Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Đề thi khó và dài gây tranh luận

Thứ Năm, 28/06/2018, 07:10 [GMT+7]

Nhìn lại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, dư luận cho rằng, đề thi năm nay tương đối dài và khó. Việc lọt đề thi môn Vật lý và Hóa học cần được xem xét lại.
 
Từ ngày 25 đến 27/6, hơn 925.700 thí sinh trên cả nước chính thức tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Nhìn lại 2,5 ngày thi, chúng ta có thể thấy Bộ GD-ĐT đã nỗ lực để kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại các điểm thi trên cả nước. Một số hiện tượng vi phạm quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi.
 

1
Cán bộ gọi thí sinh vào phòng thi


Nỗ lực để có kỳ thi an toàn, ít tốn kém

Để đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi Bộ GD-ĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia thực hiện kiểm tra ở tất cả các khâu của kỳ thi tại các địa phương. Bằng cách huy động một lực lượng lớn gồm hơn 4.000 cán bộ thanh tra cắm chốt ở 2.144 điểm thi trên toàn quốc; 11 đoàn Thanh tra thi lưu động đã góp phần tăng cường giám sát công tác tổ chức thi tại các Hội đồng thi.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã được tổ chức đúng kế hoạch, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, an toàn đúng quy chế.

Với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm đổi mới thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, Bộ ngành trong cả nước, phương thức tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia tiếp tục đạt được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng

Những năm trước đây, khi thiếu cán bộ coi thi, các trường đều phải điều động học viên cao học hay sinh viên năm cuối tham gia công tác coi thi thì năm nay, Bộ GD-ĐT đã huy động toàn bộ cán bộ coi thi là giảng viên. Những địa phương có nhiều phòng thi hơn dự kiến Bộ đã điều động bổ sung cán bộ coi thi ĐH để đảm bảo 50% cán bộ coi thi của tất cả các điểm thi đến từ các trường ĐH.
 

1
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2018


Việc coi thi có sự phối hợp 50% là giảng viên ĐH cũng là cơ sở khách quan đảm bảo phòng thi nghiêm túc và cũng là cơ hội để các thầy giám sát kỳ thi xét tuyển đại học.

Nếu như mọi năm, việc giao cho các trường ĐH, CĐ tổ chức thi thì thí sinh từ nhiều vùng miền xa xôi phải lên các thành phố lớn từ 1 đến 2 ngày trước kỳ thi, thuê phòng trọ, tốn kém thời gian, công sức và kinh phí cho việc ăn ở, đi lại thì từ 2 năm nay, không còn thấy cảnh tượng đó.

Tình trạng ùn tắc giao thông cũng không còn xảy ra ở nhiều tuyến phố hay tại cổng trường, xung quanh các trường ĐH, CĐ. Đây cũng là những điều đáng ghi nhận trong công tác tổ chức thi của Bộ GD-ĐT nhằm giảm căng thẳng, tốn kém cho xã hội.

Đề thi bị đánh giá là tương đối dài và khó

Bên cạnh những mặt tích cực, đáng ghi nhận như trên thì kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 vẫn còn những điều khiến dư luận, thí sinh và giáo viên băn khoăn.

Điểm mới của việc ra đề thi năm nay là không chỉ kiểm tra kiến thức của học sinh ở lớp 12 mà còn có thêm phần kiến thức lớp 11. Ngoài môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận thì hầu hết các môn thi chủ yếu ra theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
 
Bộ GD-ĐT khẳng định, độ phân hóa đề thi được cân đối 60 - 40 (60% là kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và 40% nâng cao để xét tuyển đại học), nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Tuy nhiên, với đề thi Ngữ văn và Toán năm nay, nhiều thí sinh và giáo viên đánh giá là tương đối dài và khó.

Thí sinh Ngô Minh Nguyệt, trường THPT Phạm Hồng Thái, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Ở đề thi Ngữ văn, phần viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay là tương đối khó vì sứ mệnh của mỗi cá nhân mang một cái gì đó to tát, còn tiềm lực đất nước không phải học sinh nào cũng biết.

Hơn nữa, đề thi tương đối dài nên để làm được hết bài, có nhiều ý nên học sinh muốn làm được hết phải rất tập trung và có kiến thức hiểu biết rộng.

Theo cô Ngô Thị Lan Anh (giáo viên dạy Ngữ văn, trường THPT Trần Phú, Hà Nội), ở đề thi Ngữ văn, câu hỏi thí sinh về quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/Tiềm lực còn ngủ yên có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không và vì sao có thể sẽ có thí sinh trả lời được hoặc không vì tác giả viết bài thơ đã lâu và nhiều thí sinh có thể chưa hiểu hết bài thơ.

Đề thi đã đảm bảo không chỉ có kiến thức lớp 12 mà còn kiểm tra kiến thức của học sinh ở lớp 11 thông qua tác phẩm “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam. Các câu hỏi trong đề thi khá hay và cũng có tính phân loại trình độ của thí sinh tương đối cao để các trường ĐH chọn lựa thí sinh vào trường. Tuy nhiên, nếu đề thi như này làm trong 120 phút thì hơi quá sức với các em nên có thể có thí sinh viết vội vàng, hụt hơi ở câu cuối cùng.

