Điện Biên: Doanh nghiệp nợ BHXH người lao động chịu nhiều thiệt thòi

Thứ Bảy, 18/07/2015, 10:09 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đến hết tháng 6/2015, toàn tỉnh còn 70/1.610 đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng. Tình trạng này không chỉ gây thất thu cho quỹ BHXH mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Ngoài một số đơn vị thực sự gặp khó khăn thì cũng có không ít doanh nghiệp chây ỳ, cố tình trốn tránh đóng quỹ BHXH hoặc để tiền dùng vào việc khác.

Mặc dù Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các doanh nghiệp có sử dụng lao động trên địa bàn, nhưng nhiều năm qua đơn vị vẫn luôn gặp khó khăn trong việc xử lý tình trạng dây dưa, chây ỳ trốn đóng BHXH, BHYT. Hiện nay, trong số 70 đơn vị nợ bảo hiểm thì có 9 đơn vị nợ đọng kéo dài từ năm này sang năm khác với tổng số tiền khó thu lên đến gần 4 tỷ đồng, như: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và quản lý giao thông nợ 1,8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Công trình giao thông nợ gần 900 triệu đồng; Công ty Cổ phần Cơ khí nông nghiệp và Xây dựng Điện Biên nợ hơn 300 triệu đồng; Doanh nghiệp Xây dựng tư nhân 20/7 nợ 112 triệu đồng…

d
Đến hết tháng 6/2015, toàn tỉnh còn 70/1.610 đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng.

Theo đánh giá của cơ quan BHXH, nguyên nhân phổ biến nhất mà chủ các doanh nghiệp đưa ra nhằm hoãn, khất tiền BHXH, BHYT là: Ảnh hưởng suy thoái kinh tế dẫn đến doanh nghiệp làm ăn khó khăn, công nợ ngày càng lớn chưa có tiền để nộp đúng kỳ, hạn. Ví như, Công ty Cổ phần Công trình giao thông (phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ), một trong những đơn vị thực sự gặp khó khăn về tài chính, cần được tạo điều kiện giúp đỡ, chia sẻ.

Anh Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công trình giao thông cho biết: Doanh thu hàng năm của Công ty tăng nhưng đi cùng với đó là sự biến động của chi phí nguyên vật liệu, chi phí lãi vay quá lớn dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp. Số nợ tại các tổ chức tín dụng hiện nay lên đến hàng chục tỷ đồng, trong khi đó các đơn vị chủ đầu tư lại đang nợ công ty. Thậm chí có chủ đầu tư đã nợ công ty hàng chục năm nay vẫn chưa thanh toán, trong khi các công trình do công ty thực hiện hầu hết đang vượt dự toán ban đầu và đang chờ xin ý kiến của các bộ, ngành. Hiện nay, do thủ tục thanh toán vốn gặp nhiều vướng mắc nên việc giải ngân các công trình chưa kịp thời, dẫn đến nợ tiền BHXH. “Chúng tôi biết BHXH là quyền lợi của người lao động, nhất là khi nghỉ chế độ, ốm đau… nhưng hiện Công ty chưa có nguồn vốn nên mới bắt buộc phải nợ lại tiền bảo hiểm. Trong thời gian sớm nhất, Công ty sẽ quyết toán số tiền bảo hiểm cho cơ quan BHXH để người lao động yên tâm làm việc”,

Song, theo chia sẻ của cán bộ BHXH tỉnh cũng phải thừa nhận rằng, có không ít doanh nghiệp đang lợi dụng, ỷ lại vào lý do “tình hình kinh tế khó khăn” để nợ bảo hiểm hoặc bí vốn nên nợ BHXH, BHYT của cán bộ công nhân để chi tiêu vào việc khác. Điển hình trong số đó là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và quản lý giao thông, Công ty Cổ phần Xây dựng Trung Hải, đóng trên địa bàn phường Thanh Bình, Công ty TNHH Đức Đạt, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ)… Đây là 3 trong nhiều doanh nghiệp được cho là cố tình chây ỳ, trốn tránh việc đóng bảo hiểm cho người lao động. Thực tế sau khi doanh nghiệp quá thời hạn đóng bảo hiểm, cơ quan BHXH tỉnh đã có văn bản yêu cầu gửi đến công ty xem xét, nhưng ngược lại có lãnh đạo đơn vị còn thách thức, không nộp, gây khó dễ cho cán bộ chuyên quản. Thậm chí, sau khi nhận được văn bản yêu cầu nộp thuế, một số lãnh đạo công ty đã đến tận cơ quan Bảo hiểm xã hội yêu cầu được “gặp riêng” lãnh đạo để xin khất nợ tiền BHXH. Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và quản lý giao thông là đơn vị “có tiếng” nợ đọng tiền BHXH lâu và nhiều nhất. Ông Đỗ Thanh Lâm, Giám đốc Công ty đã nhiều lần xin khất nợ với lý do đơn vị gặp khó khăn trong kinh doanh. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế việc kinh doanh của đơn vị không hẳn là như vậy, các dự án công trình đúng tiến độ, doanh thu hàng năm đều tăng, nhưng vì sao doanh nghiệp lại vẫn cố tình không đóng tiền BHXH thì thật khó hiểu, thậm chí người lao động cũng không hề hay biết.

