Làm sao để kiểm soát chặt chẽ bữa ăn trong nhà trường?

Thứ Bảy, 23/03/2019, 08:31 [GMT+7]

Sau vụ nghi vấn thực phẩm bẩn ở trường MN Thanh Khương (Bắc Ninh), hầu hết phụ huynh đều cảm thấy bất an về bữa ăn học đường của con em mình.
 
Khi hỏi về bữa ăn của con mình ở trong trường học, một số phụ huynh chia sẻ, họ mong muốn an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Nhà trường và các cơ quan chức năng phải kiểm soát nghiêm ngặt đầu vào của thực phẩm.        

Các phụ huynh cho rằng, chất lượng bữa ăn của trẻ lâu nay đều do nhà trường quyết định, ngoại trừ các đợt kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất của các lực lượng chức năng. Lâu nay, các bậc làm cha mẹ đều trông cậy vào cái tâm của người lãnh đạo trường học trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho con em mình. Trong khi đó, hầu hết phụ huynh không có một vai trò gì trong việc tham gia giám sát chất lượng bữa ăn bán trú. Chính vì vậy mà khi xảy ra ngộ độc thực phẩm hay tình trạng bớt xén khẩu phần ăn của trẻ được đưa ra ánh sáng... thì người ta mới nghĩ đến vai trò của các ban đại diện cha mẹ học sinh.
 

1
 Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP HCM cho rằng, tổ chức bữa ăn bán trú trường học cần được công khai, minh bạch. (Ảnh minh họa: KT)


Theo anh Triệu Xuân Sâm, Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Phước Bình, Quận 9, TP HCM,  về nguyên tắc, ban đại diện cha mẹ học sinh nằm trong bộ phận giám sát bữa ăn học đường, giám sát việc giao nhận thực phẩm hoặc các suất ăn chế biến sẵn. Ngành giáo dục các địa phương cũng có chủ trương, đề nghị các trường tạo điều kiện để phụ huynh thực hiện vai trò giám sát, vì đây là một yêu cầu chính đáng mà nhà trường phải đáp ứng. Thế nhưng, sự chủ động nằm ở Ban đại diện cha mẹ học sinh chứ không chỉ là trông chờ sự cởi mở của các lãnh đạo nhà trường.

Qua nhiều năm ở trong ban đại diện cha mẹ học sinh, anh Sâm cho biết, kinh nghiệm trong việc kiểm tra thực phẩm cho bữa ăn bán trú là hợp tác và thực hiện một cách sát sao, từ đó nhà trường và đơn vị cung cấp thực phẩm cũng sẽ có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cụ thể, tại Trường Tiểu học Phước Bình– nơi 2 con anh Sâm đang theo học, ngay từ 5h30 phút sáng, ban đại diện cha mẹ học sinh đã có mặt cùng nhân viên nhà trường kiểm tra các mặt hàng thực phẩm nhập vào, từ giấy tờ nguồn gốc đến độ tươi ngon của thực phẩm. Đặc biệt, ban đại diện có 7 thành viên nên mỗi ngày đều thay phiên nhau đến kiểm tra quy trình chế biến, lưu mẫu thức ăn và đột xuất đến kiểm tra bữa ăn giữa trưa của học sinh, chụp hình rồi lưu lại trên group phụ huynh.

“Trong tất cả các cuộc họp của ban đại diện với nhà trường, chúng tôi luôn trao đổi thẳng thắn về vấn đề an toàn thực phẩm. Chúng tôi yêu cầu nhà cung cấp phải tham gia họp cùng, đưa ra những thức ăn như thế nào, quy trình mang đến thế nào và đảm bảo chất lượng ra sao”- anh Triệu Xuân Sâm nói.

Còn ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mê Linh, Phường 6, Quận 3 TP HCM cho rằng: cha mẹ học sinh hãy mạnh dạn đề xuất việc được giám sát bữa ăn của con, thậm chí là đột xuất. Hiệu trưởng này cũng cho biết, trường Tiểu học Mê Linh không tổ chức nấu ăn mà đặt suất ăn ở ngoài của một đơn vị tư nhân nên việc kiểm tra thức ăn, dụng cụ chứa thức ăn, lấy một phần thức ăn để lưu mẫu tại chỗ luôn được thực hiện hết sức nghiêm ngặt ngay khi đồ ăn được mang tới trường.
 
Cơ sở chế biến cung cấp thực phẩm này chính là đơn vị được các bậc phụ huynh đi tìm và giới thiệu. Sau đó, lãnh đạo nhà trường cùng ban đại diện cha mẹ học sinh đến khảo sát, kiểm tra trước khi ký kết hợp đồng lựa chọn. Đặc biệt, mỗi bữa ăn, cô phó hiệu trưởng và nhân viên y tế tham gia ăn với trẻ để kiểm tra.

“Phụ huynh muốn vào thì liên hệ với trưởng ban đại diện phụ huynh, cùng đi vào kiểm tra thức ăn. Họ có thể vào kiểm tra bất cứ lúc nào”- ông Nguyễn Văn Hùng cho biết..

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP HCM, ngay từ đầu năm, Sở Giáo dục TP HCM đã ký kế hoạch liên tịch đảm bảo an toàn thực phẩm với Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố. Các đơn vị chức năng đã ra quân phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm đạt tiêu chuẩn. Bà Lan nhấn mạnh, tổ chức bữa ăn bán trú trường học cần được công khai, minh bạch. Các bậc phụ huynh có quyền hỏi, xem, ngửi, sờ, ăn thử những thực phẩm liên quan đến sức khỏe của con em họ.

“Với các tổ chức hội phụ huynh học sinh, cũng như từ phản ánh của con em mình hãy cùng giám sát chất lượng bữa ăn của con em mình tại trường học. Nếu có bất thường thì hãy gọi vào đường dây nóng của Ban Quản lý An toàn thực phẩm số 39301714 để chúng tôi xử lý kịp thời”- bà Lan cho biết.

Chi phí cho bữa ăn bán trú đều do phụ huynh đóng góp trên cơ sở thỏa thuận với nhà trường. Vì vậy, ban đại diện cha mẹ học sinh hãy nâng cao vai trò của mình trong việc giám sát nguồn thức ăn cho con em mình. Khi vai trò giám sát của cộng đồng được tăng cường, thực thi nghiêm túc, tất yếu những hành vi muốn trục lợi từ bữa ăn học đường cũng khó có thể thực hiện được./.

 
 

Theo Kim Dung/VOV

.