Ở câu hỏi mở rộng, đòi hỏi thí sinh phải tư duy và liên hệ giữa kiến thức đã học thực tiễn cuộc sống. Phần suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân là câu hỏi mang tầm vĩ mô hơn là trách nhiệm đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân.
 

thi_sinh_vov_rhfo.jpg
Thí sinh và người nhà xem lại đề sau khi kết thúc thời gian làm bài


Còn đối với đề thi Toán, GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, chuyên gia đầu ngành về Đại số của ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng nhận xét: “Với 90 phút không đủ cho tôi làm 50 câu của đề thi. Tôi cũng không tin rằng có thầy cô giáo dạy Toán THPT nào có thể giải kịp 50 câu của đề Toán trong vòng 90 phút. Có rất nhiều câu đòi hỏi phải tính toán trong 10 đến 15 phút.

Lâu nay, dư luận lên án thi trắc nghiệm Toán ghê quá. Kỳ thi năm ngoái lại dễ, khiến cho 30 điểm vẫn trượt Đại học phòng cháy chữa cháy. Có lẽ vì thế, năm nay Bộ GD-ĐT chỉ đạo ra đề thật khó.

Bản chất cái khó của đề năm nay nằm ở phần tự luận còn rơi rớt lại, tuy học trò không phải trình bày lời giải. Cái dở của trắc nghiệm vẫn còn đó. Học trò không cần và do đó sẽ không biết cách trình bày bài giải, không rèn rũa cách suy luận, chỉ cắm cổ tính cho thật nhanh; người khoanh kết quả đúng chưa chắc là người giải đúng. Đề thi này khó, nhưng sẽ không phân loại được học trò”, GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng nói

Chưa hết, bài thi khoa học tự nhiên gồm 3 môn thành phần (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và bài thi khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) có khoảng cách thi giữa môn thứ nhất và môn thứ 2; môn thứ 2 với môn thứ 3 chỉ có 10 phút mà thí sinh vừa phải nộp bài thi, nhận đề mới thì hầu như các em không có thời gian nghỉ ngơi.

Nên bỏ quy định thí sinh được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình?

Ngoài việc ra đề thi được dư luận đánh giá là tương đối dài và khó, vấn đề lọt đề thi ra ngoài cũng đang được thí sinh và người dân quan tâm. Theo đó bài thi Khoa học tự nhiên gồm các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Trong đó, môn thi đầu tiên là môn Vật lý, thời gian làm bài từ 7h35’ đến 8h25’.

Theo quy chế thi THPT quốc gia, thí sinh không được mang đề thi ra khỏi phòng thi cho đến khi hết giờ làm bài. Cán bộ coi thi chỉ không thu lại đề của thí sinh đối với môn thi cuối cùng của các bài thi tổ hợp hoặc các bài thi độc lập.
 

ong_mai_van_trinh_mtag.jpeg
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) nói về việc lọt đề thi môn Vật lý, Hóa học trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018


Tuy nhiên, khoảng 9h sáng 26/6, đề thi môn Vật lý, một môn thành phần của bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, sau đó là cả môn Hoá học đã xuất hiện trên mạng xã hội.

Trước thông tin đề thi bị lọt ra ngoài trước khi bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên kết thúc vào 10h30 sáng 26/6, tại cuộc họp báo chiều 27/6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, đề thi môn Vật lý và Hóa học bị lọt ra ngoài sau khi thời gian làm bài thi của 2 môn này đã kết thúc nên không ảnh hưởng đến kết quả bài làm của thí sinh.

Ngay sau khi nhận được thông tin lọt đề thi ra ngoài, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh thông tin, điều tra xem trường hợp nào để lọt đề thi ra ngoài.

Theo số liệu thống kê, trong cả kỳ thi chỉ có 77 thí sinh vi phạm Quy chế thi. Trong đó có 73 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi. Đến thời điểm hiện tại, chưa có thông tin nào cho thấy có hiện tượng đưa lời giải từ bên ngoài vào phòng thi, không có cán bộ coi thi nào bị xử lý kỷ luật.

Ông Mai Văn Trinh cũng khẳng định, tại điểm B, khoản 4, điều 14 của quy chế thi THPT Quốc gia có quy định, thí sinh được phép mang vào phòng thi các thiết bị ghi âm, ghi hình để phát hiện gian lận thi cử.

Các thí sinh có thể mang vào phòng thi các dụng cụ có chức năng ghi âm, ghi hình. Đây là sự tăng cường phát hiện, giám sát tiêu cực trong phòng thi nhưng thiết bị phải đảm bảochỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh hoặc hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

“Quy định này đã được thực hiện từ một vài năm trước đã góp phần giảm tải tiêu cực, đảm bảo an toàn tại các hội đồng thi. Tuy nhiên, quy định này cho đến nay có còn phù hợp hay không thì còn phải xem xét thêm”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh

Tuy nhiên, với quy định được phép mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình vẫn có thể khiến thí sinh và giám thị “lách luật” hoặc lợi dụng sự sơ ý, không kiểm soát hết được của cán bộ coi thi nên có thể chụp lại đề ra ngoài phòng thi. Điều này một lần nữa đã được khẳng định trong kỳ tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội ngày 7/6, thầy giáo Nông Hoàng Phúc, giám thị tại điểm thi THPT Vân Nội, Đông Anh đã bị phát hiện chụp đề thi Toán và Văn gửi ra ngoài cho đồng nghiệp ngay đầu giờ thi khiến các cơ quan chức năng phải điều tra, làm rõ hình thức xử lý kỷ luật.

Với những bất cập trên, để đảm bảo an toàn nghiêm túc tuyệt đối, thiết nghĩ chắc chắn trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cũng cần phải xem xét lại việc có nên tiếp tục cho thí sinh hoặc giám thị mang máy điện thoại có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin./.

 

 

Theo VOV

.