Dự án trồng rừng 327 và 661

Lùng nhùng quyết toán

Thứ Sáu, 10/07/2015, 09:15 [GMT+7]

Điện Biên TV - Được triển khai từ năm 1993, đến nay các diện tích rừng trồng theo dự án trồng rừng 327 và 661 đủ điều kiện khai thác. Song để khai thác, các đơn vị phải hoàn thiện quyết toán dự án, lập phương án quản lý rừng trình UBND cấp huyện phê duyệt. Tuy nhiên, sau 22 năm, hầu hết hồ sơ, giấy tờ đã bị nhàu nát, thất lạc... do đó toàn tỉnh chưa đơn vị nào thực hiện xong việc quyết toán; chủ rừng chưa được khai thác gỗ, còn các nhà máy vẫn khan hiếm nguyên liệu để dành...

c
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng vừa qua, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng yêu cầu, các bên liên quan nhanh chóng thực hiện quyết toán dự án 327 và 661.

 

Chương trình trồng rừng 327 là chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc được thực hiện từ năm 1993 – 1998 và dự án 661 (dự án trồng mới 5 triệu héc ta rừng được kế thừa từ chương trình 327). Cả 2 dự án này đều chung mục tiêu là tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được hưởng lợi từ rừng, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã giao các cơ quan chức năng đẩy nhanh tốc độ trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ vốn rừng hiện có. Dự án đã đem lại màu xanh cho các cánh rừng, độ che phủ ngày càng cao và số người được hưởng lợi từ rừng cũng không ngừng tăng. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thực hiện từ chương trình 327 và dự án 661, nhiều diện tích rừng đã đủ thời gian khai thác nhưng đến nay chủ rừng vẫn chưa thể khai thác chỉ vì lý do: các đơn vị chưa thể quyết toán được vì thiếu giấy tờ.

Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng cuối tháng 5 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, khâu quyết toán diện tích trồng rừng 327 và 661 đang là một bài toán khó. Bởi các dự án này triển khai trên đã trên 20 năm, diện tích thống kê “trên giấy” hàng trăm héc ta rừng. Tuy nhiên, hầu hết những dự án này chưa được nghiệm thu – quyết toán; hồ sơ – chứng từ qua thời gian thất lạc khá nhiều; diện tích thực tế hiện nay lại không có rừng… nên không thể nghiệm thu để quyết toán. Ví dụ như dự án trồng rừng 327 ở huyện Tủa Chùa do Ban quản lý công trình xây dựng rừng phòng hộ Sông Đà (tỉnh Lai Châu cũ) làm chủ đầu tư, thực hiện giai đoạn đầu, thế nên sau khi chia tách tỉnh, huyện Tủa Chùa không có số liệu, chứng từ để thanh quyết toán. Cũng trên địa bàn huyện Tủa Chùa dự án trồng rừng 661 có số liệu báo cáo tổng kinh phí thực hiện dự án từ năm 1999 – 2011 là trên 11 tỷ đồng, nhưng số liệu, chứng từ từ năm 1999 – 2005 không tổng hợp và cũng không quyết toán được.

Chung tình trạng với Tủa Chùa là dự án trồng rừng ở huyện Tuần Giáo. Toàn huyện có hơn 64.000ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng trên 40.000ha. Đơn vị thực hiện Chương trình trồng rừng 327 từ năm 1993 – 1998 là Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo. Hàng năm, Ban quản lý rừng phòng hộ đã thanh toán và đối chiếu với Kho bạc Nhà nước tỉnh theo quy định của Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14/2/2011 của Bộ Tài chính, quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước. Từ năm 1995 – 1998, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện được giao thực hiện dự án trồng rừng theo Chương trình 327 tại xã Chiềng Sinh, Búng Lao. Đến năm 1998 hồ sơ chứng từ lưu trữ không còn nên không thể quyết toán. Đối với Dự án trồng mới 5 triệu héc ta rừng, được Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo triển khai từ năm 1999 – 2011, có số liệu báo cáo rõ ràng: tổng diện tích thực hiện trên 3.700ha, chăm sóc rừng trồng gần 9.000ha, bảo vệ rừng trồng trên 44.000ha, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên trên 72.000ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh đạt trên 200ha. Tổng giá trị giải ngân thanh toán trên 24 tỷ đồng, nhưng thời gian quá lâu nên hầu hết những bản sao, chứng từ lưu giữ ở Kho bạc Nhà nước tỉnh đã phai nhạt nên không thể xác định được số liệu chính xác. Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuần Giáo đã có văn bản đề nghị UBND huyện Tuần Giáo, các sở, ban, ngành tỉnh giải quyết nhưng chưa tìm được phương án khả quan.

