Bộ GD-ĐT cần phải cẩn trọng khi đưa ra các con số trong Đề án

Thứ Năm, 24/05/2018, 07:38 [GMT+7]

 Đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng, để ban hành một đề án, Bộ cần cẩn trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh tình trạng vừa công bố đã phải thu hồi.
 
Vừa qua, Đề án "Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020" của Bộ Giáo dục và Đào tạo với kinh phí được tính toán lên tới 749 tỷ đồng được đăng tải trên một số trang báo khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn, lo lắng. Ngay sau đó, ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã yêu cầu thu hồi để sửa đổi vì nhiều số liệu không khớp.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Tất Thắng hoan nghênh Bộ GD-ĐT đã kịp thời thu hồi và cho rằng đây là cách làm cầu thị của Bộ, khi có phản hồi đã xử lý ngay lập tức.
 

1
Đại biểu Phạm Tất Thắng. (Ảnh: KT)


Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, Đề án "Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020" của Bộ GD-ĐT mang yếu tố kỹ thuật rất nhiều như: xây dựng bộ đề thi, hệ thống ngân hàng câu hỏi, một số phần mềm, trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ học sinh thi theo phương thức trắc nghiệm trên máy tính. Tuy nhiên theo ông Thắng, với 1 đề án mang yếu tố kỹ thuật mà phải dùng khoản tiền lớn như vậy thì cũng cần phải xem xét

“Khi chúng ta áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, nếu hệ thống kiến thức có sai khác so với những kiến thức đang được áp dụng của chương trình sách giáo khoa hiện hành, phương thức thi kiểm tra đánh giá cũng có thể thay đổi thì có thể những sự chuẩn bị đó nó sẽ không bảo lưu được nhiều so với giai đoạn sau, gây lãng phí. Tôi cho rằng nếu trong quá trình xem xét lại đề án, Bộ GD$ĐT phải cân nhắc đến những yếu tố này”- đại biểu Phạm Tất Thắng cho biết.

Trước đó, theo lý giải của Bộ GD-ĐT, Đề án "Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020", khái toán tổng kinh phí thực hiện trong 3 năm, từ năm 2018-2020, theo ông Thắng nếu chỉ dùng trong 3 năm mà không được bảo lưu thì sẽ tốn nhiều công sức của cơ quan quản lý, các chuyên gia.

“Để xây dựng bộ đề, ngân hàng câu hỏi lớn như vậy cần phải có thời gian, kể cả sự chuẩn bị tiến hành biên soạn, lựa chọn cũng tốn nhiều thời gian nên có khi xây dựng xong mà không dùng được bao nhiêu đã thay đổi rồi. Tôi cho rằng cũng cần phải cân nhắc. Bởi vì ngoài việc tốn kém như vậy về mặt kinh phí thì sẽ tốn kém công sức của cơ quan quản lý, các chuyên gia và hiệu quả sử dụng không lâu dài”- ông Thắng nói.

Đề án phải được soạn thảo kỹ lưỡng và cẩn trọng

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT phải “xử lý” các thông tin liên quan đến tài chính của các đề án.

Trước đó, năm 2014, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015 khi chuẩn bị trình ra Quốc hội với kinh phí 34.275 tỷ đồng khiến dư luận "sững sờ". Thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đính chính con số này không có trong tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; con số đó là khái toán tổng hợp từ kết quả của nhiều nhóm chuyên gia khác nhau, kinh phí bao gồm đào tạo lại đội ngũ giáo viên, mua sắm trang thiết bị và nhiều công việc khác. Riêng về biên soạn sách giáo khoa, nhóm chuyên gia đề xuất trên 100 tỷ đồng.

Tiếp đó, những đề án khác như 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ cũng khiến xã hội “giật mình”.

Đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng, trong việc chuẩn bị các đề án của Bộ GD-ĐT, việc chuẩn bị các con số trong đề án chưa thực sự chu đáo nên mâu thuẫn về mặt số liệu, không khả thi về mặt nguồn lực sau đó lại phải điều chỉnh. Theo ông Thắng, các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và Bộ GD-ĐT nói riêng, khi công bố 1 đề án cần phải nghiên cứu tính khả thi (về tài chính, con người, điều kiện hoàn cảnh) để dư luận đón nhận.

“Lĩnh vực giáo dục- đào tạo được dư luận rất quan tâm nên những thay đổi về mặt chính sách, những công bố thông tin của Bộ GD-ĐT cần cẩn trọng, để những chính sách, đề án khi công bố phải được soạn thảo, chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng và có chất lượng tốt để khi ban hành được dư luận đón ủng hộ, tránh tình trạng khi vừa công bố đề án mà chưa áp dụng đã phải thu hồi.”- ông Phạm Tất Thắng cho biết./.

 

 

Theo Thy Hạt/VOV.

.