Bỏ học đại học, chọn vào trường nghề

Thứ Bảy, 19/08/2017, 15:10 [GMT+7]

Tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp khiến nhiều em sau khi tốt nghiệp PTTH đã chọn con đường học nghề.
 
Tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường ngày càng tăng đã tác động đến cách nghĩ và chọn nghề của các em học sinh. Nhiều em sau khi tốt nghiệp PTTH đã chọn con đường học nghề. Một số em thi đỗ đại học hoặc đã tốt nghiệp Đại học cũng quay trở lại học nghề với mong muốn sớm có việc làm ổn định.

Làng chài nhỏ bé ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, người dân quanh năm lam lũ bám biển mưu sinh, bọn trẻ cũng theo ba mẹ đi biển. Vì thế, khi nghe tin Trần Tấn Bửu đỗ Đại học Huế ngành Phát triển nông thôn, bà con xóm chài ai cũng mừng.
 

1
Trần Tấn Bửu (người thứ 3 từ trái sang) trong giờ học thực hành tại phân xưởng cơ khí ô tô.


Bửu vui lắm nhưng cứ nghĩ đến cảnh cha mẹ vất vả nuôi 4 anh em ăn học, Bửu đành từ bỏ còn đường Đại học, chuyển sang học nghề. Sự lựa chọn này vừa  giảm gánh lo của cha mẹ, vừa dễ tìm được việc làm sau khi học nghề. Bửu tâm sự, mình là con trai cả nên có trách nhiệm phụ giúp cha mẹ chăm lo các em.

Đây cũng là lý do mà Trần Tấn Bửu đã thi đỗ đại học nhưng lại chọn học nghề cơ khí ô tô tại trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng: “Lúc đầu em đậu đại học, ba má em cũng muốn em học đại học nhưng em muốn đi học nghề, muốn nhanh có việc làm giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Vì thứ nhất, học nghề thời gian học nhanh hơn học đại học; Thứ hai là hiện đang thừa thầy thiếu thợ nên học nghề nhanh có việc làm hơn”.

Còn Nguyễn Văn Sanh, quê ở xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, với 20,5 điểm, có thể vào được nhiều trường Đại học nhưng em vẫn quyết định theo học khoa Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp tại trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng.

Sanh cho biết, nhà chỉ có 2 mẹ con, từ nhỏ em sống với ông bà ngoại để mẹ đi làm lấy tiền nuôi con ăn học. Nếu Sanh vào Đại học Kinh tế Huế, thời gian học và  học phí đều tăng gấp đôi so với học nghề, mẹ em sẽ thêm gánh nặng. Sang tâm sự, khi nhận giấy báo vào Đại học rất vui nhưng nghĩ đến cảnh ra trường không tìm được việc làm lại chọn con đường nghề.

Ông Hà Quang Minh, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết, ngày càng có nhiều công ty, xí nghiệp thành lập, thu hút một lượng lớn lao động có tay nghề, trong khi đó nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học lại thất nghiệp.

Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” kéo dài nhiều năm qua đã tác động đến việc chọn nghề của giới trẻ. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT thay vì học lên đại học đã chọn học nghề; thậm chí có những em đỗ đại học, kể cả đã học xong đại học cũng quay về học nghề. Nắm bắt được xu thế này, nhiều cơ sở đào tạo nghề đã có những hướng đi mới, xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu của doanh nghiệp, đào tạo sâu các kỹ năng thực tiễn.

Năm nay, trong khi nhiều trường cao đẳng, trung cấp, kể cả một số trường Đại học tuyển tuyển không đủ chỉ tiêu, một số trường Cao đẳng nghề vẫn tuyển sinh bình thường.

Ông Hà Quang Minh cho biết, đến thời điểm này, trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng có hơn 1.000 học sinh đến làm thủ tục nhập học, tăng 40% so với mùa tuyển sinh năm ngoái.

Ông Minh nói: “Trường đã tạo dựng được thương hiệu chất lượng trong đào tạo, đáp ứng được nguồn lực, nhu cầu của thị trường lao động. Học sinh của trường vừa học thực hành, vừa học lý thuyết tại trường, vừa học tích hợp tại trường và cũng vừa học, vừa thực hành tại doanh nghiệp, vì vậy, khi học sinh ra trường là vững vàng có thể làm việc được ngay tại doanh nghiệp. Trong quá trình học, doanh nghiệp đã đăng ký tuyển dụng”./.

 

Theo VOV

.