Thành phố Điện Biên Phủ chú trọng xây dựng thư viện thân thiện

Thứ Ba, 04/09/2018, 09:29 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong những năm qua, ngoài việc quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Điện Biên Phủ đã chú trọng tới việc đầu tư xây dựng thư viện chuẩn, thư viện thân thiện. Bởi thư viện trường học là bộ phận không thể thiếu trong việc hình thành môi trường văn hóa học đường, khơi nguồn và thỏa mãn những nhu cầu về thông tin, tri thức của thầy cô giáo và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh, xây dựng niềm đam mê đọc sách, khả năng tự học, tự tìm hiểu khám phá kiến thức cho học sinh.

Trong những năm qua, Trường THCS Him Lam ngoài việc đầu tư xây dựng phòng thư viện của trường thì tại các lớp học và các phòng của tổ chuyên môn, nhà trường đều triển khai mô hình thư viện. Hiện tại, số lượng sách có trong thư viện của trường là 12.659 bản, trong đó 6.835 sách giáo khoa, 586 sách nghiệp vụ, hơn 3.800 sách tham khảo, truyện đọc thiếu nhi 953 bản và 469 sách pháp luật. Cô giáo Cao Thị Đại, Hiệu trưởng Trường THCS Him Lam cho biết: "Nhà trường đã tham mưu với phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tăng cường cấp phát các loại sách phục vụ cho thư viện; phát động phong trào quyên góp ủng hộ sách, truyện cho thư viện; xây dựng mô hình thư viện di động tại các phòng làm việc của các tổ chuyên môn, các phòng đoàn thể; phát động phong trào đọc sách, thi giới thiệu sách, tổ chức ngày hội đọc sách."

c
Thư viện Trường Trung học cơ sở Him Lam

 

Theo lời kể của cô giáo Cao Thị Đại: "Ngoài đọc sách tại phòng thư viện của trường, nhà trường còn trang bị góc thư viện ngay trong mỗi lớp học. Giờ ra chơi, ngay trên lớp học, chỉ cần với tay là các em có thể chọn được những cuốn sách, cuốn truyện ưng ý, phù hợp với lứa tuổi để đọc tại chỗ và tự quản lẫn nhau. Hết giờ ra chơi, các bạn lại tự giác sắp xếp, đem sách, truyện trả lại vị trí cũ."

"Hằng ngày em lên thư viện để đọc sách và tìm kiếm tư liệu học tập, đọc những cuốn sách mà thầy cô và các bạn giới thiệu sau mỗi buổi học ở trường, đồng thời tra cứu những thông tin, nắm bắt thời sự qua thư viện điện tử, qua đó nhằm mở rộng kiến thức và tăng sự hiểu biết về xã hội." - Em Vũ Thị Khánh Huyền - Lớp 9D1 Trường THCS Him Lam chia sẻ.

Mô hình thư viện thân thiện cũng được Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ và Tiểu học Him Lam áp dụng để chủ động đưa sách đến gần hơn với học sinh.

Trong đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Điện Biên Phủ đã đầu tư về cơ sở vật chất xây mới phòng thư viện Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ với diện tích 80m2, số tiền xây dựng phòng thư viện khoảng 480 triệu đồng; tiền mua sắm sách và các trang thiết bị trong phòng thư viện là 369 triệu đồng. Trong thư viện có 523 đầu sách với 5.269 cuốn sách, truyện các loại.

Cô giáo Lê Thị Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ cho biết: "Để hướng học sinh có niềm đam mê đọc sách, nhà trường đã đưa tiết học đọc sách trong thư viện vào trong chương trình giảng dạy, trong đó trung bình mỗi lớp được học 1 tiết/tuần. Từ ngày có thư viện, số lượng học sinh tham gia đọc sách đông hơn, giờ ra chơi hình ảnh học sinh đùa nghịch chạy giỡn đã được thay thế bằng hình ảnh các em ngồi đọc sách."

Trường Tiểu học Him Lam được đầu tư xây dựng phòng thư viện khoảng 350 triệu đồng, diện tích 59m2; tiền mua sắm sách và các trang thiết bị trong phòng thư viện (sách, giá sách, bàn ghế, tủ, máy tính, đài caset, tivi) là 342 triệu đồng; Thư viện có 675 đầu sách với 8.653 cuốn sách, truyện các loại.

Năm học 2017-2018, công tác xây dựng thư viện thân thiện, thư viện chuẩn của thành phố đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhiều thư viện truyền thống đã thay đổi hình thức và phương thức hoạt động, trở thành điểm đến mong chờ của học sinh.

Thầy giáo Vũ Minh Trung, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Điện Biên Phủ cho biết: Thư viện thân thiện được triển khai thực hiện tại các trường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và sự tham gia của phụ huynh học sinh như: Thư viện lớp học (thư viện đặt ở cuối phòng học); thư viện di động (sách, truyện đặt trong tủ hoặc giá có thể di chuyển được mọi lúc, mọi nơi trong khuôn viên trường); thư viện xanh được thiết kế trong vườn cây xanh hay sân trường đủ bóng mát, có bồn hoa cây cảnh đẹp mắt, có ghế ngồi; thư viện đa năng (được thiết kế tại các vị trí khác nhau, sử dụng tích hợp với nhiều chức năng khác nhưng vẫn mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động đọc của học sinh). Qua các hình thức trên đã tạo ra một không gian mở tối đa, giúp học sinh tiếp cận và đọc sách với tâm lý nhẹ nhàng, tự nhiên, thú vị và đầy hứng khởi.

Đọc sách, ngoài việc giúp trau dồi kiến thức khoa học, xã hội cho học sinh, còn là một cách để rèn luyện kỹ năng, nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ - một kỹ năng quan trọng cho dù sau này học sinh học tập, làm việc ở lĩnh vực nào đi nữa.

Chính vì vậy, bên cạnh những nỗ lực xây dựng thư viện đạt chuẩn, bổ sung nguồn sách, cần xây dựng văn hóa đọc cho học sinh. Khi học sinh say mê đọc, chủ động tìm đến sách thì mới có thể phát huy được hiệu quả thực tế của thư viện.

 

Diệp Xuân/Dienbientv.vn
 

.