Điện Biên

Quan tâm hướng nghiệp cho học sinh THPT

Thứ Hai, 26/03/2018, 14:35 [GMT+7]

Điện Biên TV - Việc hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thống (THPT) có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là một nội dung không thể thiếu trong công tác giảng dạy nhằm giúp học sinh lựa chọn ngành học, nghề nghiệp phù hợp với trình độ, năng lực của bản thân, cũng như hoàn cảnh của gia đình và nhu cầu xã hội.

Để làm tốt công tác phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh, các trường THPT trên địa bàn tỉnh luôn xác định hướng nghiệp cho các em ngay từ lớp 10. Việc tập trung chú trọng hướng nghiệp ngay từ đầu cấp giúp các em dễ dàng hơn trong việc lựa chọn khối thi, chọn trường và ngành nghề trong tương lai.

Bên cạnh các tiết học chính khóa, Trường THPT TP. Điện Biên Phủ đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch phân luồng, hướng nghiệp và dạy nghề cho học sinh sát với thực tế, có tính khả thi, bài bản và khoa học. Qua đó nhằm thay đổi căn bản nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh về vị trí, vai trò, nội hàm của công tác phân luồng, hướng nghiệp.

Thầy Phạm Quốc Cường, Hiệu trưởng Trường THPT TP. Điện Biên Phủ, cho biết: Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn còn không ít phụ huynh học sinh áp đặt nghề nghiệp trong tương lai cho con cái; vì vậy, công tác hướng nghiệp cho các em, phụ huynh càng trở lên quan trọng.

Một tiết học của thầy và trò Trường THPT huyện Điện Biên.

 

Để làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh, ngay từ đầu năm học, các cấp học, nhà trường đã nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn, chỉ đạo của Sở GD&ĐT về công tác hướng nghiệp. Nhà trường luôn quan tâm và xem giáo dục hướng nghiệp như môn học chính khóa. Trường đã lồng ghép tuyên truyền về nội dung này trong các hoạt động tập thể, sinh hoạt đầu tuần, họp phụ huynh để học sinh, phụ huynh và cán bộ, giáo viên nhà trường hiểu đúng về phân luồng, hướng nghiệp.

Không phải cứ định hướng cho học sinh tốt nghiệp học xong THPT là vào học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hoặc về sản xuất mà phải hướng cho học sinh có nhiều lựa chọn phù hợp với năng lực, hoàn cảnh gia đình… Để làm được điều đó, giáo viên phải nắm bắt được nguyện vọng nghề nghiệp và tiến hành phân luồng học sinh từ năm học lớp 10 của cấp học, xây dựng kế hoạch phân luồng theo khóa học.

Đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn trong nhà trường, tạo tiền đề thuận lợi cho công tác phân luồng, hướng nghiệp làm thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý đối với công tác phân luồng, hướng nghiệp; đặt đúng vị trí công tác phân luồng, hướng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ của nhà trường.

Việc chọn tổ hợp môn thi không chỉ căn cứ trên ý thích của học sinh mà giáo viên chủ nhiệm cần tư vấn một cách phù hợp, đạt hiệu quả cao để các em có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp sở trường, năng lực bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu nhân lực của xã hội. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, năm học 2016 – 2017, tỷ lệ học sinh đạt điểm trên sàn đại học trong nhà trường đạt 79,33%, vượt 9,33% so với năm học trước. 100% học sinh tham gia học nghề phổ thông với tỷ lệ học sinh được xếp loại khá, giỏi đạt 99,3%.

Tương tự Trường THPT TP. Điện Biên Phủ, Trường THPT Phan Đình Giót cũng rất quan tâm đến việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Thầy Phí Văn Sốp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Giót, cho biết: Năm học 2017 -2018, Trường có 26 lớp, 785 học sinh; trong đó có 8 lớp 12 (256 học sinh), 9 lớp 11 (267 học sinh) và 9 lớp 10 (262 học sinh) với khoảng 75% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, phụ huynh tư vấn nghề nghiệp chưa sát với thực tế nên công tác hướng nghiệp trong nhà trường càng trở lên quan trọng.

Bên cạnh các tiết học giáo dục hướng nghiệp trong chương trình học chính khóa, Trường còn phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp làm công tác giới thiệu ngành nghề tuyển sinh cho các em có thêm sự hiểu biết và sự lựa chọn phù hợp.

Đồng thời, giáo viên cũng tư vấn, giới thiệu, phân tích đặc điểm của một số ngành nghề, yêu cầu cần thiết để đáp ứng với từng lĩnh vực nghề; tổ chức các buổi sinh hoạt hướng nghiệp theo từng khối lớp; giới thiệu nghề nghiệp theo chủ đề hàng tháng bằng việc cho học sinh tìm hiểu ngành nghề trước để đóng vai vào các tiểu phẩm, tình huống mô tả ngành nghề trong xã hội giúp các em nhận thức sâu sắc hơn về các ngành nghề để có sự lựa chọn cho tương lai…

Trên nền tảng những kết quả đã đạt được trong công tác hướng nghiệp cho học sinh, thời gian tới, dưới sự quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các trường THPT trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, chú trọng hơn nữa đến công tác hướng nghiệp cho học sinh để các em có sự lựa chọn nghề nghiệp chính xác; góp phần tạo ra một lực lượng lao động trong tương lai có định hướng rõ ràng, có năng lực nghề nghiệp tốt, góp phần làm tăng năng suất lao động, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

 

 

 

CTV - Đức Linh

.