"Cuộc chiến" lạm thu bao giờ chấm dứt?!

Thứ Hai, 02/10/2017, 07:55 [GMT+7]

Năm học mới chưa đầy một tháng nhưng vấn nạn lạm thu lại tái diễn khiến nhiều phụ huynh bức xúc, thậm chí có những phản ứng tiêu cực

Tình trạng này lặp đi, lặp lại nhiều năm qua đã làm phai nhạt niềm tin của xã hội  vào ngành giáo dục...

Bộ cứ cấm, trường cứ thu!

Tình trạng thu các khoản sai quy định trong các nhà trường đang núp dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể được biến tướng thành các khoản thu xã hội hóa, thu tự nguyện hay dưới danh nghĩa hội phụ huynh… đã tồn tại nhiều năm nay.
 

1
Phụ huynh bức xúc tập trung phản đối lạm thu phí đầu năm học.


Ngày 18/9, sau khi Thanh tra Bộ GD-ĐT công bố các sai phạm của một số trường học về nhiều khoản thu không đúng quy định đầu năm, dư luận lại “nóng” lên vấn đề đã diễn ra từ nhiều năm nay mà không giải quyết được. Theo kết quả thanh tra, có 4 trường học vi phạm về các khoản thu đầu năm. Trong đó, có trường thu sai quy định một cách nghiêm trọng. Sau đó, liên tiếp nhiều vụ lạm thu tinh vi đã được khơi ra khiến cho cả xã hội giật mình và thậm chí nhiều phụ huynh đã có những phản ứng quyết liệt.

Đỉnh điểm của cuộc chiến lạm thu đó là, ngày 26/9, phụ huynh có con em học tại Trường mầm non Quảng Thái (Quảng Xương, Thanh Hóa) đồng loạt cho con nghỉ học, đồng thời yêu cầu hiệu trưởng nghỉ việc và giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS). Trường có 15 lớp với 470 học sinh, nhưng chỉ 180 em đi học. Theo nhiều phụ huynh, năm học 2017 - 2018, Trường mầm non Quảng Thái đưa ra 17 khoản thu. Tổng mức thu đối với học sinh cũ là hơn 3,1 triệu đồng, học sinh mới hơn 3,2 triệu đồng. Đáng nói, tình trạng trên không chỉ diễn ra trong năm học mới này. Trong khi đó, đời sống của nhân dân địa phương còn nhiều khó khăn, có gia đình nhiều con đi học, nên với mức thu như trên là quá sức.

Không chỉ ở các thành phố lớn mà nhiều địa phương khác, tình trạng thu sai quy định cũng xảy ra. Tại Trường tiểu học Đặng Cương (huyện An Dương, TP. Hải Phòng), theo kết quả thanh tra của Bộ GD-ĐT thì có đến 18 khoản thu dưới danh nghĩa thu tự nguyện và thu xã hội hóa. Với phép tính cộng sơ bộ, nếu như đối tượng học sinh phải đóng hết các khoản thì số tiền phải đóng góp lên đến gần 8 triệu đồng/học sinh.

Phải chống lạm thu từ gốc      

Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục vi phạm lạm thu là cần thiết, song cần phải tìm ra nguyên nhân và có những giải pháp căn cơ để ngăn chặn từ gốc vấn đề này. Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT lý giải: “Có một thực tế là hiện nay, cơ sở vật chất ở nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước xuống cấp. Ngân sách địa phương hạn hẹp dẫn đến kinh phí cho hoạt động thường xuyên bị thiếu hụt. Từ cái khó này, nhiều cơ sở giáo dục phải tìm nguồn kinh phí cũng là nguyên nhân xuất hiện các khoản thu chưa đúng với quy định. “Để tránh việc lạm thu từ gốc, trước hết nguồn kinh phí cho hoạt động thường xuyên của các trường học phải được cân đối và cấp đủ theo quy định…” - ông Khánh đề xuất.

Còn PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thì cho rằng, để tránh được lạm thu, cần minh bạch thu, chi; có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với trường học vi phạm việc lạm thu. Cùng với việc kiên quyết xử lý sai phạm trong thu, chi thì cần giải quyết tốt công tác tài chính cho ngành giáo dục, có các quy định cụ thể, chấn chỉnh lại hoạt động thu, chi sẽ là các giải pháp lâu dài để góp phần ngăn ngừa từ gốc tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm...

 Một trong những nguyên nhân chính nữa là, ở nhiều nơi người ta dùng ban đại diện CMHS như cánh tay nối dài của hiệu trưởng để thu hàng chục khoản tiền sai quy định. Chính vì thế thời gian vừa qua, trên diễn đàn mạng, báo chí đã dấy lên làn sóng đòi xóa bỏ Ban đại diện CMHS. Thậm chí có phụ huynh còn đề nghị Chính phủ xóa bỏ Ban đại diện CMHS.

Trước đề xuất này, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng, ban đại diện CMHS là rất cần thiết để kết nối nhà trường với gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh. Tuy nhiên, đúng là hiện nay có một số nơi ban đại diện CMHS hoạt động chưa đúng quy định tại điều lệ mà Bộ quy định, thu những khoản thu không đúng quy định. Đây là trách nhiệm của Ban đại diện CMHS và của hiệu trưởng. Bộ sẽ tăng cường kiểm tra để có chấn chỉnh. Bộ cũng đang xem xét, những vấn đề chưa thực sự phù hợp, có kẽ hở để nhà trường và Ban đại diện CMHS lợi dụng, làm những việc tiêu cực thì sẽ điều chỉnh lại./.

 

Theo VOV

.