Cần tìm cách giải quyết thỏa đáng bạo lực học đường, dâm ô trẻ em

Thứ Hai, 08/04/2019, 14:21 [GMT+7]

Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em đang là nỗi bức xúc cần tìm cách giải quyết thỏa đáng, nếu không sẽ gây nên bất an cho thế hệ trẻ và cộng đồng xã hội.
 
Tại tọa đàm “Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em – Chống được không?” do báo Tiền Phong tổ chức tại TP HCM sáng ngày (8/4), nhiều chuyên gia cho rằng, không thể triệt tiêu 100% nhưng nếu trẻ được trang bị kiến thức, kỹ năng tốt và môi trường sống ngày càng lành mạnh thì các vụ việc đáng tiếc sẽ hạn chế tới mức thấp nhất. Phòng hay chống thôi chưa đủ mà cách nhìn nhận vấn đề, hỗ trợ nạn nhân cũng cần khác đi để giảm bớt tổn thương không mong muốn.
 

1
Tọa đàm “Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em – Chống được không?

 

Thực tế đáng báo động là vài năm trở lại đây, số vụ bạo lực học đường và dâm ô trẻ em tại nước ta ngày càng tăng với mức độ vi phạm dã man, tinh vi hơn. Với cụm từ khóa “bạo lực học đường” trên Google, chỉ trong 0.33 giây tìm kiếm đã cho ra gần 28 triệu kết quả. Trong khi đó, cụm từ “dâm ô trẻ em” có gần 21 triệu kết quả chỉ sau 0.27 giây tìm kiếm.

Theo các chuyên gia, diễn giả tham gia tọa đàm, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em là vấn đề không mới nhưng là nỗi bức xúc cần tìm cách giải quyết thỏa đáng, nếu không sẽ gây nên bất an cho thế hệ trẻ và cộng đồng xã hội.

Phân tích nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực học đường, dâm ô trẻ em ngày càng phức tạp, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề mấu chốt nằm ở nhận thức, giá trị sống và sự tuân thủ pháp luật của người vi phạm. Thực tế, ngay cả người hiểu rõ luật pháp vẫn có hành vi xâm hại, gây tổn thương đến người khác.

Sự lan truyền thiếu kiểm chứng đến mức khó kiểm soát của các trang mạng xã hội cũng góp phần làm cho các vụ việc về bạo lực học đường, dâm ô trẻ em ngày càng trầm trọng hơn. Sợ thông tin, hình ảnh bị chia sẻ vô tội vạ, nhiều bạn trẻ, gia đình bị hại chọn cách im lặng.

Điều này khiến quá trình điều tra, xử lý tội phạm gặp nhiều khó khăn và gây thêm tổn thương cho bên bị hại. Vì vậy, các diễn giả cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là chung tay lên tiếng khi phát hiện cái ác và trang bị kiến thức, kỹ năng để trẻ nhận biết rủi ro, xử lý tình huống. Việc này cần có sự chung tay của nhiều phía trong quá trình lâu dài để tạo nên hệ sinh thái bảo vệ trẻ em.
 
Việc truyền tải thông tin về các vụ việc nhạy cảm trên các kênh truyền thông hay mạng xã hội cũng cần có chừng mực để tránh tác động ngược. Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ về tâm lý, tâm thần cần được thực hiện chuyên sâu, kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ.

“Cần phải có sự chung tay của rất nhiều cơ quan. Đó là sự nhận thức của rất nhiều tổ chức và thậm chí của chính những nạn nhân trong các vụ bạo lực học đường, xâm hại tình dục"-Thiếu tá, Tiến sĩ Xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân TP HCM cho biết./.
 

 

 

Theo Mỹ Dung/VOV

.