Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi huyện Điện Biên Đông: Những ghi nhận ban đầu

Thứ Năm, 23/10/2014, 09:56 [GMT+7]

Điện Biên TV - Giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, biên giới… nhất là bậc học mầm non luôn gặp nhiều khó khăn về tỷ lệ huy động trẻ, chất lượng dạy, nuôi dưỡng trẻ, cơ sở vật chất. Từ năm 2010, thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi như  “luồng gió” tạo động lực, đòn bẩy cho giáo dục mầm non vùng đặc biệt khó khăn khởi sắc.

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi về sự nghiệp giáo dục ở địa phương, ông Cù Huy Hoàn, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Điện Biên Đông đề cập khá nhiều về nội dung triển khai, thực hiện và hoàn thành công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi (giai đoạn 2010 – 2015). Như nội dung ông Hoàn trao đổi thì khi bắt tay thực hiện đề án, nhìn vào thực trạng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tỷ lệ huy động trẻ… của các trường mầm non trên địa bàn huyện, ai cũng lo lắng. Nhưng rồi nhờ sự cố gắng, chung sức của các cấp chính quyền, thầy cô giáo, phụ huynh học sinh thì mục tiêu đề ra đã hoàn thành… trên cả niềm mong đợi. Ông Hoàn tiếp tục câu chuyện: Khi bắt tay vào thực hiện phổ cập GDMN, các trường mầm non đều thiếu quỹ đất, phòng học và trên 80% phòng tạm, đồ dùng, đồ chơi của các cháu gần như chưa có, nhiều trường không đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, sỹ số không ổn định… Nhưng chỉ sau 3 năm triển khai GDMN của huyện được công nhận đạt chuẩn. Nhiều vấn đề tưởng chừng bế tắc đã được tháo gỡ; phổ cập GDMN đã về đích trước 2 năm.

c
Có được sân chơi, các cháu Trường Mầm non Pá Vạt thường xuyên được hoạt động ngoài trời

 

Cô Dương Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Pá Vạt, xã Mường Luân đón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ, nói như khoe: Bây giờ chúng tôi hết chuyện như đã kể cho nhà báo rồi! Chuyện hay, chuyện lạ như cô Hạnh nhắc khiến chúng tôi nhớ lại lần về thăm trường cách đây đã 3 năm. Ngày ấy, có cô giáo đã khóc khi kể lại khó khăn của mỗi lần đi vận động học sinh ra lớp. Nhất là khi nghe phụ huynh nói xẵng: Đi vận động nhiều thế, các cô không thấy xấu hổ à? Hay như việc phụ huynh yêu cầu các thầy cô phải cho con mình ăn uống đầy đủ mới cho ra lớp, con đi học hàng ngày phải được tiền…

Bây giờ thì ngược lại, phụ huynh đến xin cho con đi học, chỉ sợ con mình phải ở nhà. Biên chế giáo viên thiếu không đủ mở lớp 3 tuổi trường đành phải nhận các cháu vào học xen với lớp 4 – 5 tuổi. Tuy có khó khăn nhưng giáo viên tìm mọi cách khắc phục. Cô Hạnh cho biết thêm: Thực hiện phổ cập GDMN, các cháu học sinh được chăm sóc tốt hơn nên làm thay đổi nhận thức của phụ huynh. Nhà trường, giáo viên dù phải gánh thêm việc chăm lo cho các cháu nhưng mọi người động viên nhau vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2010, thực hiện phổ cập GDMN, trường có 13 phòng học thì 11 phòng học tạm, các điểm bản không có nhà vệ sinh và đồ chơi tập thể cho các cháu. Nhiều điểm bản xa trường từ 10 – 13km cũng chỉ có 1 cô giáo nên việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh rất vất vả. Với sự quyết tâm, đồng thuận của nhà trường, cấp ủy Đảng, chính quyền xã trách nhiệm, quan tâm vận động các bản, phụ huynh đóng góp ngày công, vật liệu, hiến đất và tạo điều kiện giúp đỡ của Phòng Giáo dục – Đào tạo nên chỉ sau 1 năm, trường đã xóa được 100% nhà tạm. Sau khi có phòng học “3 cứng”, trường triển khai thực hiện ăn bán trú cho học sinh, tiếp tục hoàn thiện các công trình phụ trợ và làm đồ chơi cho các cháu. Bước đầu thực hiện ở nhiều các bản xa như: Na Hát, Na Sản… giáo viên phải khắc phục bằng cách nấu nhờ nhà trưởng bản, hàng tuần ra trung tâm mang thực phẩm vào cho các cháu và vận động bản dựng nhà bếp, vệ sinh, làm vườn rau… nên đến nay, Trường Mầm non Pá Vạt đảm bảo chuẩn về cơ sở vật chất. Trường tổ chức ăn bán trú cho các cháu ở tất cả các điểm bản, điểm trường. 3 năm học qua, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi của trường luôn đạt 100%, trẻ 3 – 4 tuổi đạt 98,8%, chất lượng chăm sóc, giáo dục hàng năm đều tăng từ 3 – 5%.

Chúng tôi lên thăm điểm trường mầm non bản Na Sản, mới thấy được khó khăn, thử thách mà cô Đỗ Thị Nghĩa đã vượt lên bám trụ nơi đây. Theo quy định, lớp học chỉ từ 20 – 25 học sinh ăn bán trú, biên chế 2 giáo viên nhưng cô Nghĩa phụ trách lớp 31 cháu, kiêm luôn cả việc nấu ăn cho các cháu hàng ngày. Vất vả nhiều vì vừa dạy học vừa chăm lo bữa ăn cho 31 cháu, nên hàng ngày cô Nghĩa phải dậy từ 5 giờ sáng song cô Nghĩa không hề than thở, phàn nàn bởi niềm vui của cô là mỗi ngày được gặp các cháu đông đủ.

Khi chúng tôi trở ra huyện, qua Trường Mầm non Phì Nhừ, gặp từng tốp cô giáo đang chở từng can nước. Hỏi ra được biết, các cô lấy nước về nấu bữa ăn trưa cho các cháu, bởi trường chưa có đường dẫn nước sinh hoạt, muốn có nước dùng phải đi lấy cách đó 3km. Trường Mầm non Phì Nhừ còn nhiều khó khăn hơn Trường Mầm non Pá Vạt vì có nhiều điểm bản xa trung tâm 16 – 20km, điểm bản 100% phòng học tạm nhưng khi bắt tay vào thực hiện phổ cập GDMN, thầy cô và phụ huynh đã cùng  góp sức xây dựng cơ sở vật chất, làm đồ dùng dạy học cho các cháu. Nhận thức của phụ huynh về việc học của con em đã thay đổi. Trước đây, trên 50% các em đến lớp không có giấy khai sinh, các cô phải đi làm thay, gia đình không hề quan tâm nhưng nay 100% trẻ đều được gia đình làm giấy khai sinh để các em được nhận vào lớp.

Phổ cập GDMN thực sự tạo chuyển biến mạnh mẽ giáo dục ở vùng khó huyện Điện Biên Đông, tiền đề cho các bậc học khác phát triển. Để phổ cập trở thành đòn bẩy mạnh mẽ hơn nữa, còn đó trăn trở cần được tháo gỡ: Biên chế giáo viên còn thiếu nên phải kiêm nhiệm, làm việc quá sức (8 – 11 tiếng/ngày), nhiều trường còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nước sinh hoạt, nhà công vụ…

 

Kiên Cường
 

.