Học sinh ngồi nhầm lớp vì cơ chế thi đua?

Thứ Bảy, 09/03/2019, 15:22 [GMT+7]

Tình trạng học sinh “ngồi nhầm” lớp diễn ra nhiều năm nay. Dù Bộ GD-ĐT đã có nhiều giải pháp, song “căn bệnh” này ngày càng trầm kha.
 
“Ngồi nhầm lớp” do quy định không phù hợp

Học sinh S dù đã lên lớp 6 (Trường THCS Lê Duẩn, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, Gia Lai) nhưng khả năng đọc viết còn rất chậm. Theo giáo viên giải thích, vì tình thương, sợ em bỏ học nên “tạo điều kiện” để cho học sinh này lên lớp.
 

2
Học sinh ngồi nhầm lớp - căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục.


Đây không phải là câu chuyện hy hữu mà nó đã tồn tại từ khá lâu nhưng cho đến nay ngành giáo dục vẫn chưa giải quyết được bất cập này. Trước đó, chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp” gây xôn xao ở Sóc Trăng khi năm học 2016-2017, nam sinh tên Lâm ở phường 8 (TP. Sóc Trăng) được xét tuyển vào trường THCS Lê Vĩnh Hòa.

Sau khi kiểm tra chất lượng đầu năm, nhà trường giật mình khi em không làm được bài kiểm tra, tên họ mình viết cũng không rõ. Trước tình hình này, trường THCS Lê Vĩnh Hòa buộc phải mời phụ huynh đến làm việc, quyết định chuyển nam sinh này xuống lớp 1, nhưng do mẹ em tha thiết xin nên nhà trường cho học lại lớp 2. Song được vài ngày thì Lâm bỏ học vì mặc cảm. Mẹ Lâm đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi và em đã được Trường tiểu học Lý Đạo Thành bố trí học lại ở lớp 5/2.

Đáng lo ngại là, sau vụ “học lớp 6 xuống lớp 1”, TP. Sóc Trăng kiểm tra tất cả trường tiểu học và phát hiện có trên 70 học sinh “ngồi nhầm lớp”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, căn bệnh này không phải từ bây giờ mà nó đã tồn tại từ rất lâu rồi, nhưng ngành giáo dục vẫn chưa giải quyết được. Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, tình trạng này xảy ra nhiều ở miền núi phía Bắc và các vùng đồng bằng Sông Cửu Long. “Trước đây có lần tôi đi công tác Tuyên Quang, giám đốc Sở GD-ĐT ở đây cho biết, phát hiện trường hợp học sinh lớp 9 không biết đọc, biết viết. Tôi có hỏi vì sao để xảy ra tình trạng như vậy thì được biết một trong những nguyên nhân chính là do cơ chế thi đua “đẻ” ra. Cụ thể như, giáo viên miền xuôi lên công tác trên miền núi nếu 3 năm liền đạt 100% học sinh lên lớp sẽ được trở về miền xuôi. Điều này khuyến khích các giáo viên phấn đấu dạy tốt để đạt được chất lượng thực sự tốt, nhưng một số giáo viên đối phó để bằng mọi cách cho học sinh lên lớp dù không đạt” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Ông Nhĩ cho biết thêm, chính những quy định thi đua không phù hợp điều kiện thực tế đã khiến giáo viên không đánh giá đúng học sinh, dẫn đến tình trạng ngồi nhầm lớp. Đặc biệt là ở vùng miền núi, ĐBSCL - những nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...
 
Học sinh có quyền được lưu ban
 
“Quy định thi đua của Bộ GD-ĐT thể hiện mong muốn đạt đến chất lượng cao, tuy nhiên Bộ phải xem điều kiện như thế nào thì mới thực hiện được mong muốn đó.

Hơn nữa, quy định phải luôn đi đôi với điều kiện, giải pháp thực hiện nó. Để giải quyết căn bệnh này cần làm rõ trách nhiệm của người giáo viên, trách nhiệm giám sát của hiệu trưởng, các cấp quản lý. Bộ cần điều chỉnh lại những quy định sao cho phù hợp với từng nơi...”
 
