Bộ GD-ĐT sẽ có thông tư quy định tiêu chuẩn sách giáo khoa

Thứ Bảy, 20/01/2018, 17:56 [GMT+7]

Bộ GD-ĐT sẽ có tài liệu tập huấn và trực tiếp tập huấn cho những người viết sách giáo khoa, đảm bảo các bộ sách giáo khoa thống nhất với nhau.
 
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn của sách giáo khoa, làm căn cứ để các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách.
 

1
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể


Trước đó, ngày 19/01, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo 20 chương trình môn học, hoạt động giáo dục để lấy ý kiến xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu ý kiến nhân dân trong vòng 2 tháng, sau đó hoàn thiện chương trình và thẩm định. Dự kiến trong tháng 4 sẽ ban hành chương trình các môn học.

Từ chương trình môn học này, các tổ chức, cá nhân có thể tham gia viết sách giáo khoa. Để đảm bảo các bộ sách giáo khoa thống nhất về mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục cốt lõi của môn học, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành Thông tư quy định rõ ràng về tiêu chuẩn của sách giáo khoa. Các tổ chức, cá nhân viết sách giáo khoa sẽ phải tuân thủ theo những quy định của Thông tư này, kể cả bộ sách giáo khoa do Bộ biên soạn.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói: "Sau khi chương trình được công bố trên mạng và các tổ chức, cá nhân đăng ký viết sách giáo khoa thì Bộ sẽ tổ chức tập huấn cho người viết sách giáo khoa, tập huấn cho cả những người thẩm định sách giáo khoa.

Sau khi hoàn thành chương trình này, chúng tôi sẽ viết tài liệu tập huấn và trực tiếp tham gia tập huấn cho những người viết sách giáo khoa, để đảm bảo là có thể có những bộ sách giáo khoa tốt mà thống nhất với nhau. Thống nhất ở những nội dung cốt lõi, còn về cách thể hiện, việc gia giảm, ví dụ như sách này thì bố trí phần này nhiều hơn, phần kia ít hơn vv..  đấy là sáng tạo của người viết sách giáo khoa thì mình phải tôn trọng".
 

1
Các môn học, hoạt động giáo dục từ cấp Tiểu học đến THPT


Hiện chưa có chương trình môn học chính thức, nên các tổ chức, cá nhân chưa thể đăng ký viết sách giáo khoa. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm sẽ bắt đầu triển khai dạy chương trình phổ thông mới vào năm học 2019-2020.

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, đây là lần đầu tiên chương trình giáo dục của Việt Nam không quy định số tiết cho từng môn học ở từng tuần, mà chỉ quy định số tiết học cho một môn học trong một năm. Quyền sắp xếp thời khóa biểu, kế hoạch giáo dục là của nhà trường. Các giáo viên cũng được quyền sắp xếp thời gian học theo thực tế của từng lớp, theo đặc điểm học sinh. Với phương pháp học linh hoạt, tăng quyền tự chủ cho giáo viên, học sinh nên phương thức thi, kiểm tra, đánh giá cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp. Vấn đề đổi mới kiểm tra, đánh giá không phải là việc đơn giản, nên trước mắt vẫn giữ nguyên hình thưc thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học như hiện nay.

"Từ nay đến năm 2020, hình thức tổ chức thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học giữ như hiện nay để ổn định. Và từ năm 2020 trở đi, là năm bắt đầu triển khai chương trình mới này lên trung học phổ thông thì lúc ấy sẽ có sự thay đổi. Bộ Giáo dục – Đào tạo đã tuyển chọn một trung tâm thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đó là Trung tâm đo lường và kiểm định chất lượng giáo dục nghiên cứu và báo cáo sớm nhất cho Bộ về việc đổi mới hình thức đánh giá, trong đó đặc biệt là đổi mới về thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học" - giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói./.

 

 

Theo Minh Hường/VOV

.