Manh mún mô hình tre bát độ và nỗi trăn trở của người trồng rừng

Thứ Ba, 23/07/2013, 15:52 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ năm 2000 trở về đây, một số loại tre lấy măng, trong đó có tre bát độ đã được đưa vào trồng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Cùng với các mô hình trồng rừng kinh tế khác, mô hình trồng tre bát độ được cho là có khả năng giúp phủ xanh đất trống, đồi trọc và giúp người dân cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, cả cây tre bát độ và một số mô hình trồng rừng kinh tế khác, sau một số năm thực hiện đã nhanh chóng bị lãng quên.

Tại các chợ quanh khu vực thị trấn Tuần Giáo mùa măng thường bắt đầu vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5. Măng tre, măng nứa, măng sặt (hay măng đắng) được người dân bày bán tại chợ hàng ngày như rau xanh. Đây là mặt hàng có sức tiêu thụ khá mạnh. Các loại măng này thường được khai thác từ những khu rừng tự nhiên ở quanh vùng. Vài năm gần đây ngoài  măng bản địa, người dân Tuần Giáo còn được biết đến một loại măng khác, mới du nhập vào địa phương: măng bát độ.  

Khác với các giống măng đắng của địa phương, măng bát độ có trọng lượng lớn, ăn lại giòn và thơm ngọt, dễ chế biến, dễ tiêu thụ, nên khi vừa xây dựng mô hình thử nghiệm tại huyện Tuần Giáo, loại tre trồng lấy măng này đã thu hút được hàng chục hộ dân ở mỗi xã trên địa bàn tham gia. Vào khoảng những năm từ 2000 đến 2003, mô hình trồng tre bát độ lấy măng đã được nhân rộng tại huyện Tuần Giáo. Tuy nhiên, phần lớn các hộ gia đình chỉ trồng dưới dạng mô hình thử nghiệm, mỗi nhà trồng 1-2 khóm. Số hộ trồng tre bát độ với số lượng lớn từ 10 gốc trở lên chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Sau một thời gian bẵng đi, không mấy người nhắc đến mô hình tre bát độ với hiệu quả thực tế của nó. Mùa măng năm nay chúng tôi đến Tuần Giáo tìm măng bát độ, vì một lí do nào đó mà loại măng tre này đã trở nên vắng bóng trên thị trường.

b
Câu chuyện về mô hình trồng tre bát độ...


Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết vào thời điểm mô hình tre bát độ được coi là lên ngôi ở Tuần Giáo, rất nhiều gia đình có đất vườn đều trồng từ 1 đến 2 khóm tre bát độ. Nhưng với số lượng ít ỏi, mùa măng hàng năm chỉ đủ phục vụ nhu cầu của gia đình mà không có bán ra thị trường. Còn các hộ trồng loại tre này với số lượng từ 10 gốc trở lên lại không dám phát triển thêm diện tích, vì thị trường địa phương nhỏ hẹp, nếu trồng thêm, măng khai thác ra sẽ không thể tiêu thụ hết.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến gia đình ông Lường Văn Ngọc – một trong số ít hộ trồng tre bát độ với số lượng lớn ở thị trấn Tuần Giáo. Năm 2003 khi mô hình tre bát độ được quảng bá rầm rộ, ông Ngọc đã trồng thêm 1.200 gốc tre lấy măng tại khu vực gia đình nhận khoanh nuôi tái sinh rừng. Trong khoảng 3 năm đầu tre cho rất nhiều măng. Mùa măng kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9. Mỗi năm tre trong vườn nhà ông Ngọc cho từ 3 - 4 tấn măng. Tuy nhiên, các năm sau đó do không thích ứng được với thời tiết địa phương, mùa măng cứ ngắn dần. Năm nay tuy đã vào giữa mùa măng, nhưng các khóm tre bát độ nhà ông mới bắt đầu nhú những mầm măng đầu tiên.   

Măng tre được coi như một loại rau sạch, nên măng bát độ của gia đình ông Ngọc từng được các tiểu thương tại chợ Tuần Giáo đến tận vườn đặt mua. Tuy nhiên, loại măng này có đặc điểm ăn khi còn tươi thì rất ngon, nhưng làm măng khô lại hao hơn và không được dai bằng các loại măng rừng khác. Bởi vậy, vài năm sau măng bát độ tại thị trường Tuần Giáo bị bão hòa, mà măng do gia đình ông Ngọc sản xuất ra thì chỉ có thể bán lẻ cho tư thương ở địa phương. Số lượng măng tươi tiêu thụ mỗi ngày tại thị trấn Tuần Giáo không nhiều, vì thế lượng măng gia đình ông có thể bán ra không đáng kể. Đây chính là lý do khiến gia đình ông Ngọc chuyển đổi mô hình trồng tre lấy măng sang nuôi măng bán tre.

