Hàng nghìn học sinh khóc nức nở khi nghe thầy giáo nói về lòng biết ơn

Thứ Năm, 11/01/2018, 07:14 [GMT+7]

Bài nói chuyện của thầy Nguyễn Thành Nhân về lòng biết ơn khiến hàng ngàn học sinh trường THCS Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) bật khóc.
 
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh hàng nghìn học sinh, phụ huynh và giáo viên tại trường THCS Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) nghẹn ngào, khóc nấc khi nghe thầy Nguyễn Thành Nhân - Cố vấn cao cấp Trung tâm đào tạo nhân tài trẻ Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ về “Lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô”.
 

1
Học sinh bật khóc khi nghe thầy Nguyễn Thành Nhân nói về lòng biết ơn. (Ảnh: Cắt từ clip)


Mở đầu phần nói chuyện, thầy Nhân đặt vấn đề, phần lớn các bạn trẻ đều mắc lỗi  với bố mẹ, nhưng đa phần lại nợ bố mẹ một lời xin lỗi. Vậy nói lời xin lỗi liệu có khó?

Thầy Nhân lấy ví dụ: “Khi ở trường, nếu mắc lỗi, cuối giờ con nói cô ơi, con xin lỗi cô nha, vừa rồi con đã lỡ lời”, “hay khi về nhà, các con có thể nói với bố mẹ, con xin lỗi bố mẹ”. “Chỉ cần một câu như vậy, mọi điều sẽ được hóa giải”!

“Có bao nhiêu bạn ngồi đây đã từng làm bố mẹ tổn thương nhưng lại nợ họ một lời xin lỗi”? Sau câu hỏi của thầy Nhân, hàng ngàn cánh tay giơ lên, những gương mặt cúi xuống, nhiều nam sinh cũng bật khóc nức nở.

Thầy Nhân tiếp: “Đừng bao giờ để bố mẹ bạn không còn nữa, mới quỳ bên chiếc quan tài khóc bù lu bù loa, bố ơi con xin lỗi bố nha. Đừng nói câu ấy, ông ấy không còn nghe tiếng nữa. Mỗi ngày, có đến 280 người chết vì tai nạn. Bố mẹ các bạn dù có đưa các bạn đến trường mỗi buổi sáng hay không, nhưng ở bất cứ nơi đâu, chắc rằng họ vẫn đang nhớ tới và lo cho bạn từ những điều nhỏ nhất. Vậy tại sao bạn lại không nói lời xin lỗi”?

“Trong gia đình, khi các bạn sinh ra, các bạn đã là trung tâm của vũ trụ, sống giữa tình yêu thương của ông bà, cha mẹ, do vậy, càng ngày đòi hỏi của bản thân càng lớn.

Những nỗi lầm của các bạn thường mắc phải như ích kỷ, ương bướng, nổi loạn. Họ là những đứa con “lớn xác”, vô tâm, không chịu nghĩ cho bố mẹ”, thầy Nhân chia sẻ.

“Nói lời xin lỗi, hay cảm ơn là những lời mà đứa trẻ lên 3 cũng có thể nói ra. Với người lạ, chúng ta còn có thể dễ dàng được như vậy. tại sao với bố mẹ lại cảm thấy khó khăn thế”? Thầy Nhân đặt câu hỏi?

Phía dưới sân trường, có những giọt nước mắt rơi xuống, những lời nói nghẹn ngào, nhưng vẫn đủ để nghe thấy, “mẹ ơi, con xin lỗi”, “cô ơi, em xin lỗi”.

Trước sự xúc động của hàng ngàn học sinh, thầy Nhân chia sẻ: “Khóc không có nghĩa là yếu đuối, con gái hay con trai, đâu phải cứ khóc là yếu đuối. Khóc chỉ là muốn giải tỏa một điều gì đó. Đôi khi đó là những giọt nước mắt hạnh phúc vì thế không có gì là xấu hổ”.

Trong phần nói chuyện của mình, thầy Nhân cho biết, thực tế, không ít lần các bạn trẻ trách bố mẹ, thậm chí còn có ý định bỏ nhà ra đi. Nghe theo lời xúi giục của bạn xấu, chống đối lại bố mẹ, nghĩ rằng bố mẹ không yêu thương mình. Khi ấy chúng ta đã dại dột vì vô tình khiến bố mẹ đau lòng.

Nhiều em bố mẹ là lao động bình thường, hàng ngày phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng lại chưa từng hỏi một câu rằng “bố mẹ có mệt không’, mà chỉ đòi hỏi, quần áo, giày dép, đồ chơi mới, tiền này tiền nọ, khi không có, lại quay ra giận dỗi…

“Người có lỗi là con người, biết sửa  lỗi là thánh nhân, cười ngạo nghễ với những lỗi lầm đó chính là tội đồ”, thầy Nhân nói.

Giáo viên cũng đẫm lệ

Chia sẻ với phóng viên, cô Nghiên Thúy Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS Nhật Tân cho biết, buổi chia sẻ được tổ chức vào tiết chào cờ ngày 8/1 với sự tham dự của 900 học sinh, các thầy cô giáo cùng đại diện phụ huynh học sinh.

“Không chỉ các em học sinh, bản thân chúng tôi và nhiều phụ huynh cũng thấy vô cùng xúc động trước những chia sẻ chân tình của thầy Nhân”, cô Huyền tâm sự.

Ngoài ra, theo nhiều giáo viên, những điều giáo viên trong trường nói học sinh khó tiếp thu, nhưng khi nghe chia sẻ tại các buổi giảng như vậy, các em lại rất “hào hứng”.

Chia sẻ cảm xúc khi chứng kiến những giọt nước mắt xúc động của hàng ngàn  học sinh, phụ huynh, giáo viên, thầy Nguyễn Thành Nhân bày tỏ:  "Tôi cảm thấy rất vui khi chuyên đề được lan tỏa rộng rãi như vậy. Điều đó chứng tỏ xã hội nói chung và các bạn trẻ nói riêng bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới những điểm sáng khác của cuộc sống như giáo dục, các bài học ý nghĩa... Một lời nhắn gửi nhỏ tới các bạn học sinh  đó là điều quan trọng nhất sau những rung động với những cảm xúc và có nhận thức tích cực hơn về gia đình và bố mẹ, các em hãy có những hành động cụ thể nhất và biến nó thành những thói quen có ích hàng ngày, điều đó sẽ thay đổi cuộc sống của các em”./.

 

 

Theo Nguyễn Trang - Bích Lan/VOV.VN

.