Tăng học phí đại học công lập cần đánh giá tác động đa chiều

Thứ Năm, 26/10/2017, 08:26 [GMT+7]

Khi tăng học phí ở các trường ĐH công lập, ngành Giáo dục nên có đánh giá, tác động một cách đầy đủ tới các đối tượng trong xã hội.
 
Bộ GD-ĐT vừa tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014-2017.

Việc giao quyền tự chủ sẽ góp phần thúc đẩy các trường ĐH công lập nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Một trong những vấn đề đáng chú ý là khi được giao quyền tự chủ, các trường ĐH sẽ phải tính đến việc tăng học phí. Tuy nhiên, nếu việc tăng học phí không được cân nhắc kỹ lưỡng thì sẽ gặp phải phản ứng từ phía xã hội và người học.

Học phí tăng, học sinh không nhất thiết vào ĐH bằng mọi giá

Đề cập đến vấn đề trên, ông Trương Minh Hoàng, đoàn đại biểu Quốc hội Cà Mau, cho rằng khi tăng học phí ở các trường ĐH công lập, ngành Giáo dục nên có đánh giá tác động một cách đầy đủ tới đối tượng nào trong nhân dân để có những đề xuất phù hợp với Chính phủ. Bộ phận dân cư đó có đang nằm trong chủ trương, chính sách của Nhà nước đang khuyến khích hay không.
 

1
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng


Nếu người dân nào có mức thu nhập trên trung bình, khá giả ở khu vực thành thị có thể coi việc tăng học phí lên một vài triệu đồng không là vấn đề đáng lo ngại gì. Tuy nhiên, với những người có thu nhập thấp, bà con nông thôn, việc tăng học phí chỉ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng thì lại là sự khó khăn.

Theo ông Trương Minh Hoàng, trong thời đại ngày nay, học sinh-sinh viên có thể chọn lựa nhiều phương thức để học tập. Các em không nên cố gắng bằng mọi cách để vào được ĐH, có được tấm bằng ở vị trí cao. Điều quan trọng mà các em cần làm trước khi vào trường đời là phải tìm hiểu nhu cầu xã hội đang cần những ngành nghề nào thì có thể theo học để sau này có thể tìm kiếm được việc làm.

Để giúp học sinh lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp và có thể tìm kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cần có sự phân luồng, phân tuyến giữa người theo học ĐH và học nghề.

Khi có sự phân luồng, phân tuyến trong khi học phí tăng thì những học sinh nào giỏi đỗ vào trường ĐH và có nhu cầu học lên cao nhưng có hoàn cảnh khó khăn thì vẫn được vay ngân hàng để đóng học phí. Đến khi tốt nghiệp, các em có được việc làm thì phải lấy lương hàng tháng để trả nợ ngân hàng.

Tăng học phí phải có lộ trình

Khi thực hiện tự chủ thì các trường ĐH phải tính đến tăng học phí để nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao đời sống của giảng viên... Đó là ý kiến của ông Ytru Alio, đại biểu Quốc hội đoàn Đắk Lắk.
 

1
Đại biểu Quốc hội Ytru Alio


Việc tăng học phí nên áp dụng đối với tất cả các ngành nghề. Mức tăng học phí nên căn cứ vào việc các trường ĐH có mời được những chuyên gia đầu ngành giảng dạy, có sự liên kết với nước ngoài, cơ sở vật chất có như quảng cáo hay không. Còn về đào tạo sư phạm thì mức tăng học phí chỉ nên ở mức vừa phải.

Khi tăng học phí chắc chắn sẽ tác động lớn đối với những sinh viên nghèo. Hiện nay, đối tượng này đã được hỗ Nhà nước tạo điều kiện bằng cách vay tiền ngân hàng để đóng học phí và sẽ trả nợ sau  khi tốt nghiệp, tìm kiếm được việc làm.

Để giải quyết bài toán gỡ khó học phí cho những sinh viên giỏi có hoàn cảnh khó khăn, các trường ĐH nên kết hợp với các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp đặt hàng đào tạo. Theo đó, những sinh viên giỏi sẽ được hỗ trợ học phí thông qua việc cấp học bổng, tìm kiếm cơ hội việc làm qua sự “đặt hàng” giữa trường ĐH và doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng lao động.

Việc tăng học phí phải được các trường thông báo công khai, minh bạch và có lộ trình để sinh viên cân nhắc, lựa chọn trường trước khi đăng ký xét tuyển ĐH xem có phù hợp với năng lực của bản thân, tài chính của gia đình không.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm kiểm soát việc tăng học phí của các trường ĐH công lập có đúng với chất lượng đào tạo của các trường hay không thông qua việc kiểm định, đánh giá hàng năm./.

 

Theo VOV

.