Một người bạn của tôi từng kể câu chuyện có vẻ “ngược đời” khi chị phải “chạy” cho con đang học THCS được lưu ban. Chị tâm sự, con chị do sức khỏe kém nên học tiếp thu rất chậm, thời gian nghỉ học nhiều nên không theo kịp các bạn, thế nhưng cuối năm giáo viên vẫn tìm cách đẩy cho con lên lớp vì lo ảnh hưởng đến thành tích thi đua. Người mẹ này đã đến trường gặp giáo viên, thậm chí cả hiệu trưởng để xin cho con mình lưu ban nhưng không được chấp nhận. Cực chẳng đã, để “cứu” con chị đã phải dùng mối quan hệ quen biết để “tác động” cho con được lưu ban, để bồi đắp kiến thức đã “hổng”.

N.T.H - một giáo viên THCS chia sẻ, hiện tượng “ngồi nhầm lớp” rõ ràng là hậu quả của bệnh thành tích trong trường học. Theo quy định, học sinh học lực kém (có môn dưới 2,0) thì lưu ban. Tuy nhiên, nhiều khi áp lực thành tích từ trên xuống, nhà trường không để học sinh lưu ban mà cho thi lại. Nếu thi lại thì cô cho chép bài, đề thi dễ thì học sinh lại lên lớp được. Vì thế, việc thông tư của Bộ GD-ĐT quy định học sinh không được lưu ban quá hai lần trong một cấp học không hợp lý, cần phải thay đổi.

Việc đánh giá nhà trường, thầy cô dựa vào thành tích của học sinh là sai lầm. Nếu không thay đổi sẽ còn nhiều trường hợp ngồi nhầm lớp nữa. Nhiều ý kiến giáo viên cũng như các chuyên gia giáo dục cho rằng, học sinh có quyền lưu ban nếu học yếu. Hãy đánh giá học sinh qua sự tiến bộ của trẻ chứ không phải vì chỉ tiêu, vì thành tích mà nhà trường vô hình chung đẩy thành tích của học sinh lên cao hơn.

Tại khoản 3, Điều 37, Điều lệ Trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT), học sinh không được lưu ban quá 2 lần trong một cấp học. Cũng bởi quy định này nên các trường buộc phải đẩy học sinh kém lên lớp? Chẳng hạn, tiêu chuẩn đánh giá trường trung học mức 3 quy định. Vùng khó khăn, không quá 3% học sinh bỏ học, không quá 5% học sinh lưu ban. Các vùng còn lại không quá 1% học sinh bỏ học, không quá 2% học sinh lưu ban. Chưa kể các trường còn quy định học sinh cuối cấp đều phải tốt nghiệp 100%.

TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, thông tư này còn nguy hiểm ở chỗ, với nhiều trường hợp ngồi nhầm lớp được đưa ra, xã hội dễ đánh giá đây là chất lượng của ngành giáo dục, gây mất uy tín cho ngành. “Lỗi này không phải xuất phát từ phía gia đình và nhà trường mà xuất phát từ chính những cách đánh giá, quy định này của Bộ GD-ĐT. Nền giáo dục hiện tại đánh giá giáo viên, nhà trường bằng thành tích của học sinh nên khi bị áp lực, họ ép buộc đứa trẻ lên lớp, dù nó chưa đủ khả năng” - bà Hương nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, để chấm dứt hiện tượng “ngồi nhầm lớp” này, giáo viên cần phân loại học sinh yếu, trung bình hoặc giỏi để có phương pháp giảng dạy phù hợp, đối với những học sinh trí tuệ kém, tiếp thu chậm thì phải có giải pháp để bồi dưỡng các em để các em không bị lưu ban, chứ cứ đẩy các em lên lớp là làm hại chứ không phải là thương các em./.

 
 

 

Theo Hoàng Dũng/Báo VOV

.