phẩm nông nghiệp của chúng ta hiện nay cũng phụ thuộc vào thị trường, người dân cũng nhiệt tình chuyển đổi, đưa những cái mới vào nhưng không tiêu thụ được, trong khi đó phải có thị trường tiêu thụ thì người dân mới làm."  

Cập nhật thông tin về sản xuất nông nghiệp; nâng cao trình độ cán bộ khuyến nông cơ sở, xây dựng mối liên kết bốn nhà: Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước; xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân mỗi vùng miền, gắn với nhu cầu thị trường, là các yêu cầu cần thiết trong phát triển nông nghiệp hiện nay. Để các mô hình sản xuất thí điểm phát huy được hiệu quả và được nhân rộng, điều quan trọng nhất là phải tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Để thực hiện được điều này, cần phải có quy hoạch sản xuất hợp lý, giúp người nông dân tập trung sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa, tạo thương hiệu cho từng sản phẩm./.

 

Minh Giang – Trọng Lâm

 
 
 

.