Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 6 năm 2019

Nên quy định rõ mức chi phí hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thứ Sáu, 07/06/2019, 18:49 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đó là ý kiến của nhiều Ủy viên UBND tỉnh vào Tờ trình thông qua Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2019 - 2023 tại ngày làm việc thứ hai, phiên thường kỳ tháng 6 (lần 1) năm 2019 diễn ra vào ngày 7/6.  

Theo đó, đến thời điểm hiện nay, tỉnh Điện Biên có 1.268 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 21.393 tỷ đồng; 18.173 hộ kinh doanh với tổng vốn đăng ký 2.421 tỷ đồng; 195 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động. Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình hoạt động đã thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về lao động, việc làm, các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thực hiện các quy định về báo cáo tình hình sử dụng lao động, việc tăng giảm lao động, các chính sách đối với người lao động. Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra đình công, tranh chấp lao động. Đa số các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về chế độ tiền lương, tiền thưởng.

c
Đồng chí Lê Thành Đô, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham gia ý kiến

 

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Đa số doanh nghiệp quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp yếu về năng lực tài chính, thiếu lao động kỹ thuật và thợ bậc cao, năng lực quản lý điều hành còn hạn chế dẫn đến sức cạnh tranh yếu, bị động trước sự biến động của thị trường...

Đề án xác định 4 nội dung hỗ trợ cụ thể: Đối tượng hỗ trợ là tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập, hoạt động tại địa bàn tỉnh Điện Biên; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Tham gia thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng nên quy định rõ mức chi phí hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; dự ước cụ thể mức hỗ trợ ngân sách Trung ương và địa phương…

Kết luận nội dung này, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất cao với tờ trình; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của Đề án nhằm hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp nhỏ và vừa; đây còn là triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đồng chí lưu ý, cơ quan soạn thảo nên xem xét vấn đề miễn giảm thuê đất theo quy định và đánh giá kỹ hơn về mức thu nhập của doanh nghiệp.  

Cũng trong ngày hôm nay, các Ủy viên UBND tỉnh cũng xem xét, đánh giá, thảo luận vào Tờ trình thông qua Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương tỉnh; đa số Ủy viên UBND tỉnh cho rằng: Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương của tỉnh (DDCI) nhằm mục đích đánh giá năng lực của chính quyền các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các sở, ban, ngành trên khía cạnh điều hành kinh tế, từ đó tạo động lực cải thiện chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Kết quả đạt được từ Chỉ số DDCI sẽ là một giải pháp mang tính hiệu quả và đồng bộ để cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của toàn tỉnh, giúp Điện Biên bứt phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư trong những năm tiếp theo. Vì vậy, theo một số đại biểu nên xác định rõ đối tượng gồm 20 đơn vị sở, ngành và 10 địa phương; đồng thời phải có biểu chi tiết đánh giá điểm, trong đó nâng điểm về tính năng động của người đứng đầu. Cũng có đại biểu kiến nghị nên giao biểu đánh giá cho Mặt trận Tổ quốc.

D
Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận phiên họp

 

Tham gia vào Tờ trình đề nghị ban hành Quy định mức quà tặng người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. Đối tượng áp dụng là người cao tuổi thọ 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 và trên 100 tuổi trên địa bàn tỉnh. Tờ trình ra đời với quan điểm đảm bảo chăm sóc, động viên, khuyến khích người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích, phát huy vai trò người cao tuổi tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, đồng thời thực hiện đúng và đủ chính sách chúc thọ, mừng thọ đối với người cao tuổi trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư số 96/2018/TT-BTC ngày 18 tháng 10 năm 2018 của Bộ Tài chính và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh Điện Biên.

Kết luận phiên họp, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện 2 Tờ trình trên.

Đối với 3 Tờ trình về việc bãi bỏ toàn bộ 04 Nghị quyết quy phạm pháp luật do HĐND tỉnh ban hành; bãi bỏ toàn bộ 11 Quyết định quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành và Tờ trình đề nghị ban hành Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh; đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ủy viên UBND tỉnh tham gia ý kiến bằng văn bản. Cơ quan soạn thảo hoàn thiện tờ trình trước ngày 14/6/2019 để trình UBND tỉnh xem xét. Các tờ trình còn lại, đồng chí đề nghị Sở Xây dựng và Sở Nội vụ tiếp tục hoàn thiện để trình phiên họp tới./.

 

Diệp Xuân/DIENBIENTV.VN
 

.