Điện Biên: Nâng cao công tác xóa mù chữ trong đồng bào dân tộc

Thứ Tư, 07/08/2019, 06:25 [GMT+7]
Điện Biên TV - Phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ (XMC) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng PCGD, xóa mù chữ trong đồng bào dân tộc.
D
Điện Biên Tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt 94,5%. ( Ảnh kt)

Những kết quả quan trọng

Năm 2000, tỉnh Điện Biên được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục - xoá mù chữ (PCGD-XMC); năm 2008 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; năm 2010 được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi mức độ 1; năm 2014 được công nhận đạt chuẩn phổ giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; năm 2015 được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi mức độ 2.

Sau nhiều năm kiên trì thực hiện mục tiêu xóa mù chữ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xóa mù chữ của tỉnh đã thu được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội. Kết quả các tiêu chí đạt chuẩn xóa mù chữ của tỉnh: Tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt 94,5%.

Tỷ lệ người độ tuổi từ 15-35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt 97,82. Tỷ lệ người độ tuổi 15-60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 đạt 80.49%, độ tuổi từ 15 - 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 đạt 92.55%. Toàn tỉnh có 130/130 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, tỉ lệ 100%.

Trong đó có 97/130 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, tỉ lệ 74,61%, tăng 25 xã, phường, thị trấn so với năm 2017, vượt chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao 09 xã. Số huyện đạt chuẩn xóa mức độ 1: 06/10 huyện, tỉ lệ 60%. Số huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2: 04/10 huyện, thị, thành phố, tỉ lệ 40%. Tỉnh duy trì đạt chuẩn XMC mức độ 1. Năm 2018, 01 tập thể và 01 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xóa mù chữ giai đoạn 2008-2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.

Nỗ lực vượt khó
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn còn khó khăn, hạn chế: Điều đáng quan tâm là nhận thức về giáo dục và đào tạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số xã vùng cao chưa đầy đủ; năng lực chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện của một số trung tâm học tập cộng đồng còn hạn chế; thiếu các giải pháp mới, hiệu quả, cá biệt có nơi quyết tâm chưa cao, chỉ đạo thiếu quyết liệt trong công tác xóa mù chữ; người mù chữ phần lớn là người dân tộc thiểu số, lớn tuổi, là lao động chính trong gia đình nên không có nhiều thời gian dành cho học tập...
 
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xóa mù chữ, Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên đã tích cực, chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các địa phương xây dựng, quy hoạch phát triển mạng lưới trường học trong toàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và thực hiện mục tiêu PCGD xóa mù chữ.
D
Năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt mở 70 lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho 1.537 học viên. ( Ảnh KT)

Ưu tiên bố trí giáo viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng cho nhiệm vụ xóa mù chữ ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành Giáo dục tham gia dạy xóa mù chữ. Tổ chức các lớp học xóa mù chữ linh hoạt về thời gian và địa điểm phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số tạo điều kiện thuận lợi cho học viên theo học đảm bảo số lượng và chất lượng.

Vận dụng kết hợp giữa dạy xóa mù chữ với dạy tiếng dân tộc Mông, Thái; củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tình trạng tái mù chữ qua việc tăng cường tổ chức các lớp học chuyên đề, các lớp học nghề cho người mới biết chữ tại các trung tâm học tập cộng đồng, tăng cường thực hiện thiết chế văn hóa cơ sở. Năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt mở 70 lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho 1.537 học viên. Năm học 2018-2019 đã mở 75 lớp, 2001 học viên, trong đó: 03 lớp với 53 học viên học chương trình xóa mù chữ, 72 lớp với 1.948 học viên học chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

Với những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác xoá mù chữ ở tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục duy trì và phát huy trong những năm tiếp theo, góp phần đưa tỉnh Điện Biên đạt chất lượng giáo dục, đào tạo toàn diện trong khu vực./.

 
 
 
Huy Tuấn/DIENBIENTV.VN
.