Sự chây ỳ trốn, nợ hoặc không đóng BHXH của các doanh nghiệp khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi, không được hưởng các chế độ BHYT, như: ốm, đau, thai sản, nghỉ dưỡng, hưu trí… Có những công nhân hết tuổi lao động nhưng chưa thể nghỉ chế độ vì chủ sử dụng lao động còn nợ cơ quan BHXH nên người lao động phải chạy đôn, chạy đáo, đơn thư khắp nơi. Đặc biệt, có những trường hợp tai nạn lao động, mang thương tật suốt đời với tỷ lê thương tật cao mà không được hưởng các chế độ… chỉ vì chủ sử dụng lao động đã không nộp BHXH, BHYT đúng kỳ, đúng hạn. Điển hình giữa năm 2014, một số lao động làm việc tại Công ty Cổ phần Công trình giao thông đã kéo đến công ty với thái độ hết sức bất bình vì công ty nợ đọng tiền BHXH khiến người lao động khi nghỉ việc bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Theo người lao động, dù hàng tháng Công ty vẫn trích tiền lương của người lao động để đóng các khoản trên nhưng không hiểu số tiền ấy đi đâu về đâu khi mà cơ quan BHXH thông báo Công ty đã không đóng BHXH cho người lao động từ nhiều tháng qua. Chính vì vậy, chế độ BHXH cho một số lao động của Công ty sau một năm nghỉ việc mới giải quyết được… Và hiện nay, bà Đào Thị Hằng, nguyên giám đốc Công ty đã chuyển đơn vị công tác để lại khó khăn cho những người ở lại và cũng chưa biết đến bao giờ 42 lao động của Công ty mới được đóng hết bảo hiểm.

Cơ quan BHXH thì cũng đã năm lần bảy lượt gõ cửa các doanh nghiệp đòi tiền, nhưng các doanh nghiệp vẫn không chịu thanh toán. Anh Võ Tám Giang, Phó Trưởng phòng Thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết:  đơn vị thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, thuyết phục bằng nhiều hình thức. Kể cả phối hợp với cơ quan Thanh tra tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã lập biên bản yêu cầu các đơn vị chấp hành Luật BHXH, BHYT nhưng một số đơn vị, doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ, trốn tránh không đóng làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Vì vậy, hiện BHXH tỉnh đang hoàn thiện thủ tục khởi kiện 9 đơn vị nợ lâu, nợ dai. Qua câu chuyện, chúng tôi cũng phần nào hiểu được “nỗi khổ” của đơn vị BHXH, mặc dù rất muốn tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển, nhất là trong thời buổi suy thoái kinh tế hiện nay, song nếu cứ nợ đọng dai dẳng nhiều năm thì không chỉ gây thất thu cho quỹ BHXH mà còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. “Chúng tôi đắn đo, suy nghĩ rất nhiều và bất đắc dĩ lắm mới khởi kiện đơn vị nợ đóng bảo hiểm ra tòa. Bởi lẽ, nếu không làm như vậy thì người lao động sẽ không được hưởng các chế độ bảo hiểm hoặc bị giảm thời gian thực tế có làm việc với thời gian đóng BHXH giải quyết chế độ”, anh Giang chia sẻ.

Bảo hiểm xã hội là quyền lợi hợp pháp của người lao động, nhất là trong các trường hợp đau ốm, hưu trí, thai sản… Do đó, để các doanh nghiệp thực hiện đúng Luật BHXH thì cán bộ chuyên quản thu thường xuyên kiểm tra, đối chiếu, đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp trích nộp đầy đủ, kịp thời; phối hợp với các đơn vị thành lập đoàn thanh tra liên ngành thu nợ BHXH, xử phạt hành chính. Nhất là những đơn vị cố tình chây ỳ, có tiền nhưng không nộp. Còn với những doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh cần có chính sách phù hợp để duy trì, và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

 


 Văn Tâm

.