Khởi sắc làng nghề mây tre đan truyền thống ở Nà Tấu

Thứ Ba, 26/05/2015, 18:49 [GMT+7]
Điện Biên TV - Những năm gần đây, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp và xác định đó là một trong những hướng đi quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, với thế mạnh có nguồn lao động dồi dào và nguyên liệu đa dạng, nghề mây tre đan được chính quyền xã Nà Tấu quan tâm, giúp đỡ đã đem lại hiệu quả tích cực.
 
Từ nghề đan lát truyền thống do cha ông truyền lại với những sản phẩm thô sơ như: bàn, ghế, mâm… đang có nguy cơ mai một. Sản phẩm chủ yếu quanh quẩn với các đồ dùng gia dụng làm từ song, mây, tre, nứa khá đơn điệu cộng với bị đồ nhựa chiếm lĩnh nên thị trường tiêu thụ hẹp, giá cả bấp bênh dẫn đến thu nhập của người dân thấp. Năm 2010, được sự quan tâm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, cùng với UBND xã tạo điều kiện giúp đỡ thành lập Hợp tác xã (HTX) làng nghề mây tre đan xã Nà Tấu. Ban đầu thành lập, HTX gặp không ít khó khăn, song được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, trang bị 6 thiết bị máy móc trẻ tuốt mây tre rất hiện đại, đồng thời hỗ trợ 25 triệu đồng tạo điều kiện cho cơ sở phát triển sản xuất và mở rộng quy mô. Tháng 7/2010, còn mời nghệ nhân từ Hà Nội lên, tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật đan lát các sản phẩm mây tre truyền thống và sản phẩm mây tre xuất khẩu. Nhờ có sự cố gắng học hỏi, khóa học kết thúc, hầu hết các thành viên trong làng nghề đều nắm được kỹ thuật và có thể tự làm sản phẩm. Tuy nhiên, khó khăn của HTX chính là nguồn nguyên liệu sản xuất như: mây, tre… trên địa bàn ngày càng khan hiếm. Để giải quyết vấn đề thiếu nguyên liệu sản xuất, năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuống khảo sát tại địa phương và tổ chức hướng dẫn cho người dân kỹ thuật trồng cây mây lấy nguyên liệu phục vụ cho làng nghề. Được sự quan tâm, hướng dẫn tận tình của Sở, UBND xã, cùng với sự chăm sóc, trông nom của người dân, đến nay, diện tích hơn 20ha mây tại các bản: Nà Tấu 1, 2, 3 và bản Cang 1, 2 đang phát triển tốt, có chỗ lên cao tới 2m. Từ đó, bước đầu giải quyết những khó khăn thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất. 
c
Ông Lò Văn Cương, Chủ nhiệm HTX làng nghề mây tre đan xã Nà Tấu đang giới thiệu hệ thống máy móc đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất 

 

Ông Lò Văn Cương, Chủ nhiệm HTX cho biết: Trước khi thành lập HTX chưa có máy móc hiện đại như giờ, làng nghề thủ công sản xuất đem lại năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao mà mẫu mã lại đơn điệu. Sau khi đưa máy móc vào hoạt động, HTX mở rộng sản xuất đại trà phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Nhờ đó, rút ngắn 2/3 thời gian để hoàn thành một sản phẩm, mất ít công và độ chính xác cao mà chi phí lại thấp. Đơn cử, để hoàn thành một chiếc bàn, một người làm phải mất 3 ngày, nhưng khi đưa máy móc để sản xuất thì thời gian được rút ngắn chỉ còn 1 ngày, mà thanh mây, tre được chẻ nhỏ, đều và đẹp. Đó là yếu tố quan trọng để tạo ra nhiều sản phẩm khác, ngoài các vật dụng từ mây tre phục vụ sản xuất và sinh hoạt, còn tạo ra các sản phẩm trang trí cho các nhà hàng, quán ăn dân tộc… Đến nay, HTX đã sản xuất 1.560 sản phẩm các loại, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, cung ứng cho thị trường tiêu thụ các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Lào Cai, TP. Điện Biên Phủ và U Đôm Xay (CHDCND Lào). Sản phẩm của HTX được người tiêu dùng ưa thích nên số lượng đơn đặt hàng của các tổ chức, cá nhân ngày càng tăng, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho khách hàng. Năm 2014, doanh thu của HTX đạt được trên 70 triệu đồng, cùng với đó là giải quyết việc làm cho nhiều lao động khi nông nhàn với mức thu nhập từ 600 - 700 nghìn đồng/người/tháng. Mức thu nhập tuy không cao nhưng thường xuyên và còn tận dụng nguồn nhân lực là người già, trẻ em, vì đây là nghề lao động không quá vất vả. Sau những giờ lên lớp, trẻ em có thể phụ giúp cha mẹ đan lát, người già phụ thêm sáng tạo các mẫu mã sản phẩm, còn thanh niên lại cùng nhau chẻ tre, se mây. Ngoài thời gian làm nông nghiệp, tranh thủ thời gian nông nhàn, người dân trên địa bàn xã lại tập trung đan lát, không có thời gian chơi bời, nhờ đó các tệ nạn xã hội cũng giảm đáng kể.
 
Kể từ khi đi vào hoạt động, HTX làng nghề mây tre đan xã Nà Tấu cho thấy sự hiệu quả trong sản xuất. Song song với đó là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
 
 
Phạm Quang
 
.