Điện Biên: Lời kết cho những hoài nghi về phân bón Sông Gianh làm ảnh hưởng đến cây cà phê ở Mường Ảng.

Thứ Hai, 22/06/2015, 18:04 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ nhiều ngày qua, dư luận Điện Biên nói chung, huyện Mường Ảng nói riêng xôn xao việc phân bón Sông Gianh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cà phê ở Mường Ảng. Hàng ngàn cây cà phê của nhiều hộ dân ở đây đã bị vàng lá, khô lá, rụng quả và có cả cây chết sau khi được bón phân Sông Gianh. Sau nhiều buổi làm việc giữa các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện, Công ty Sông Gianh và nông dân trồng cà phê, đến nay đã có kết luận cụ thể cho thực trạng này.

1
Buổi làm việc các cơ quan chức năng để phân tích các nguyên nhân dẫn đến cây cà phê bị vàng lá, khô lá, khô, rụng quả; khô, chết cành.v.v.

Một buổi làm việc cuối cùng, có sự góp mặt đông đủ của các cơ quan chức năng gồm: Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh; Trung tâm Khuyến nông tỉnh; Phòng Trồng trọt - Sở Nông nghiệp; Các cơ quan: Nông nghiệp, Trạm khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mường Ảng; đại diện một số cơ sở Vật tư nông nghiệp tỉnh và huyện.v.v. cùng đại diện người trồng cà phê có sử dụng phân bón Sông Gianh và đại diện Tổng Công ty Sông Gianh. Tại buổi làm việc này cũng như trong quá trình tìm hiểu thực tế tại một số vườn cà phê được sử dụng phân bón Sông Gianh, Đoàn đã tập trung phân tích các nguyên nhân dẫn đến cây cà phê bị vàng lá, khô lá, khô, rụng quả; khô, chết cành.v.v. Qua phân tích, đoàn xác định được nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này nhưng không có nguyên nhân từ chất lượng phân bón Sông Gianh.

Ông Trần Kim Khoán - Phó Giám đốc kỹ thuật - Tổng Công ty Sông Gianh chi nhánh Hà Nội cho hay: Công ty đã thử trên một số diện tích cây Cà Phê sử dụng phân bón Sông Giang theo đúng quy trình và kỹ thuật hiện tại các cây Cà Phê trên diện tích đó đanh sinh trưởng và phát triển tốt, đoàn cũng xác định những cây bà con sử dụng phân bón mà bị vàng lá, khô lá, rụng quả do cây cà phê bị bệnh thán thư do gặp thời tiết có nhiệt độ cao, nóng ẩm liên tục

( Bệnh thán thư: Bệnh thán thư do nấm colletotrichum sp là bệnh hại rất phổ biến trên nhiều cây ăn quả, những cây thường bị bệnh gây hại nặng ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây đến năng suất và phẩm chất quả như các cây có múi, xoài, chôm chôm, na, sầu riêng, thanh long, vải, măng cụt, đu đủ…Bệnh có thể gây hại các bộ phận cây như lá, hoa quả, chồi và cành non. )

Không chỉ với những phân tích mang tính khoa học như ông Trần Kim Khoán vừa cho biết, mà chính những người trồng cà phê cũng khẳng định phân bón Sông Gianh vẫn tốt cho cây cà phê. Chị Nguyễn Thị Mai Thi - bản Co Hắm - xã Ảng Nưa - Mường Ảng cho biết:  Năm ngoái gia đình có sử dụng phân bón Sông Giang các cây cà phê đều sinh trưởng và phát triển tốt, nhưng không hiểu lý do gì năm nay sử dụng các cây cà phê đều bị bệnh. Cán bộ kỹ thuật của Công ty đã xuống sử dụng thử trên một diện tích cây cà phê nhỏ của gia đình và không bị , khô lá, khô, rụng quả; khô, chết cành.

