Chống "lạm thu" ở huyện vùng nông thôn

Thứ Ba, 18/09/2018, 07:20 [GMT+7]

Điện Biên TV - Năm học 2018-2019 đã bắt đầu được gần một tháng, nhiều phụ huynh học sinh vẫn trăn trở, bức xúc khi các khoản đóng góp tự nguyện mà như “bắt buộc” còn nhiều. Tại vùng nông thôn nhưng huyện Điện Biên, thêm một khoản đóng góp là thêm sự vất vả, cực nhọc cho người dân. Do vậy, các cơ sở giáo dục cần có các biện pháp chống lạm thu, tránh gây bức xúc như các phương tiện báo chí cả nước đưa ra thời gian qua.

x
Trường Tiểu học Thanh An có gần 200 học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo

 

Trường Tiểu học Thanh An, huyện Điện Biên năm học 2018-2019 có 23 lớp, 532 học sinh với một trường trung tâm và 2 điểm trường là: Noong Ứng và Púng Thanh. Theo thầy giáo Phạm Văn Chiến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong tổng số 532 học sinh thì có 79 học sinh thuộc hộ nghèo và 120 học sinh cận nghèo. Do đó, trong mỗi khoản thu xã hội hóa, nhà trường cũng đã cân nhắc rất kỹ lưỡng để phù hợp với điều kiện kinh tế của một xã thuần nông.

Năm học này, nhà trường dự kiến thu đối với quỹ trường gồm: Tiền xây dựng góc thiên nhiên, vườn cây học tập, tu sửa nhỏ cơ sở vật chất và các nội dung phục vụ hoạt động trải nghiệm học tập của học sinh, chăm sóc giáo giáo dục trẻ là 250 nghìn đồng, trong đó học sinh hộ nghèo là 175 nghìn đồng và cận nghèo 200 nghìn đồng; tiền thi đua khen thưởng là 100 nghìn đồng/học sinh; tiền tổ chức các hoạt động phong trào là 100 nghìn đồng/học sinh; tiền mua dụng cụ vệ sinh 30 nghìn đồng. Đối với các khoản dịch vụ trong năm học như: Tiền thuê bảo vệ điểm trường 20 nghìn đồng/học sinh; giấy kiểm tra thường xuyên, định kỳ 60 nghìn đồng/học sinh; nước uống 40 nghìn đồng; tiền trông xe đạp 70 nghìn đồng.

Còn theo ghi nhận tại trường THCS Thanh An, huyện Điện Biên. Năm học này, nhà trường dự kiến các nguồn thu thỏa thuận của học sinh, cụ thể tiền nước uống 30 nghìn đồng; quỹ vệ sinh 30 nghìn đồng; quỹ thi đua - khen thưởng 70 nghìn đồng; quỹ tổ chức các hoạt động phong trào của học sinh 70 nghìn đồng; quỹ xây dựng góc thiên nhiên, vườn cây học tập và các nội dung phục vụ hoạt động học tập tập là 180 nghìn đồng, trong đó học sinh thuộc hộ nghèo là 120 nghìn đồng và cận nghèo 140 nghìn đồng. Thầy giáo Trần Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THCS Thanh An cho biết: Để đưa ra các khoản thu dự kiến, ngay từ đầu đầu năm học, nhà trường đã lập theo văn bản chỉ đạo của UBND huyện và Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Điện Biên, đồng thời họp hội đồng trường để đưa ra ý đóng góp các khoản thu, rồi sau đó họp Ban đại diện cha mẹ phụ huynh của lớp và cuối cùng là họp phụ huynh toàn trường.

v
Cuộc họp hội đồng trường THCS Thanh An nhằm bàn bạc và thống nhất các khoản thu dự kiến năm học 2018-2019

 

Theo Biên bản cuộc họp thống nhất các khoản thu thỏa thuận giữa nhà trường với cha mẹ học sinh năm học 2018-2019, cấp tiểu học vừa được Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Điện Biên tổ chức cuối tháng 8 vừa qua quy định: Tiền nước uống thu tối đa 50 nghìn đồng/học sinh; tiền đồng phục tùy điều kiện từng trường, các trường thỏa thuận, lựa chọn các loại áo đồng phục (áo sơ mi ngắn tay, áo sơ mi dài tay, áo thu đông...) số tiền không quá 350 nghìn đồng/học sinh; tiền tổ chức các hoạt động phong trào của học sinh tối đa 100 nghìn đồng/học sinh; tiền xây dựng góc thiên nhiên, vườn cây học tập, tu sửa nhỏ cơ sở vật chất và các nội dung hoạt động trải nghiệm học tập của học sinh, chăm sóc giáo dục trẻ tối đa 200 nghìn đồng/học sinh, riêng đối với những trường xây dựng trường chuẩn quốc gia thu tối đa 300 nghìn đồng/học sinh...

Hiện nay, nhiều trường đã tổ chức họp phụ huynh học sinh. Tiêu điểm họp vẫn là chuyện đóng góp các khoản thu tự nguyện phục vụ nhu cầu học tập của học sinh trong điều kiện ngân sách ở địa phương và ngành giáo dục còn hạn hẹp, cần có sự chia sẻ giữa gia đình và nhà trường.

Để tránh tình trạng lạm thu và thu dạy thêm trái quy định, các trường cần công khai các khoản thu ngay từ đầu năm học mới và không nên thu nhiều khoản cùng một lúc. Đối với những khoản thu mua sắm phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập, sinh hoạt như đồng phục, quần áo thể dục, hoặc đóng góp cho nhà trường để thực hiện một số nhiệm vụ công tác chăm sóc học sinh bán trú... nhà trường phải trao đổi để có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh về chủ trương, công khai mức thu, chi bảo đảm đúng quy định.

Để phòng, chống "lạm thu" ngày từ đầu năm học, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Điện Biên nên tăng cường thanh, kiểm tra xử lý kịp thời các trường học cố tình thu các khoản trái quy định, kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền xã hội hóa giáo dục thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng đóp đầu tư kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn. Ban đại diện cha mẹ học sinh các trường cần coi trọng việc phối hợp hiệu trưởng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương, chính sách về giáo dục với cha mẹ học sinh để nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh.

 

Diệp Xuân/Dienbientv.vn

.