h
Hầu hết diện tích rừng 327, 661 đủ thời gian khai thác nhưng chưa thể khai thác.

 

Ngoài khó khăn do thất lạc, phai nhạt giấy tờ, việc thanh quyết toán dự án 661 và chương trình 327 còn vướng do có đơn vị thực thi “thay tướng đổi quân” mà không bàn giao nên không tiếp cận được với giấy tờ. Chênh lệch số liệu giữa Sở Tài chính với Ban Quản lý và Kho bạc tỉnh, bất đồng quan điểm giữa các bên cũng là vấn đề không thể quyết toán được. Nói về vấn đề này, ông Hà Lương Hồng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện Điện Biên cho biết: Đơn vị đã lập báo cáo quyết toán theo giai đoạn gửi Sở Tài chính, song bộ phận chuyên môn của Sở Tài chính yêu cầu phải làm lại báo cáo quyết toán theo năm. Vì vậy, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện Điện Biên đề nghị Sở Tài chính có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để các đơn vị thực hiện một cách thống nhất. Còn đối với dự án 327, ông Hồng cho rằng, do mới về nhận nhiệm vụ tại Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện, không được bàn giao giấy tờ, sổ sách nên không nắm được diện tích rừng 327 trên địa bàn là bao nhiêu. Hiện tại, tất cả sổ sách, giấy tờ đang nằm trong kho, nhưng trong kho có cả ngàn đống giấy tờ nên không thể tìm được.

Dự án chưa thể quyết toán, người trồng rừng lại không thể khai thác, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Đơn cử như gia đình ông Quàng Văn Bình, thị trấn Tuần Giáo nhận khoanh nuôi, bảo vệ 10ha rừng từ năm 2002, đến nay đã đủ thời gian khai thác. Diện tích rừng nhà ông Bình thuộc dự án 661. Muốn khai thác dự án này phải có phương án khai thác và tái tạo rừng được cấp tỉnh phê duyệt. Vậy nhưng diện tích rừng của nhà ông nhận rừng từ Lâm trường Tuần Giáo năm nào vẫn mắc kẹt, không thể khai thác. Trong khi đó, mỗi năm gia đình ông đầu tư hàng chục triệu đồng tiền thuê nhân công chăm sóc. Ông Bình tâm sự: “Người trồng rừng chỉ mong cơ quan chức năng sớm giải quyết vướng mắc để có thể khai thác rừng trồng bán cho các nhà máy. Chứ rừng đã đủ thời gian khai thác và tiền của bỏ ra không ít nhưng chúng tôi chưa được hưởng lợi gì từ rừng”. Trong khi đó, cách nhà ông Bình không xa, Nhà máy chế biến gỗ của Công ty Cổ phần rừng Việt Tây Bắc, đóng trên địa bàn huyện Tuần Giáo lại luôn gặp khó khăn vì không thu mua được nguyên liệu sản xuất cầm chừng.

Đó chính là nghịch lý, là vướng mắc từ quyết toán các dự án trồng rừng 327, 661, cần sớm được thực hiện để người dân có thể tận thu khai thác và cũng là giải pháp giải quyết nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong khi đợi rừng trồng mới đủ điều kiện đưa vào khai thác./.

 

Văn Tâm
 

.