Miễn học phí bậc Trung học cơ sở: Bài toán nào đảm bảo tính khả thi?

Thứ Bảy, 01/09/2018, 14:27 [GMT+7]

Miễn học phí bậc THCS là đề xuất mang ý nghĩa nhân văn, tuy nhiên, có không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn để chính sách này thực sự khả thi
 
Tạo điều kiện học tập bình đẳng

Bộ GD-ĐT cho biết, những năm qua Nhà nước mới miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS chưa được miễn học phí, gây khó khăn khi huy động trẻ đến trường, nhất là vùng núi, vùng dân tộc thiểu số.

 

1
Miễn học phí tạo điều kiện cho trẻ đến trường, đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Quang Trung.


Mức thu học phí không quá cao, nhưng cũng là gánh nặng đối với gia đình có mức thu nhập thấp, tiệm cận chuẩn nghèo.

Miễn học phí bậc THCS sẽ huy động được trẻ ở lứa tuổi này đến trường, định hình việc phân luồng học sinh THCS và định hướng nghề nghiệp cho các em THPT rõ ràng hơn, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế.

“Miễn học phí đối với học sinh THCS sẽ góp phần giảm chi phí cho mỗi cá nhân, gia đình và tiết kiệm nguồn lực cho cả xã hội. Nếu thực hiện chủ trương trên của Chính phủ, mỗi năm sẽ có hơn 5 triệu học sinh được hưởng lợi” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Hiện Việt Nam đã phổ cập giáo dục mầm non với trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và THCS (từ lớp 6 đến 9). Tuy nhiên, hiện mới có học sinh tiểu học được miễn học phí.

Trước đó khi dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 12/3, nội dung “miễn học phí cho học sinh THCS” bị đưa ra khỏi dự luật.

Hai Bộ: Tài chính và Nội vụ không đồng tình với đề xuất này vì ngân sách Nhà nước còn khó khăn.

Tuy nhiên, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 đã nêu rõ một số chủ trương liên quan đến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Theo đó, Chính phủ thống nhất thông qua đề xuất của Bộ GD-ĐT, cụ thể như: “Thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29 khóa XI”.

GS. Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: Nhà nước thực hiện được chủ trương này là rất nhân văn, tiến bộ, tạo sự phấn khởi cho xã hội, bởi nó không chỉ ở miền núi mà ngay ở nông thôn, hay vùng thành thị cũng có nhiều người khó khăn, người nghèo.

Điều đó tạo điều kiện tốt cho các cháu ở lứa tuổi đó yên tâm học tập, có điều kiện để được học tập một cách bình đẳng.

Phổ cập ở ta chưa phải bắt buộc mà Nhà nước chỉ tạo điều kiện tốt nhất, nhưng cần phải trách nhiệm 2 phía, chứ một chiều như hiện nay thì nhiều gia đình lấy lý do hoàn cảnh khó khăn nên cho con nghỉ học.

Còn ở nước ngoài họ không những miễn học phí mà còn hỗ trợ sinh hoạt, tuy nhiên nếu bố mẹ cho con nghỉ học là sẽ bị nhà nước xử lý.

Nghiên cứu sinh Lê Thị Ngọc Nhẫn, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt (TP. HCM) cho rằng, dự thảo miễn học phí cấp THCS mà Bộ GD-ĐT vừa đề xuất là tiến bộ, tiệm cận với xu thế chung của thế giới.

Giáo dục phổ thông là kiến thức nền tảng cơ bản, rèn luyện công dân lối sống văn minh.

Nếu vì lý do học phí mà công dân không được tiếp cận giáo dục phổ thông thì hệ lụy xã hội là rất lớn. Ở các nước tiên tiến, học phí được miễn ở tất cả bậc phổ thông.

Theo Bộ GD-ĐT nghiên cứu tại 18 nước, có 33% miễn học phí cấp mầm non, 100% miễn học phí cấp tiểu học, 61% miễn học phí cấp THCS và 44% miễn phí toàn cấp THPT.

Làm sao để đảm bảo tính khả thi?

Nhiều chuyên gia  giáo dục phân tích: Nếu không có khoản tiền học phí, các trường sẽ thiếu hụt. Liệu Nhà nước có đảm bảo cấp bù đủ ngân sách này, trong khoảng thời gian dài hạn? Với quy mô cả nước, đây sẽ là số tiền không nhỏ. GS. Đào Trọng Thi cho rằng, nhiều năm nay ngành giáo dục chưa thực hiện được chủ trương này nguyên nhân cũng chính là do nguồn ngân sách có hạn. Vì thế, Nhà nước thực hiện được chủ trương này là rất nhân văn, nhưng khi quyết định triển khai thì Chính phủ phải tính kỹ lộ trình như thế nào? Nguồn lực ở đâu? Nếu không sẽ khó khả thi.

Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Nếu Chính phủ cân nhắc đủ tiền để thực hiện miễn học phí cho THCS thì sẽ tạo điều kiện tốt cho trẻ đúng độ tuổi đến trường. Nhưng tôi vẫn lo ngại, đã miễn học phí thì không được thu khoản gì nữa, trong khi ngân sách nhiều địa phương khó khăn, nếu không cẩn thận có thể hạn chế đến phục vụ các hoạt động giáo dục. Vì thế, cần cân nhắc thời điểm thực hiện, đối tượng thực hiện, có lộ trình từng bước cụ thể tùy theo ngân sách của Nhà nước”.  

Một số lãnh đạo trường THCS cho rằng đây là chính sách nhân văn nhưng bày tỏ băn khoăn về nguồn ngân sách bù cho học phí như trước đây.

Thực tế trước đây, ngành giáo dục từng bỏ thu phí cơ sở vật chất trường học, từ đó nhiều trường lại nảy sinh ra nhiều khoản thu khác, chẳng hạn quỹ phụ huynh để sửa chữa, mua sắm thiết bị trường học.

Số tiền này có khi còn cao hơn phí cơ sở vật chất theo quy định. “Mỗi năm có 50-60 hoạt động trong nhà trường cần đến tiền, chưa kể khen thưởng cho học sinh...Nếu không thu học phí thì e rằng các trường phải nghĩ ra các khoản thu mới bù vào. Đừng để nguồn thu gây khó khăn cho nhà trường, đừng để nhà trường phải tự xoay sở để có kinh phí cho các hoạt động, dễ dẫn đến tiêu cực” - lãnh đạo một trường THCS chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP. HCM) đề xuất: “Ngành giáo dục cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu phí hiện nay ở các trường học, không để xảy ra lạm thu từ việc miễn học phí. Có như vậy chính sách mới có tác dụng tích cực và mang ý nghĩa trọn vẹn”./.

 

 

Theo VOV

.