Tỉnh Điện Biên cần quan tâm đặc biệt tới đời sống của đồng bào các dân tộc

Thứ Tư, 10/04/2019, 16:39 [GMT+7]
Điện Biên TV - "Tỉnh Điện Biên cần quan tâm đặc biệt tới đời sống của đồng bào các dân tộc nhất là đồng bào còn đặc biệt khó khăn" đây là phát biểu của đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương tại buổi làm việc với  Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên về 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Ban Bí thư khóa VII về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông".
 
s
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra phát biểu tại buổi làm việc với BTV Tỉnh ủy Điện Biên.

 

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên về 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Ban Bí thư khóa VII về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: "Tỉnh Điện Biên cần quan tâm đặc biệt tới đời sống của đồng bào các dân tộc nhất là đồng bào còn đặc biệt khó khăn; tiếp tục giải quyết tiềm ẩn an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn; tăng cường quản lý hoạt động của nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, trái pháp luật, không phù hợp. Trên cơ sở đó Điện Biên cần phát huy tốt vai trò của người có uy tín tại thôn bản. Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị tỉnh Điện Biên, để nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn"

Theo đó, Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24, 25 năm thực hiện Chỉ thị 45 gắn với Kết luận số 64-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông, tình hình kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, GRDP bình quân của tỉnh liên tục tăng, từ 11,431 triệu đồng/người/năm (2010) lên 27,31 triệu đồng/người/năm (2018); số hộ nghèo giảm dần: năm 2018 tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 51.188 hộ, tương đương 41,01% (giảm 3,83% so với năm 2017), trong đó, số hộ nghèo dân tộc Mông là 28.105 hộ. Trong số 7.005 hộ sản xuất kinh doanh giỏi toàn tỉnh, đồng bào dân tộc Mông chiếm 30%.

Ngoài ra, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kết cấu hạ tầng của tỉnh được cải thiện, hệ thống giao thông, công trình thủy lợi, điện nước, các điểm bưu điện, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư xây dựng. Công tác giáo dục - đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc Mông được quan tâm, mạng lưới trường, lớp học được mở rộng; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên.

Hiện nay, 100% trẻ dân tộc Mông cấp mầm non ra lớp được tăng cường chuẩn bị tiếng Việt theo quy định. Công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện đầy đủ hơn. Việc bố trí đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ đời sống theo các chương trình, dự án của chính phủ được triển khai, thực hiện có hiệu quả.

Cùng với thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã chú trọng củng cố, kiện toàn, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào các dân tộc. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số, người dân tộc Mông tham gia trong hệ thống chính trị tăng; đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cấp ủy, chính quyền, yên tâm lao động, sản xuất, từng bước từ bỏ hủ tục, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn./.

 
 
 
 
 
Tử Long/DIENBIENTV.VN
.