Sau một kỳ học thực hiện Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ Ba, 13/01/2015, 18:26 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ ngày 15/10/2014, Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thay đổi cách đánh giá học sinh bậc tiểu học từ cho điểm sang nhận xét đã chính thức có hiệu lực. Sau một học kỳ thực hiện Thông tư, cán bộ, giáo viên ở các trường tiểu học trong tỉnh đã quán triệt thực hiện. Qua đó, thống nhất cách vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế ở từng trường về đánh giá học sinh tiểu học theo nội dung, hình thức mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn.

Sau một học kỳ thực hiện, đa số các giáo viên đều nhận thấy ưu điểm của việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30 là đối với những em có học lực yếu hơn so với các bạn trong lớp không phải chịu áp lực, tự ti vì thua sút bạn bè, ngược lại các em được khích lệ và động viên rất nhiều. Từ đó, giúp các em có hướng phấn đấu, vươn lên trong học tập. Đánh giá bằng nhận xét sẽ không gây áp lực cho học sinh và cho cả giáo viên. Khi nhận xét, đánh giá, giáo viên đặc biệt quan tâm động viên, khích lệ, biểu dương kịp thời đối với từng thành tích của các em. Qua đó, giúp tất cả cùng tiến bộ, nhất là những học sinh yếu sẽ tự tin và phấn đấu nhiều hơn. Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Việc đánh giá theo Thông tư 30 sẽ làm thay đổi đánh giá từ định lượng cho điểm thay vào đó là giáo viên nhận xét học sinh qua bài kiểm tra, qua quá trình học tập. Từ đó, nhận xét học sinh theo từng mức độ khác nhau trên cơ sở đánh giá phát triển năng lực học sinh là chính. Việc làm này đã không tạo áp lực về điểm số cho học sinh và phụ huynh; làm cho giáo viên phải chú trọng hơn đến việc quan sát, đánh giá học sinh học tập trên lớp trên cơ sở năng lực theo yêu cầu của môn học, lớp học cần đạt được."

 

c
Việc thực hiện Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm cho giáo viên phải chú trọng hơn đến việc quan sát, đánh giá học sinh học tập trên lớp

 

Với giáo viên ở các trường lớp dạy theo chương trình dạy học mới VNEN thì việc thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 có phần thuận lợi, dễ dàng hơn vì đã được tiếp cận trước với cách làm này. Trường Tiểu học Hua Nguống xã Ảng Cang, huyện Mường Ảng khi thực hiện dạy học theo mô hình này, nhà trường đã áp dụng cách đánh giá học sinh theo hướng đổi mới. Vì vậy, giáo viên ở đây không còn bỡ ngỡ khi thực hiện việc đánh giá học sinh, bởi đã quen với cách đánh giá bằng nhận xét thay cho đánh giá bằng điểm số và thấy được nhiều mặt tích cực của nó. Cô giáo Đặng Thị Liên, Trường Tiểu học Hua Nguống xã Ảng Cang chia sẻ: "Qua đánh giá bằng nhận xét thì giáo viên cũng chỉ rõ cho học sinh thấy được những mặt mà các em làm tốt và rút ra những mặt còn hạn chế, khó khăn để từ đó chỉ ra những biện pháp giúp học sinh tiến bộ."

Bên cạnh những nhìn nhận, đánh giá ưu điểm khi thực hiện Thông tư số 30, thì giáo viên bậc tiểu học cũng cho rằng việc thực hiện nội dung này cũng còn rất nhiều bất cập. Bước đầu thực hiện, giáo viên không khỏi lúng túng khi phải chọn câu từ, lời lẽ để nhận xét cho thật sâu sát, phù hợp với học lực từng em. Đồng thời, giáo viên phải điều chỉnh phương pháp dạy học và hình thức tổ chức học tập để thấy được sự tiến bộ của học sinh. Việc thay đổi cách đánh giá học sinh chiếm rất nhiều thời gian của giáo viên nhưng với chương trình giáo dục bậc tiểu học như hiện nay còn rất nặng. Vì vậy, giáo viên đã gặp không ít áp lực về thời gian. Hàng ngày, hàng tháng phải nhận xét một lượng lớn học sinh sẽ dẫn đến tình trạng giáo viên lặp lại những câu nhận xét, đánh giá chung chung.

Đối với các trường ở các xã vùng cao, cái khó khi thực hiện cách đánh giá mới là việc phối hợp giữa học sinh và thầy, cô khó hơn. Đối với  Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tủa Thàng số 1 xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa, học sinh của trường gần 100% là dân tộc Mông. Chính vì vậy, nhiều khi phụ huynh rất khó để tham gia đánh giá cùng giáo viên vì cha mẹ ở xa, trình độ có hạn. Cô giáo Đỗ Thị Hằng, Trường PTDTBT Tiểu học Tủa Thàng số 1 cho biết: "Cái khó nhất khi nhận xét học sinh thay cho chấm điểm là việc nhận xét làm sao cho học sinh thấy được lời nhận xét đó ở mức điểm bao nhiêu để các em cố gắng. Bởi vì, ở những trường vùng cao như thế này, nhiều học sinh đọc, nói tiếng phổ thông còn chưa thạo, cùng với nhiều phụ huynh còn không biết tiếng phổ thông. Chính vì thế, các em và cha mẹ không hiểu rõ được lời nhận xét của thầy, cô."

Thay đổi cách đánh giá học sinh bậc tiểu học theo Thông tư 30 nhằm chú trọng việc khuyến khích, động viên tính tích cực trong học tập của học sinh, giúp các em phát huy khả năng, thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất. Tuy sẽ giảm được áp lực về điểm số nhưng để thực hiện hiệu quả thì giáo viên cần thể hiện cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, bản thân các em phải không ngừng cố gắng nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra./.

 

Tuấn Trung
 

.