Thực trạng và định hướng phát triển chăn nuôi ở huyện Nậm Pồ

Thứ Hai, 22/07/2013, 18:47 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nậm Pồ là huyện vùng cao, biên giới mới được thành lập, có diện tích tự nhiên khá lớn, điều kiện khí hậu thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi đàn gia súc. Có thể nói, nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung và chăn nuôi trâu, bò nói riêng của Nậm Pồ đã, đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, chăn nuôi ở đây chỉ phát triển tự phát, nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất chăn nuôi hàng hoá lớn.

vd
Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc của huyện Nậm Pồ đạt từ 3 - 4%/năm

Là một trong địa phương có địa hình rộng, chủ yếu đồi núi thấp, xã Si Pa Phìn được xem là xã có nhiều điều kiện thuận lợi về phát triển chăn nuôi của huyện Nậm Pồ - một huyện mới được chia tách thành lập. Trên thực tế, trong những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm đã mạng hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân, góp phần đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo của xã. Trên địa bàn xã Si Pa Phìn hiện có hơn 2.000 con trâu, gần 800 con bò, hơn 400 con ngựa, 600 con dê và hàng chục nghìn con lợn và gia cầm các loại. Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm của xã luôn đạt từ 4 - 5%/năm. Ngoài những hộ chăn nuôi theo mô hình kinh tế hộ, hiện nay xã Si Pa Phìn đang xuất hiện khá nhiều hộ dân phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại kép kín VAC. Đặc biệt, có những hộ quy mô chăn nuôi lên đến hàng trăm con trâu, bò, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Theo số liệu thống kê của UBND xã, trung bình mỗi năm giá trị xuất bán gia súc, gia cầm của xã lên đến gần chục tỷ đồng. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi và những hiệu quả kinh tế mà phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại, lĩnh vực chăn nuôi đã và đang được Đảng bộ, chính quyền xã Si Pa Phìn lựa chọn là một trong hai ngành chính trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương.

Cũng như Si Pa Phìn, Vàng Đán là xã mới được chia tách và thành lập, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trình độ canh tác của người dân còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 70%. Tuy nhiên, xã Vàng Đán lại có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi. Vì vậy trong những năm tới, xã Vàng Đán xác định phát triển chăn nuôi cũng là một trong những định hướng góp phần đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Nậm Pồ là huyện vùng cao, biên giới mới được thành lập, có diện tích tự nhiên khá lớn, điều kiện khí hậu thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi đàn gia súc. Có thể nói, nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung và chăn nuôi trâu, bò nói riêng của Nậm Pồ đã, đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Nhiều hộ gia đình trong huyện đã thoát nghèo từ việc phát triển chăn nuôi gia súc. Không chỉ vậy, hiện nay nhiều hộ gia đình trong huyện đã có hướng phát triển chăn nuôi gia súc theo quy mô trang trại vừa và nhỏ. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng hơn 100 hộ gia đình phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại và gia trại tập trung. Theo số liệu thống kế của UBND huyện, hiện tại Nậm Pồ có trên 10.000 con trâu, hơn 2.000 con bò, gần 10.000 con dê và hơn 38.000 con lợn, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt từ 3 - 4%/năm. Mỗi năm huyện Nậm Pồ đã xuất bán ra ngoài thị trường nghìn con trâu, bò với giá trị gần hai chục tỷ đồng. Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Từ những hiệu quả kinh tế mà chăn nuôi đàn gia súc mang lại, Đảng bộ, chính quyền huyện Nậm Pồ đã xác định và lựa chọn chăn nuôi là ngành chính trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xóa bỏ tập tục canh tác lạc hậu, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo.

vb
Huyện Nậm Pồ đã xác định và lựa chọn chăn nuôi là ngành chính trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp

Trên thực tế, với tốc độ tăng trưởng đàn gia súc hiện nay thì huyện vẫn chưa phát huy được hết tiền năng, điều kiện và thế mạnh để phát triển chăn nuôi. Trong những năm qua, trên địa bàn tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn thấp. Đời sống kinh tế của nhân dân có bước được cải thiện nhưng còn ở mức thấp, khả năng đầu tư cho chăn nuôi của đại bộ phận nhân dân còn hạn chế. Tư duy đầu tư phát triển chăn nuôi hàng hoá còn yếu. Chăn nuôi phát triển tự phát, nhỏ lẻ, tốc độ phát triển chậm, chưa hình thành vùng sản xuất chăn nuôi hàng hoá lớn. Chính sách đầu tư khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi chưa có. Việc tiêu thụ sản phẩm, giải quyết đầu ra cho chăn nuôi còn hạn chế, chủ yếu do tư thương nên có hiện tượng chèn ép giá người sản xuất, chăn nuôi. Công tác chuyển giao tiến bộ KHKT vào trong lĩnh vực chăn nuôi còn hạn chế, nhiều chương trình còn dừng lại ở mô hình, khả năng nhân ra diện rộng còn chậm. Khả năng tiếp cận tiến bộ KHKT vào sản xuất theo hướng công nghiệp của nông dân còn ít. Việc chăn thả còn mang tính truyền thống, hướng nhân đàn vẫn chủ yếu theo từng năm và từ bố mẹ, chưa có sự đầu tư về vốn, giống để nhân đàn với số lượng lớn có chất lượng. Hàng năm, trên địa bàn huyện vẫn xuất hiện một số dịch bệnh làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng đàn gia súc.

Để hình thành, phát triển ngành chăn nuôi hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao và chiếm tỷ trọng kinh tế cao trong cơ cấu kinh tế, góp phần đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền các cấp huyện Nậm Pồ sớm quan tâm, nghiên cứu đề xuất và có những chính sách đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay đầu tư chăn nuôi. Các ngành cần tuyên truyền, hướng dẫn nông dân xây dựng chuồng trại hợp lý, bảo đảm vệ sinh thú y. Tăng cường công tác thú y đảm bảo an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ từ cơ sở cho đến huyện, nhất là đội ngũ cán bộ thú y viên, khuyến nông viên cơ sở; đảm bảo hệ thống thú y, khuyến nông cơ sở có trình độ từ trung cấp trở lên. Mở lớp tập huấn cho người chăn nuôi để có kiến thức chăn nuôi, kinh doanh đáp ứng được nhu cầu thị trường. Hàng năm, toàn huyện phải đạt tỷ lệ tiêm phòng định kỳ tối thiểu từ 90% tổng đàn trở lên. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Vận động nhân dân không vận chuyển, buôn bán và sử dụng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc nhằm phòng tránh dịch bệnh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kỹ thuật chăn nuôi thú y đủ số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quy hạch vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Tạo điều kiện về quỹ đất để phát triển trang trại tập trung theo hướng đưa chăn nuôi cách xa nơi ở khu dân cư; diện tích đất quy hoạch mỗi khu chăn nuôi phải đủ lớn để xây dựng khép kín như: Khu sản xuất con giống, khu nuôi thương phẩm, khu nuôi thử nghiệm, các công trình phụ trợ, nơi sản xuất thức ăn bổ sung tại chỗ, xử lý chất thải... Khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, liên hộ gia đình phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế trang trại, thành lập hợp tác xã.

Dù mới thành lập, song những giải pháp này sẽ là định hướng cần thiết để chính quyền các cấp, các phòng chức năng của huyện Nậm Pồ quan tâm, triển khai thực hiện./.

 

Duy Linh - Anh Tuấn

.