Làm sao để học sinh không chán học môn Lịch sử?

Thứ Sáu, 21/06/2019, 06:42 [GMT+7]

Theo các chuyên gia giáo dục, cần có giải pháp tháo gỡ để việc dạy và học môn Lịch sử trong các trường thực sự mang lại hiệu quả.

Tình trạng học sinh phổ thông chán học môn Lịch sử kéo dài trong nhiều năm nay. Theo các chuyên gia giáo dục, cần có giải pháp tháo gỡ để việc dạy và học môn Lịch sử trong các trường thực sự mang lại hiệu quả. Trước mắt phải tìm ra lý do vì sao học sinh chán học môn Lịch sử và làm thế nào để học sinh thích học môn Lịch sử? Đây là nội dung của Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Lịch sử cho giáo viên” do Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 20/6.
 

1
Nhà sử học Dương Trung Quốc trình bày phương pháp dạy mới về môn Lịch sử tại Hội thảo.


Với thực trạng nhiều học sinh thờ ơ môn lịch sử, một số chuyên gia cho rằng, một môn học mà không thu hút được học sinh thì lỗi không hẳn do học sinh. Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã, nguyên tổ trưởng phương pháp dạy học Lịch sử, Khoa Sử, Trường Cao đẳng Sư phạm TP HCM cho rằng, tình trạng này do “lỗi hệ thống”.

Hiện nay, năng lực sư phạm và phương pháp giảng dạy của giáo viên dạy Lịch sử còn hạn chế. Trong khi đó, sách giáo khoa môn Sử không đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo tinh thần phát huy năng lực của học sinh. Khối lượng kiến thức khá nhiều, cách trình bày đơn điệu, thiếu hấp dẫn, ít gợi mở suy nghĩ học sinh. Theo Tiến sĩ Nguyễn Nhã, do rơi vào tình thế bị động, không cảm thấy hứng thú nên học sinh nảy sinh tâm lý chán nản.

“Hiện nay, theo tôi chương trình sách giáo khoa chưa đủ hấp dẫn và sách giáo khoa của chúng ta còn bất cập. Vừa ít hình ảnh, ít sơ đồ, lại quá ngắn. Có năm, Khoa Sử của tôi có 20 em dưới 3 điểm Sử mà vẫn được vào học để trở thành giáo viên Sử thì làm sao học sinh giỏi được? Như vậy, chúng ta còn phải điều chỉnh rất nhiều vì hiện nay đang bị lỗi hệ thống”-TS Nguyễn Nhã chia sẻ.

Giáo sư Vũ Dương Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ở nhiều nơi, việc dạy và học Sử không thực hiện đúng chương trình, phần lớn thời gian dành cho các môn có thi, được coi là môn chính. Còn với môn lịch sử, đến mỗi kỳ thi học kỳ, các thầy cô đưa ra “đề cương ôn tập”, chọn dăm ba đề kèm đáp án để học sinh học thuộc. Đề thi không ra ngoài các nội dung đó nên những học sinh chăm chỉ lo viết bài đúng như trong sách, còn học sinh kém và lười chỉ trông chờ vào “phao”. Không ít môn học khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Giáo sư Vũ Dương Ninh cho rằng, cần phải thay đổi cách giảng dạy, áp dụng phương pháp dạy học chủ đạo là tích cực hoá hoạt động của người học, phát huy tính sáng tạo của học sinh.
 
“Nguồn gốc của việc các học sinh chưa ham thích học Sử chính là vì chúng ta đặt các em vào thế bị động. Bây giờ phải thay đổi, làm cho các em chủ động trong việc học Lịch sử. Bằng cách trên cơ sở sách giáo khoa, các em tự lập bảng biên niên lịch sử, các diễn biến theo trình tự thời gian. Từ đó các em tự nêu ý kiến. Tôi nghĩ rằng cách học như vậy rất sinh động”- GS Vũ Dương Ninh.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu nêu ra những kinh nghiệm và các đề xuất, kiến nghị để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên dạy môn lịch sử. Cùng với việc đổi mới chương trình, cách dạy, có thể tạo ra được nhiều phim, nhiều tác phẩm nghệ thuật tái hiện lịch sử thật sinh động, giúp học sinh yêu thích môn lịch sử hơn. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, hiện nay, tích hợp đang là xu thế của giáo dục thế giới. Quan điểm về dạy học tích hợp là học sinh chủ động, sáng tạo trong quá trình lĩnh hội kiến thức.

“Chúng tôi làm sự tích hợp này trên cơ sở tất cả các dữ liệu tương đương với giáo dục tri thức phổ thông. Trên cơ sở đó, các thầy sẽ xây dựng những chương trình, sau đó sử dụng những nguồn tri thức này để lắp ghép các chương trình giảng dạy. Đặc biệt là các học sinh có thể tự học, các thầy có thể tự tìm hiểu. Vừa mang tính chính thống nhưng lại mang tính mở”- Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết./.
 
 

 

Theo Phương Cúc/VOV

.