Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục, dạy học tại trường mầm non, tiểu học và THCS

Thứ Bảy, 15/07/2017, 16:58 [GMT+7]

Ứng dụng CNTT trong giảng dạy là giải pháp thiết thực và hữu ích của giáo viên trong thời đại công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần.

Ngày (14/7), Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì phối hợp với iSMART Education và Microsoft Việt Nam tổ chức Hội thảo "Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và dạy học tại các trường mầm non, tiểu học và THCS", dành cho các nhà quản lý giáo dục và giáo viên thuộc các trường đóng trên địa bàn. Hội thảo quy tụ hơn 200 hiệu trưởng; các cấp quản lý và giáo viên mầm non và tiểu học.

Trọng tâm của hội thảo là hoạt động tập huấn kiến thức về giáo dục thế kỷ 21, kỹ năng ứng dụng công nghệ giáo dục vào hoạt động dạy và học bằng "bài giảng số" và bộ công cụ Office 365. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lê, Trưởng Phòng giáo dục huyện Thanh Trì nhấn mạnh quyết tâm của huyện trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, tăng cường tính chủ động và tương tác của học sinh trong hoạt động dạy học. Đây cũng là sự kiện mở đầu, nằm trong chuỗi các hoạt động mà huyện triển khai trong thời gian sắp tới.
 

1

Hội thảo "Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và dạy học tại các trường mầm non, tiểu học và THCS" diễn ra tại huyện Thanh Trì, Hà Nội


Ông Kiều Huy Hòa, Giám đốc iSMART Education Hà Nội chia sẻ: "Với đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0, việc đào tạo mô phỏng và số hóa bài giảng là xu hướng giáo dục nổi bật trong tương lai".

Bằng những trải nghiệm thực tế, lớp học iSMART giải mã được nhiều bài toán khó trong phương pháp giảng dạy truyền thống ở Việt Nam, đem lại các lợi thế như: nguồn tài nguyên lớn theo quy chuẩn quốc tế, phần mềm phát âm chuẩn xác cải thiện trình độ sư phạm của giáo viên, dễ dàng điều chỉnh theo nhu cầu từng vùng miền, địa phương…

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ khi bước vào cuộc đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), sự phát triển của công nghệ, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với đội ngũ giáo viên và các nhà quản lý giáo dục.

Có một thực tế khó khăn rằng: Học sinh Việt Nam với kiến thức & kỹ năng được dạy trong nhà trường hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế 3.0 hiện tại, có thể hoàn toàn không hữu dụng với nền kinh tế 4.0 hoặc đang dễ dàng bị robot thay thế. Mô hình lớp học truyền thống với phấn trắng, bảng đen, học thụ động, nghe giảng bài trên lớp và về nhà làm bài tập… đã bộc lộ nhiều hạn chế trong thời đại công nghệ số ngày hôm nay.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Anh Huy, Quản lý chương trình giáo dục Microsoft Việt Nam khẳng định: "Chuyển đổi trong giáo dục đang hướng dần về cá nhân hóa việc học tập. Chúng ta đang là một phần của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Chúng ta chuyển đổi kỹ thuật số thành một phương pháp hay nhất và giáo viên chính là chìa khóa ứng dụng hiệu quả CNTT trong lớp học".

Tuy nhiên, công nghệ thông tin không phải là chìa khóa vạn năng cho mọi thứ. Nhiều quốc gia lấy công nghệ thông tin làm cơ sở để thay đổi giáo dục nhưng việc này là chưa phù hợp. Bởi lẽ, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và học tập thì vấn đề mấu chốt ở đây là phải thay đổi phương pháp giảng dạy, đồng thời xác định học sinh học gì, cần dữ liệu học tập như thế nào mới nhìn ra được thấy các em cần hỗ trợ công nghệ ra sao.

Không thể phủ nhận, những ứng dụng CNTT trong giảng dạy là giải pháp thiết thực và hữu ích của giáo viên trong thời đại công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần. Để học sinh thật sự đóng vai trò trung tâm trong lớp học, giáo viên cần nỗ lực học tập và rèn luyện những kỹ năng và phương pháp ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Với mục đích hoàn toàn phi lợi nhuận, các nhà tổ chức hy vọng hội thảo sẽ mang lại những thay đổi tích cực trong thực trạng dạy và học tại Việt Nam.

 

Theo VTV

.