Có nên công khai tên thí sinh được nâng điểm THPT Quốc gia 2018?

Thứ Ba, 26/03/2019, 07:09 [GMT+7]

Việc công khai danh sách thí sinh được can thiệp nâng điểm ở Hòa Bình, Sơn La...cũng chưa phải là giải pháp hữu hiệu để phòng chống gian lận thi cử
 
Đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã công bố thông tin về xử lý sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang, nhưng danh tính các thí sinh đã được can thiệp nâng điểm vẫn được giữ kín, không công bố trước công luận. Vấn đề có nên công bố danh sách thí sinh được nâng điểm hay không đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh được can thiệp nâng điểm tại tỉnh Hòa Bình là 64 em và tại Sơn La là 44 em. Tuy vậy, trong các thông báo của Bộ đều không có danh sách thí sinh đã được nâng điểm.
 

1
Ảnh minh họa


Vì vậy, dù gian lận thi cử ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La đã phần nào được làm rõ vẫn có không ít ý kiến đề nghị cơ quan chức năng sớm công bố danh tính những thí sinh được nâng điểm để răn đe những người khác khi mà kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đang đến gần.

Ông Lê Đức Vĩnh, nguyên Trưởng bộ môn Toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu ý kiến: "Các em đồng lõa với cha mẹ và người chấm thi nâng điểm cho mình thì tội nặng hơn rất nhiều so với các em đem điện thoại vào phòng thi. Cứ đem tài liệu vào phòng thi là lập biên bản, hủy bài thi đó ngay và học sinh trượt. Nên là ở đây không những cần phải công khai mà tôi cũng phản đối ý của Bộ là trả về điểm cũ cho các em. Bởi vì các em phạm quy chế thi cử thì bản thân là các em đã bị cho điểm 0 và các em đã trượt rồi chứ không có chuyện là trả lại điểm cũ được."

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, tuổi của các thí sinh tuy có những suy nghĩ chín chắn nhưng cũng có những suy nghĩ bồng bột. Việc người lớn làm, các em phải chịu đã là một tổn thất lớn cho các em. Vì vậy, không nên công khai danh tính để tâm lý của các em không bị xáo trộn.

Chị Nguyễn Thị Chính, ở thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái bày tỏ quan điểm: "Theo tôi nghĩ thì không nên công khai tên của các con. Việc đấy là do bố mẹ làm thôi, chứ không phải do các con làm. Tại vì tương lai của các con còn dài, bây giờ mới bắt đầu vào bước vào cổng trường đại học. Nếu bây giờ công khai lên thì cũng có nhiều mặc cảm."
 
Theo ông Cao Đình Thưởng, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, việc có công khai danh tính thí sinh hay không là quyền của cơ quan điều tra và cơ quan chức năng. Tuy nhiên cần xét xét trên nhiều góc độ, trong đó chú ý đến những tác động tiêu cực có thể xảy ra với thí sinh.

"Thực ra các cháu chỉ là nạn nhân thôi, còn tội là tội của người lớn, người vi phạm lại là người lớn cho nên bây giờ nếu công khai tên tuổi của các cháu ra thì nó lại ảnh hưởng rất lớn đến đến uy tín, danh dự, tâm lý của trẻ và đặc biệt là tương lai của các cháu", ông Thưởng nói.
 
Cùng là những người vừa tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và đỗ vào các trường đại học, nhưng một số sinh viên nêu quan điểm là không nên công khai danh sách thí sinh được nâng điểm.

Vũ Anh Phương, sinh viên năm thứ nhất, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: "Em nghĩ là không nên tại vì việc công khai này gây tổn thương cho các bạn ấy. Người đọc, người nghe mình sẽ không cảm thấy là nó thực sự ảnh hưởng đến mình đâu nhưng mà những người mà bị công bố tên đấy thì mới cảm thấy là bị tổn thương. Và đến lúc các bạn ấy đi học đại học thì đã từng có một danh tiếng không tốt rồi thành ra các bạn ấy sẽ tự ti, mặc cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các bạn ấy."

Trả lại công bằng cho tất cả các thí sinh cũng là điều mà cả xã hội mong chờ và cũng là mục tiêu điều tra kéo dài suốt 8 tháng qua của các cơ quan chức năng. Những học sinh được can thiệp nâng điểm cũng đã phải chịu những hình thức xử lý. Tuy nhiên, việc công khai danh sách thí sinh được can thiệp nâng điểm ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang cũng chưa phải là giải pháp hữu hiệu để phòng chống gian lận thi cử. Dư luận vẫn mong chờ những giải pháp triệt để hơn để không còn những thảm họa thi cử như từng diễn ra năm ngoái./.

 

 

Theo Minh Hường/VOV

.