Chuyện về những người giáo viên tận tâm với nghề

Thứ Năm, 26/11/2015, 15:23 [GMT+7]

Điện Biên TV -  Quảng Lâm là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mường Nhé, trình độ dân trí không đồng đều; đa phần các em học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh còn nghèo, thiếu thốn.  Học sinh ở xa trường không thể đi học và trở về trong ngày đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động học sinh đi học và nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Từ khi triển khai mô hình trường PTBT, bên cạnh nhiệm vụ đứng trên bục giảng, đội ngũ giáo viên ở đây còn được coi là những người cha, người mẹ trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của các em.

Gần 2 năm qua, kể từ khi thực hiện mô hình Trường PTDTBT, hàng ngày thời gian để giành riêng cho gia đình và chồng, con của cô giáo Cà Thị Tuyết và đa số các giáo viên ở Trường PTDTBT THCS Quảng Lâm chỉ có thể tính được trên đầu ngón tay. Ngoài thời gian trực tiếp giảng, dạy trên lớp, phần lớn thời gian trong ngày của giáo viên ở đây là gắn bó với các em học sinh. Mặc dù chế độ, chính sách chi trả cho công việc ngoài giờ của các thầy, các cô ở đây hầu như không có nhưng không phải vì thế mà lòng nhiệt huyết đối với công việc của họ vơi đi.

s
Ngoài giờ học chính trên lớp các thầy cô Trường PTDTBT THCS Quảng Lâm tận dụng thời gian rảnh rỗi truyền đạt kiến thức cho các em để các em hiểu được nội dung bài học trên lớp từ đó đạt nhiều thành tích cao trong học tập

 

Cô giáo Cà Thị Tuyết, Giáo viên Trường PTDT Bán trú - THCS Quảng Lâm cho biết: Đa số học sinh nhà trường đều là con em người dân tộc, vốn ngôn ngữ của các em rất ít nên vấn đề truyền đạt kiến thức cho các em ở trên lớp rất khó khăn. Để đảm bảo các em tiếp thu nhiều kiến thức thầy cô trong Nhà trường ngoài giờ nên lớp bản thân tôi và các thầy cô giáo nhà trường thường xuyên phụ đạo cho các em học sinh vào các buổi chiều để các em hiểu rõ vấn đề và nội dung bài học .

Năm học 2015-2016, trường Trường PTDT Bán trú - THCS Quảng Lâm có 240/320 em thuộc diện được học tập và sinh hoạt tại trường. Ngoài thời gian học tập, thầy trò nhà trường đã cùng nhau chia sẻ các kỹ năng sống; hướng dẫn các em làm quen với cuộc sống sinh hoạt mới; dành thời gian tăng gia sản xuất rau, tuy chưa được đầy đủ, nhưng có thể nói bữa ăn của các học sinh nơi đây đã được cải thiện khá nhiều so những năm trước. Bên cạnh đó, được ở lại học tập và sinh hoạt tại trường đã tạo điều kiện cho các em được tham gia đầy đủ các buổi học, các giáo viên cũng có thể thường xuyên kiểm tra việc học tập, qua đó nắm được sức học của từng em và có điều kiện giúp các em tự tin trong giao tiếp, tiếp nhận và giao thoa những nền văn hóa của các dân tộc khác nhau. Nhờ có mô hình này mà tình trạng học sinh bỏ học và đi học muộn của trường giảm đáng kể, thu hút, vận động được học sinh đã nghỉ học quay trở lại trường lớp.

s
Ngoài học tập thầy cô giáo nhà trường còn cùng các em học sinh tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn hàng ngày

 

 Có thể nói Mô hình bán trú là một mô hình rất khoa học và hiệu quả, cái được lớn nhất đối với mô hình bán trú tại Trường PTDT Bán trú- THCS Quảng Lâm thời gian qua là tình trạng học sinh bỏ học giảm rõ rệt, tỷ lệ chuyên cần được duy trì, chất lượng giáo dục được cải thiện đáng kể.

Thầy giáo Trần Hoàng, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú - THCS Quảng Lâm cho hay:  Trường đã phân công nhiệm vụ đến từng thầy cô giáo chuẩn bị đầy đủ điều kiện tốt nhất cho các em trong công tác học tập và lao động. Phân công các thầy cô giáo thường xuyên xuống trực tiếp nơi ở bán trú của các em để hướng  dẫn cho các em từ ăn ở, đến học tập.

Bằng những việc làm bình dị, chứa đựng những tình cảm mộc mạc, chân thành của những người thầy, người cô đã không quản ngại gian khó mang cái chữ đến với các học trò vùng miền núi, biên giới Quảng Lâm, góp phần đưa công tác giáo dục nơi đây ngày càng khởi sắc./.

 



                                                                     Phạm Hải - Tiến Thành

.