Theo giá thị trường hiện nay mỗi cây tre từ 3 - 4 năm tuổi có giá khoảng 65.000 đồng, lại có thể bán với số lượng lớn cho nhà máy sản xuất ván sàn tre gỗ. Thấy giá trị kinh tế hơn hẳn so với trồng tre lấy măng, nên không chỉ riêng gia đình ông Ngọc mà một số hộ trồng tre bát độ khác ở thị trấn Tuần Giáo cũng đã ngừng thu măng để nuôi tre. Tuy những nông dân Tuần Giáo đã tìm được đầu ra mới cho cây tre bát độ, nhưng rõ ràng thực tế đã khác rất nhiều so với ý tưởng ban đầu khi mô hình được xây dựng. Để phù hợp với nhu cầu thị trường, mô hình trồng tre lấy măng ở Tuần Giáo đã được người dân tự chuyển đổi. Chuyện về mô hình tre bát độ khiến cho chúng tôi nhớ đến câu chuyện về cây quế ở Tuần Giáo nhiều năm trước.

b
... cây quế khi triển khai mà không tính đầu ra cho sản phẩm, khiến người trồng rừng kinh tế ở Tuần Giáo đứng trước nhiều khó khăn.


Thực hiện Quyết định 327/CT năm 1993 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về phủ xanh đất trống đồi núi trọc, gia đình ông Quàng Văn É cùng nhiều gia đình khác ở xã Quài Tở đã nhận hàng chục ha đồi trọc để trồng quế. Riêng gia đình ông É trồng được 3 ha. Mất khoảng 3 năm đầu phải chăm sóc, che bóng cho cây, những năm sau đó là trông nom, bảo vệ, rừng quế của gia đình ông É phát triển khá tốt. Vì là loại cây trồng lâu năm, có chu trình sản xuất dài, nên phải được từ 10 năm tuổi trở lên cây quế mới cho khai thác. Sau 10 năm chờ đợi, cây quế đã đến tuổi khai thác nhưng gia đình ông É không biết bán cho ai. Nhìn rừng quế xanh tốt ông tự an ủi mình, thôi thì được Nhà nước hỗ trợ, mình trồng để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vì lợi ích chung của cộng đồng.

Không có cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào đứng ra thu mua quế nhưng người dân cũng không thể chặt hạ cây quế để trồng loại cây khác, vì diện tích rừng quế này là rừng trồng được ký kết hợp đồng với lâm trường Tuần Giáo trước đây. Gần đây những người dân trồng quế ở Quài Tở cho chúng tôi biết, đã có tư thương trả giá 8.000 đồng cho 1 kg vỏ quế, nhưng họ lại cho là cây quế ở đây còn chưa đủ tuổi khai thác. Cây quế lại một lần nữa phải chờ đợi.

Phải chờ cho cây to thêm một chút, trong khi chủ rừng lo lơm lớp, vì gần đây nhiều đồi quế ở Quài Tở bị nạn đạo tặc trộm quế hoành hành. Mô hình trồng quế vẫn tồn tại lay lắt 20 năm nay mà hướng ra còn mù mịt.

Xem trước, nhìn sau đã có không ít mô hình rừng kinh tế ở Tuần Giáo được cho là đa tác dụng, và có khả năng giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, nhưng không phát huy được hiệu quả trong thực tế. Đây là hậu quả của việc xây dựng các mô hình kinh tế nhưng không tính đến đầu ra. Điều này lý giải vì sao có những mô hình sau khi triển khai không những không được nhân rộng, mà còn nhanh chóng bị lãng quên.

Gần đây người trồng rừng kinh tế ở Tuần Giáo khá hồ hởi với việc có một nhà máy chế biến gỗ được xây dựng tại đây. Chúng tôi cũng hy vọng rằng niềm vui có thể đến với họ sau nhiều năm chờ đợi và sau hàng chục năm bỏ công sức gây trồng, bảo vệ rừng.  

    

Minh Giang – Huy Long – Trần Sơn

.