Thủ tướng: Nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép

Thứ Hai, 20/10/2014, 16:12 [GMT+7]

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng tăng 17,2% so với cùng kỳ. Bảo đảm chi theo kế hoạch và nhu cầu cấp bách phát sinh.

Sáng nay (20/10), ngay sau phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015.

1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 2014 và nhiệm vụ 2015

 

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Chúng ta thực hiện nhiệm vụ năm 2014 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Xung đột xảy ra ở nhiều nơi. Căng thẳng trên biển Hoa Đông và biển Đông”.

Với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Trên cơ sở kết quả 9 tháng đầu năm và ước thực hiện các tháng cuối năm, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua; dự kiến cả năm tăng dưới 5%. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,26% (cùng kỳ là 6,87%), dự kiến cả năm tăng 12 - 14% theo kế hoạch. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên.

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng tăng 17,2% so với cùng kỳ. Ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán. Bảo đảm chi theo kế hoạch và nhu cầu cấp bách phát sinh.

“Bội chi ngân sách 5,3% GDP. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép tại Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ, ước cả năm bằng khoảng 30,1% GDP. Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng 12,8%, ước cả năm tăng 5,45%. Vốn FDI thực hiện đạt 8,9 tỷ, tăng 3,2%, ước cả năm đạt 12,5 tỷ USD, tăng 8,7%. Vốn ODA giải ngân đạt 4,1 tỷ, tăng 10%, ước cả năm đạt 5,5 tỷ USD, tăng 7,1%. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ ước cả năm tăng khoảng 18,3%.

Những tháng đầu năm, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tín dụng, đất đai, xây dựng, thành lập và giải thể doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng... Môi trường kinh doanh có bước được cải thiện, huy động và sử dụng ngày càng tốt hơn các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tăng 13,9%, vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp tăng 24,6%; số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 5,1%.

Về tái cơ cấu kinh tế

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thời gian qua, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được tích cực triển khai thực hiện. Tăng cường quản lý, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách và đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công. Đổi mới quản lý đầu tư theo kế hoạch trung hạn. Tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp thiết, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Quyết định đầu tư phải xác định được nguồn và khả năng cân đối vốn. Tăng cường xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, kiểm soát chặt chẽ các dự án khởi công mới. Hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là các hình thức hợp tác công - tư để thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước.

Đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Cơ bản hoàn thành tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, giảm 7 tổ chức tín dụng, năng lực tài chính của ngân hàng thương mại tăng lên, an toàn hệ thống được bảo đảm. Đã xử lý 53,6% tổng số nợ xấu được xác định trong Đề án bằng thu hồi nợ, tái cơ cấu nợ, sử dụng dự phòng rủi ro và mua lại nợ xấu qua Công ty quản lý tài sản (VAMC).

Tăng cường quản lý và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ban hành các cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa và thoái vốn. Trong kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp giai đoạn 2014 - 2015, qua 9 tháng đã cổ phần hóa 71 doanh nghiệp (gần bằng cả năm 2013 là 74 doanh nghiệp) và đã công bố giá trị 123 doanh nghiệp, dự kiến cả năm sẽ cổ phần hóa khoảng 200 doanh nghiệp. Thoái vốn đầu tư ngoài ngành 9 tháng đạt 3.500 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cả năm 2013. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn có lãi, vốn chủ sở hữu được bảo toàn và phát triển, đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng. Đang triển khai thực hiện tái cơ cấu các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.[i]

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi, khai thác nuôi trồng thủy sản, trồng rừng gỗ lớn và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa nông nghiệp. Nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn, dồn điền đổi thửa, liên kết và hợp tác trong sản xuất kinh doanh. Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đến cuối năm 2014 dự kiến có khoảng 790 xã hoàn thành 19 tiêu chí (chiếm 8,8%).

Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch tích cực; tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo tăng, công nghiệp khai khoáng giảm. Nhiều dự án đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, năng lượng, xây dựng hạ tầng... đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, xuất khẩu, việc làm và tăng trưởng. Các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học công nghệ cao như công nghệ thông tin truyền thông, tài chính ngân hàng, y tế, vận tải, logistics, hàng không, du lịch, thương mại... được tập trung phát triển và đạt được nhiều kết quả.

Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận: Tái cơ cấu kinh tế vẫn còn chậm. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Tốc độ đổi mới công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm. Tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo và tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP còn thấp so với các nước trong khu vực. Doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới chưa đạt mục tiêu đề ra. Tái cơ cấu đầu tư công một số nơi triển khai chậm, nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn lớn; việc thu hút đầu tư ngoài nhà nước vào phát triển kết cấu hạ tầng còn hạn chế. Vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiệu quả chưa cao. Hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp.

Về mục tiêu phát triển kinh tế năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết:Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5%; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP./.
 

.