Mường Ảng trước mùa cà phê chín

Thứ Sáu, 19/09/2014, 15:32 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong những năm qua, cây cà phê đã và đang được huyện Mường Ảng xác định là một trong những cây trồng mũi nhọn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây cà phê mất giá, thị trường bấp bênh không ổn định đã ảnh hưởng lớn tới các hộ gia đình trồng cà phê. Một mùa cà phê nữa lại đến và người trồng cà phê lại thấp thỏm với nỗi lo về giá.
    
Cây cà phê được đưa vào trồng tại huyện Mường Ảng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và cho chất lượng thơm ngon nên qua thời gian, diện tích cà phê trên địa bàn huyện không ngừng tăng lên. Đến nay, huyện Mường Ảng đã vươn lên là một trong những địa phương có diện tích cà phê dẫn đầu tỉnh.

Xác định rõ tiềm năng, thế mạnh cũng như những đóng góp của cây cà phê đối với công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương. Trong những năm qua, huyện Mường Ảng đã chủ trương và thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc phát triển diện tích cà phê. Năm 2012, huyện trồng mới được trên 535ha cà phê, năm 2013 trên  200 ha và kế hoạch trong năm 2014 này diện tích cà phê trồng mới cũng đạt khoảng 200 ha. Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích cà phê toàn huyện đã đạt trên 3.300 ha, trong đó diện tích cà phê kinh doanh là trên 1.650 ha, diện tích cà phê kiến thiết cơ bản khoảng 1.660 ha. Theo kế hoạch đến hết năm 2015, huyện Mường Ảng phấn đấu nâng diện tích cà phê lên khoảng 3.800 ha và đến năm 2020 là trên 4.200 ha.

b
Diện tích cà phê tại Mường Ảng vẫn tăng đều qua các năm, năng suất tương đối ổn định...


Tổng diện tích cà phê cũng như diện tích cà phê cho thu hoạch tăng nhanh qua các năm. Năm 2012, diện tích cà phê kinh doanh cho thu hoạch là 1.400 ha, tổng sản lượng cà phê trấu đạt gần 4.400 tấn, năng suất bình quân đạt 3,1 tấn/ha. Năm 2013, diện tích cà phê kinh doanh là 1.655 ha, sản lượng 4.965 tấn, năng suất trung bình đạt 3 tấn/ha. Trong năm 2014 này, theo kế hoạch đề ra, số diện tích cà phê cho thu hoạch sẽ tăng lênt rên 2.000 ha, tổng sản lượng ước đạt trên 6.200 tấn cà phê trấu. Như vậy có thể thấy, diện tích và sản lượng cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng không ngừng tăng qua các năm, trong khi năng suất được duy trì khá đều đặn, năng suất trung bình qua các năm luôn đạt khoảng 3 tấn cà phê trấu/ ha. Mặc dù diện tích, sản lượng tăng trưởng đều đặn qua các năm nhưng giá bán cà phê lại liên tục biến động đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các hộ gia đình trồng cà phê trên địa bàn huyện. Năm 2010, doanh thu từ bán cà phê toàn huyện đạt 110 tỷ đồng và con số này trong năm 2011 là 180 tỷ đồng. Mức giá thu mua cà phê trong giai đoạn này khá cao đạt khoảng 80 nghìn đồng/1 kg cà phê trấu. Tuy nhiên, từ vụ cà phê năm 2012, giá cả có biến động lớn, nếu như đầu vụ giá thu mua đạt khoảng 70 nghìn đồng/kg cà phê trấu thì đến giữa và cuối vụ chỉ còn khoảng 38 – 40 nghìn đồng/kg. Bước sang năm 2013, mức giá này còn thấp hơn nữa dao dộng trong khoảng 30 – 33 nghìn đồng/kg.
    
Bước vào vụ cà phê năm 2014 này, người dân huyện Mường Ảng lại phấp phỏng nỗi lo về giá cà phê. Gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng có khoảng 5 ha cà phê, trong đó có trên 1,2 ha trồng tại xã Ẳng Nưa đã cho thu hoạch 7 – 8 năm nay và gần 4 ha ở xã Ngối Cáy mới cho thu hoạch. Thời điểm này, diện tích cà phê trên bắt đầu chín, anh phải thuê nhân công hái chồi để dinh dưỡng của cây tập trung vào quả và để công việc thu hái cà phê tới đây thuận lợi hơn. Theo anh cho biết, trong vụ cà phê trước năng suất cà phê đạt khá khoảng 17 tấn quả tươi/ha. Tuy nhiên, giá bán lại khá thấp chỉ khoảng 4 - 5 nghìn đồng/kg quả tươi. Với mức giá trên gia đình anh hầu như không có lãi, bởi theo tính toán của anh để chăm sóc 1ha cà phê cần đầu tư tối thiểu 25 triệu đồng tiền phân bón để đảm bảo cà phê cho thu hoạch, kế đó là tiền công thuê phun thuốc, dọn cỏ, thu hái khoảng 35 – 40 triệu đồng/ha tùy khối lượng công việc. Vì vậy, chuẩn bị bước vào vụ cà phê năm nay, anh hết sức lo lắng bởi qua thăm vườn năng suất ước đạt chỉ khoảng 15 tấn quả tươi/ha, nếu giá cà phê không nhích lên thì năm sau gia đình anh sẽ không còn nguồn lực để tiếp tục chăm bón các diện tích cà phê đã đầu tư.