1
Diện tích trồng thử cây cà phê sử dụng phân bón Sông Giang của Công ty, hiện nay các cây đều sinh trưởng và phát triển tốt

Ngoài mô hình bón thử nghiệm lại tại gia đình chị Nguyễn Thị Mai Thi ở xã Ảng Nưa, huyện Mường Ảng và Công ty Sông Gianh còn thực hiện bón thử lại với 2 mô hình khác tại thị trấn Mường Ảng và xã Ảng Tở. Cả 2 mô hình bón thử, theo đúng quy trình kỹ thuật là: bón 0,4kg/một cây theo hình thức: bón xung quanh gốc, phía trong đầu tán cây 10cm. Do đó, toàn bộ diện tích bón thử, cà phê đều xanh, tốt, không có những biểu hiện vàng lá hay khô, chết cây như những hộ tự bón theo hình thức: bón tập trung một chỗ.

Như vậy, lại thêm một lần khẳng định: cà phê bị vàng lá hay chết không phải do chất lượng phân bón Sông Gianh, mà do bà con bón không đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn. Cũng theo phân tích của các cơ quan chuyên môn: Cà phê bị vàng lá hay chết sau khi bón phân Sông Gianh là những cây yếu, không hấp thụ hết lượng phân, dẫn đến hiện tượng choáng. Bởi phân bón Sông Gianh là loại phân chất lượng cao nên số lượng sử dụng cho mỗi cây phải thấp hơn so với các loại phân khác. Trong khi đó, bà con bón ước lượng theo thói quen như những loại phân khác mà không cân đong cụ thể. Phần nữa là do yếu tố thời tiết, nắng nóng nhiều, khi cho phân, cây dễ bị xót, đặc biệt là với những cây yếu, cây thiếu bóng che hoặc những cây đã bị ủ bệnh.v.v.

Một minh chứng khác cho việc: cà phê không bị ảnh hưởng bởi chất lượng phân bón Sông Gianh là chính từ những cây cà phê này  Chúng không được bón bằng phân Sông Gianh, nhưng vẫn có hiện tượng vàng lá. Và cách đây chỉ vài mét, những cây cà phê mang một màu xanh đậm này, chúng được bón bằng phân Sông Gianh.

Tại buổi làm việc lần cuối này, các thành viên trong đoàn đều có cùng một kết luận trên những phân tích cụ thể

Ông Hoàng Ngọc Quân - Chi cục trưởng  Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh nói: “ Không phải cây nào cũng bị ảnh hưởng do phân bón, có những cây hiện nay vàng lá là do bệnh Thán Thư. Không phải nơi nào bón phân Sông Giang mà nơi khác không bón phân Sông Giang cũng bị ”

Bà Phạm Thị Tươi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh nói: “ Qua quan sát thực tế hiện không có cây nào chết do bón phân, mà nguyên chủ yếu do bệnh Thán Thư ”

Ông Phạm Văn Đông - Người trồng cà phê - Thị trấn Mường Ảng nói: “ Vừa rồi gia đình có bón 1ha phân bón Sông Giang nhưng không có hiện tượng gì, vì thời điểm bón phân này là thích hợp điều kiện thời tiết rất đẹp. Trước kia bà con lấy phân về bón từ 15/3 đến trung tuần tháng 4 thời kỳ cao điểm nắng nóng, nghĩ như mọi năm không ảnh hưởng gì. Năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài ít mưa thì các cây cà phê không thể chịu nổi "

Như vậy, sự việc đã được lý giải. Mọi khẳng định đều minh chứng phân bón Sông Gianh không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây cà phê nếu thực hiện đúng quy trình kỹ thuật bón phân và các yêu cầu về sử dụng phân bón. Đây sẽ là một bài học kinh nghiệm không chỉ đối với người trồng cà phê ở Mường Ảng, mà còn là bài học về sự chỉ đạo cũng như phối kết hợp giữa chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở với nhà đầu tư, nhà phân phối và bà con nông dân trong sản xuất cây cà phê ở Mường Ảng nói chung và việc sử dụng phân bón nói riêng./.

 

Lê Dung - Tiến Dũng

.