Sản xuất vụ mùa ở Mường Chà

Thứ Ba, 23/07/2013, 10:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong một vài năm trở lại đây được sự quan tâm đầu tư của nhà nước, diện tích lúa hai vụ ở Mường Chà không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, phần lớn diện tích ruộng lúa nước vẫn chỉ sản xuất được một vụ. Chính vì vậy, vụ mùa vẫn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất của đồng bào.

Vụ mùa, vụ sản xuất chính trong năm được bà con nông dân huyện Mường Chà bắt đầu từ cuối tháng 5 đối với các xã vùng cao và từ đầu tháng 7 đối với các xã vùng thấp. Khi những cơn mưa mang nước đến phủ khắp mặt ruộng, ướt mềm khoảnh nương cũng là lúc bà con tất bật với việc làm đất, xuống giống cho kịp thời vụ. Theo số liệu của phòng nông nghiệp huyện, vụ mùa 2013 toàn huyện gieo trồng trên 1.600 ha ruộng lúa nước và 2.350 ha lúa nương.
    
Đối với đồng bào miền núi tập quán canh tác sản xuất trên nương đã có từ lâu đời. Xuất phát từ thực tế thiếu đất sản xuất nên trong những năm gần đây dù được sự quan tâm của nhà nước đầu tư các công trình thủy lợi, khai hoang ruộng 2 vụ nhưng diện tích canh tác chính của bà con vẫn dựa nhiều vào nương rẫy. Vụ chiêm xuân toàn huyện chỉ gieo cấy được trên 300 ha ruộng lúa nước. Như vậy ruộng lúa nước chỉ gieo cấy được 1 vụ lên đến trên 1.300 ha. Với đặc thù này huyện Mường Chà hết sức coi trọng tới sản xuất vụ mùa.

b
Nông dân Mường Chà chăm sóc lúa mùa.


“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” - bốn yếu tố quan trọng nhất trong trồng lúa nước để có vụ mùa bội thu được ông cha ta đúc kết lại. Nước, yếu tố đầu tiên quyết định đến việc có sản xuất hay không. Trước đây, dù lúa ruộng hay lúa nương phần lớn đều trông chờ vào nước trời. Nay 60 - 70% diện tích lúa nước trên địa bàn huyện đã được đảm bảo nước tưới thường xuyên từ các công trình thủy lợi. Các công trình thủy lợi như thủy nông Háng Lìa (xã Huổi Lèng), thủy nông Huổi Toóng (xã Mường Mươn), thủy lợi Huổi Sang (xã Na Sang)... đã thực sự mang lại màu sắc mới cho những cánh đồng. Trong sản xuất, phân bón đã được người nông dân sử dụng thay vì để các vụ lúa nối tiếp nhau hút cạn chất dinh dưỡng của đất đến mức bạc màu. Không chỉ sử dụng các loại phân bón vô cơ, bà con nông dân còn tận dụng các loại phân hữu cơ từ chất thải của gia súc, các loại phân xanh để tăng dinh dưỡng cho đất. Sự chăm chỉ cần cù của bà con nông dân còn thể hiện ở quy trình làm đất, việc cày ải lật đất, bón vôi khử chua bây giờ không còn là việc xa lạ. Việc làm đất kỹ góp phần giảm thiểu tác hại của sâu bệnh và giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Về giống, ngoài giống địa phương chiếm 10% cơ cấu thì 90% giống còn lại là giống lúa lai và giống lúa xác nhận. Các loại giống được cung ứng bởi Trạm Khuyến nông huyện được nông dân tín nhiệm bởi giống khỏe, năng suất sản lượng ổn định. Trong vụ mùa 2013, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục đảm trách việc cấp giống cho bà con nông dân, các loại giống chủ yếu là Bắc thơm số 7, IR64, nếp 97 và nhị ưu 838. Bên cạnh các chương trình, dự án cung cấp giống, cấp phân bón, Trạm Khuyến nông phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện thường xuyên tổ chức các mô hình thí điểm trồng lúa nhằm hướng dẫn và nâng cao nhận thức của người dân về kỹ thuật canh tác lúa.

Nhờ nỗ lực của các cấp chính quyền và ngành chuyên môn, tập quán canh tác của bà con nông dân bước đầu đã có sự thay đổi. Các giống mới năng suất cao được đưa vào sử dụng, tiến bộ khoa học kỹ thuật được bà con áp dụng vào thực tiễn sản xuất, việc bón phân, phun thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật được thực hiện đúng quy trình đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa. Hiệu quả rõ nét nhất là năng suất, sản lượng lúa không ngừng tăng qua từng vụ. Năng suất lúa nước trung bình đạt 44 - 45 tạ/ha, lúa nương đạt 13 tạ/ha. Vụ mùa năm 2012, sản lượng lúa nước toàn huyện đạt trên 7.000 tấn tăng trên 500 tấn so với năm 2011, sản lượng lúa nương đạt trên 3.000 tấn tăng trên 380 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong vụ mùa năm 2013, huyện phấn đấu sản lượng lúa tăng khoảng 7 - 8% so với vụ mùa năm 2012. Có thể nói với trình độ canh tác lúa của người dân ngày càng được nâng cao, mục tiêu tăng năng suất, sản lượng và thu nhập trên cùng một diện tích sản xuất của huyện Mường chà là có thể thực hiện được.

b
Hệ thống kênh mương cung cấp nước tưới cho đồng ruộng được đầu tư xây dựng góp phần mở rộng diện tích đất canh tác, nâng cao năng suất cây trồng.


Trong sản xuất vụ mùa ở Mường Chà có thể dễ dàng nhận thấy việc canh tác lúa nương dù diện tích gần gấp đôi nhưng sản lượng chưa bằng một nửa so với sản xuất lúa ruộng. Chính vì vậy, để phá thế độc canh cây lúa, huyện Mường Chà tích cực vận động nhân dân đưa các loại cây trồng khác hiệu quả hơn vào canh tác trên nương rẫy. Một số loại cây ngắn ngày như sắn cao sản, dứa đã được nhân dân đưa vào sản xuất và bước đầu mang lại hiệu quả. Chẳng hạn như cây dứa đã được các hộ gia đình trên địa bàn xã Na Sang, Sa Lông đưa vào trồng với diện tích trên 20 ha. Một số diện tích khác được sử dụng để trồng cây cao su với những mục tiêu dài hơi hơn. Theo ông Đào Trọng Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà, việc đưa các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất là một trong những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả canh tác trên nương rẫy. Đồng thời hướng tới việc giảm dần canh tác lúa trên nương, tăng diện tích lúa ruộng. Cùng với đó là việc triển khai nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất và đóng góp của sản xuất vụ mùa nói riêng và sản xuất nông nghiệp và kinh tế của huyện nói chung.

Sử dụng những giống lúa mới, đảm bảo lịch thời vụ, bón phân vô cơ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông là những việc đồng bào nhân dân huyện Mường Chà đã và đang làm. Với những tiến bộ đã đạt được trong sản xuất tin rằng một vụ mùa bội thu nữa sẽ lại đến với đồng bào huyện vùng cao Mường Chà.

 

Chu Linh - Ngọc Bích

.