b
... Tuy nhiên, qua 2 vụ cà phê rớt giá thảm hại, người trồng cà phê tại Mường Ảng lại đang phấp phỏng nỗi lo về giá ở vụ cà phê 2014 này.



Không riêng gì gia đình anh Hùng, qua khảo sát một số hộ gia đình trồng cà phê lâu năm trên địa bàn, được biết năng suất cà phê năm nay bị ảnh hưởng bởi trong đợt ra hoa đầu tiên mưa nắng thất thường đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc đậu quả của các diện tích cà phê. Lo cà phê mất mùa rồi lại phấp phỏng lo âu chờ giá đang là tâm trạng chung của nhiều hộ trồng cà phê. Bởi sau 2 năm liên tiếp giá cà phê sụt giảm nhiều hộ gia đình đã không còn đủ điều kiện kinh tế để tiếp tục đầu tư chăm bón cho các diện tích cà phê. Vì vậy, ai cũng mong giá cà phê tăng cao hơn năm trước để có chút lợi nhuận và tiếp tục tái đầu tư vào cà phê.

Xã Ẳng Nưa là một trong những xã có diện tích cây cà phê lớn. Hiện xã có trên 600 ha cây cà phê, trong đó hầu hết diện tích đã cho thu hoạch. Nhiều hộ không còn mặn mà với cây cà phê, việc quan tâm, đầu tư chăm bón không còn được như những vụ trước kéo theo đó là năng suất và chất lượng cà phê không đảm bảo. Vì vậy, xã Ẳng Nưa chủ trương tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chăm sóc, bảo vệ các diện tích cà phê hiện có, không vì giá xuống thấp trong 1,2 vụ mà quay lưng lại với cây cà phê. Bởi so với việc canh tác các loại cây trồng khác, cây cà phê vẫn mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài và bền vững hơn.

So với khu vực thị trấn và các xã vùng ngoài, những địa bàn mới triển khai trồng cà phê như Mường Đăng, Ngối Cáy còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Bởi vào thời điểm giá cà phê đạt ngưỡng 80 nghìn đồng/kg cà phê trấu nhiều hộ mới bắt tay vào mua đất, cải tạo và tiến hành trồng cà phê. Đến nay, các diện tích cà phê bắt đầu cho thu hoạch thì giá lại quá thấp, thậm chí còn thấp hơn giá thu mua tại các xã vùng ngoài. Gia đình anh Nguyễn Văn Tiêm ở bản Đắng, xã Mường Đăng đã mua 4ha đất đồi với giá khoảng 6 triệu đồng/ha để đầu tư  trồng cà phê từ năm 2010. Đến năm 2013 cà phê bắt đầu cho thu hoạch, tuy nhiên, do mới cho thu hoạch nên trên 4ha cà phê chỉ cho sản lượng khoảng 5 tấn cà phê trấu. Với mức giá tư thương thu mua là 25 nghìn đồng/kg gia đình anh chỉ thu về 100 triệu đồng, tính toán chi li các khoản gia đình anh không những không có lãi mà thậm chí còn thua lỗ.
    
Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế cây cà phê đã mang lại cho người dân huyện Mường Ảng trong thời gian qua. Tuy nhiên, để cây cà phê phát triển bền vững thì việc giải bài toán về thị trường tiêu thụ và giá cả đã và đang trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu. Với người trồng cà phê cả năm chăm bón, trông chừng cho cây cà phê đơm hoa kết trái nay chỉ còn biết hi vọng thị trường, giá cả sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Đồng thời, tin tưởng vào chủ trương phát triển cây cà phê của huyện, hoạt động của các phòng ban chuyên môn, Hiệp hội Cà phê Mường Ảng trong việc xúc tiến khẳng định thương hiệu cà phê Mường Ảng... để từ đó cà phê Mường Ảng có chỗ đứng trên thương trường, người dân có thu nhập xứng đáng với tiền bạc, công sức đã bỏ ra. Và để cây cà phê thực sự là cây trồng mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.

 

Chu Linh – Huy Long

.