Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.

Thứ Hai, 21/11/2016, 14:05 [GMT+7]

Điện Biên TV - Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo là nét đẹp văn hoá ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức vào ngày 20 tháng 11 hằng năm, không chỉ là dịp để Ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, là dịp để xã hội tôn kính, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học - “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.

Người thầy, mọi thời đại đều xác định nghề của mình là một nghề cao quý, thiêng liêng, luôn coi đối tượng lao động của mình là nhân cách, tâm hồn, thể chất con người nói chung và của thế hệ trẻ nói riêng. Phương pháp hoạt động của nhà giáo là nêu gương, cảm hoá học sinh,  bằng nhân cách, tư tưởng, tình cảm và vốn tri thức hiểu biết của mình… để tạo ra “sản phẩm”. Sản phẩm của nghề dạy học là đào luyện con người có ý thức, biết vận dụng tri thức kỹ năng vào cuộc sống. Đó là con người có lòng yêu nước, yêu Tổ quốc Việt Nam, luôn độc lập, tự chủ và sáng tạo. Con người theo đúng nghĩa - “có tâm, có tầm và có tài. Vì vậy trước hết nhà giáo phải là tấm gương sáng, cùng với đó là tinh thần lao động cẩn trọng, khoa học, sáng tạo và nghiêm túc.

1
Đồng chí Trần Văn Sơn UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ( Người thứ nhất từ phải qua trái), thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Điện Biên ngày 15/7/2016

 

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã lưu danh những bậc thầy “đức cao vọng trọng” - sáng ngời về cốt cách thanh cao; không bị cám dỗ bởi tiền tài và danh vọng. Các thầy: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn  Siêu, Nguyễn Thiếp, Lê Đình Diên, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Sinh Sắc.. là những tấm gương tiêu biểu ngời sáng về nhân cách  của người thầy mẫu mực. Lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam - Nguyễn Ái Quốc đã từng dạy học ở trường Dục Thanh - Phan Thiết với tên gọi kính yêu:Thầy giáo Nguyễn Tất Thành.   

Tiếp tục con đường người thầy đã chọn, những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Trường Chinh… trước khi trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc của đất nước đã từng làm nghề dạy học. Các nhà giáo Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Ngọc Ký, Nguyễn Văn Bôn… và biết bao tấm gương người thầy đã trở thành biểu tượng, rung động triệu triệu trái tim, khối óc các thế hệ học sinh, sinh viên trong và ngoài nước. Họ đã cống hiến hết mình không chỉ cho sự nghiệp giáo dục mà còn cống hiến suốt cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng.

Trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, lớp lớp thầy giáo trẻ, theo tiếng gọi của thiêng liêng của Tổ quốc đã xung phong ra trận. Cùng các thế hệ cha, anh viết nên bản hùng ca vẻ vang của dân tộc. 41 năm (1975 - 2016) sau thống nhất đất nước, vượt lên bao khó khăn, hình ảnh các thầy giáo, cô giáo vẫn hiện lên ngời sáng. Kiên trì, miệt mài "thắp lửa, truyền lửa", với nghĩa cử cao đẹp “tất cả vì học sinh thân yêu”. Nhiều thầy, cô giáo từ bỏ cuộc sống đầy đủ vật chất chốn “đô thị ”, chẳng quản ngại gian khổ, nắng mưa; tình nguyện “cõng chữ" lên vùng cao, vùng sâu, biên giới; đem con chữ "ươm trồng" nơi đảo xa... Biết bao thế hệ nhà giáo đã cống hiến, gắn bó tuổi thanh xuân của mình nơi biên giới, hải đảo. Sự hy sinh thầm lặng của họ thật cao cả, mến yêu, khâm phục  và trân trọng biết bao.

Cả nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH; Đảng, Nhà nước, và dân tộc coi trong giáo dục là “Quốc sách hàng đầu”. Thực hiện Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về "Đổi mới căn bản. toàn diện giáo dục", đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người, đầu tư cho sự phát triển. Bởi vậy  sứ mệnh của nhà giáo hôm nay là tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đảm bảo sự phát nhanh và bền vững của đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển.

Vinh dự, tự hào, khát khao cống hiến bởi “Nghề dạy học là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Chúng ta tri ân và chờ mong, đón đợi những thành tích vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp vinh quang "Trồng người"./.

                                       

Đỗ Quang Khải.
 

.