Vất vả trên núi cao

Thứ Ba, 29/09/2015, 16:55 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cùng là giáo viên cắm bản nhưng họ đến với bản làng Điện Biên từ những miền quê khác nhau là: Nam Định, Thái Bình. Vượt lên bao khó khăn thường nhật, gian khó bởi sự hẻo lánh, xa xôi chính lòng nhiệt huyết và khát khao cống hiến, chia sẻ với học trò vùng cao là điều đã “níu” họ ở lại. Để mỗi ngày, lớp học vùng cao đầy ắp những tiếng cười, niềm vui...  

Nói về những khó khăn của giáo viên cắm bản, cô giáo Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phì Nhừ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, là người tường tận nhất trong số những giáo viên cắm bản ở mảnh đất bộn bề gian khó này. Năm nay là năm thứ 15 cô Yến công tác trong ngành giáo dục, thì có tới 10 năm tròn là cô giáo cắm bản. Tiếp chúng tôi trong căn phòng chưa đầy 20m2 vừa là phòng làm việc, phòng ở song dường như cô chẳng mấy bận tâm về cái sự chật chội, thiếu thốn trong không gian chật chội này. Bởi với cô và rất nhiều cô giáo khác ở nơi đây đã coi trường là nhà, học sinh là các con ngay từ ngày quyết định ở lại. Cô Yến tâm sự: "10 năm nay mình có rất ít thời gian ở gần chăm sóc cho chồng, con vì chỉ cuối tuần “mới xuống núi” thăm nhà. Đấy là lúc trời không mưa đường sá đi lại thuận tiện, chứ mưa gió thì ở lại cả tháng là chuyện thường. Lắm khi nghĩ thương con trẻ ở nhà mà chẳng biết làm thế nào, cái nghề nó gắn với mình rồi. Những lúc nhớ các con quá chỉ biết gọi điện trò chuyện để nguôi ngoai nỗi nhớ mà thôi. Ông xã mình cùng nghề nên cũng hiểu và chia sẻ với vợ rất nhiều. 10 năm nay anh ấy thay mình chăm sóc các con. Cũng may, các cháu nhà mình đều khỏe mạnh, chăm ngoan và học giỏi”. Nghe lời tâm sự của cô giáo Yến chúng tôi rất muốn hỏi thêm chị về anh nhà và các cháu nhỏ, nhưng nhìn ánh mắt chị đượm buồn nên lại thôi. Vì tôi sợ, hỏi thêm làm chị thêm buồn.

c
Đời sống giáo viên cắm bản còn nhiều khó khăn. Trong ảnh: Cô giáo Khương Thị Hoa, Trường Mầm non Phì Nhừ, đi lấy nước để phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho cô và trò.

 

Như để giấu một nỗi nhớ không gọi thành tên đang rõ dần trong câu chuyện của mình, cô giáo Yến chủ động đứng dậy đưa chúng tôi đến thăm lớp mẫu giáo tại điểm bản Phì Nhừ B. Hình ảnh đầu tiên ngay trước mắt chúng tôi là sự thiếu thốn nhiều bề: lớp học tuềnh toàng, sân chơi của trẻ là nền đất rộng chưa đầy 30m2 có một con ngựa gỗ, một cầu bập bênh bằng gỗ gồ ghề, thô kệch chắc do một phụ huynh tận tình nào đó đã tự tay làm tặng các cháu ở nơi đây. Thấy chúng tôi, cô giáo cắm bản Trần Thị Hồng Tuyết, đã chủ động bước tới. Cô giáo Tuyết cho biết, 100% học sinh ở đây là con em đồng bào dân tộc Mông, gia đình các em còn nhiều khó khăn nên phụ huynh ít quan tâm đến việc học hành của con cái. Vì vậy mà các cô phải đến từng gia đình động viên phụ huynh cho con em đi học. Việc làm này đã quen song thật không dễ dàng. Nhiều em nhà cách lớp từ 5 - 6km đường đất, vậy mà sáng nào các cô cũng phải đến tận nhà đón các em, bởi không thì lớp lại trống những chỗ ngồi. Học sinh ở đây thiếu thốn đủ thứ từ đồ dùng học tập, đồ chơi, đến quần áo. Khổ nhất là mùa đông trời lạnh buốt da, buốt thịt mà các em tới lớp với một tấm áo mỏng trên đôi chân trần. Để giúp các em vơi bớt khó khăn, cuối tuần về nhà các cô giáo thường bảo nhau đi xin thêm quần áo, đồ dùng học tập cho các em ở nơi này. Còn thực phẩm thì các cô phải dự trữ cả tuần để đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng cho học sinh.

Có tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất ở điểm trường Phì Nhừ, cũng như vượt qua những con đường núi hiểm trở để lên được điểm trường mới thấy thật sự khâm phục các thầy, cô giáo cắm bản. Nếu không tận tâm với nghề, chẳng thể nào các cô vượt qua vất vả trên núi cao./.

 

Tuấn Anh

Báo Điện Biên Phủ

 

.