Quy định nêu gương sẽ được phổ biến trực tuyến trên toàn quốc

Thứ Hai, 19/11/2018, 16:24 [GMT+7]

 Dự kiến, Quy định nêu gương của BCH Trung ương sẽ được phổ biến, quán triệt trực tuyến toàn quốc vào ngày 23/11 tới.
 
Quy định số 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành. Dự kiến, ngày 23/11 tới, Quy định này sẽ được phổ biến, quán triệt trực tuyến trên toàn quốc.

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV,  PGS.TS Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) - người tham gia vào quá trình xây dựng nội dung Quy định nêu gương cho biết: Quy định nêu gương được xây dựng trong 10 tháng với 3 cuộc hội thảo toàn quốc và xin ý kiến của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là xin ý kiến 3 lần các Ủy viên Trung ương, 3 lần giải trình với Ban Bí thư, Bộ Chính trị…
 

1
PGS.TS Vũ Thanh Sơn


Quy định chỉ đích danh gần 200 Ủy viên Trung ương

PV: Thưa ông, so với các Quy định 101 và Quy định 55 trước đây, Quy định số 08 có những đột phá gì về quy định trách nhiệm nêu gương?

PGS.TS Vũ Thanh Sơn: Quy định 08 quy định một số vấn đề rất quan trọng về quy định nêu gương. Trước hết, đây là quy định mới hoàn toàn nhưng không phủ định Quy định số 101 ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư và Quy định số 55 ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị.

Đặc biệt, Quy định này được cấp cao nhất ban hành - Ban Chấp hành Trung ương; 2 quy định trước do Bộ Chính trị và Ban Bí thư ban hành. Như vậy, tính pháp lý và hiệu lực của nó cao hơn, có tác động mạnh mẽ, lan toả trong toàn hệ thống chính trị.

Điểm đột phá nữa trong Quy định này là đối tượng điều chỉnh: các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đây chính là trọng tâm, là điểm nhấn của Quy định.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh quy định nêu gương lần này chỉ đích danh gần 200 Ủy viên Trung ương, khẳng định đối tượng điều chỉnh của Quy định hoàn toàn tập trung vào các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Còn Quy định 101 và 55 chưa đề cập đối tượng điều chỉnh cụ thể là các Ủy viên Trung ương, chỉ nói chung là cán bộ đảng viên, lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Như vậy, cùng với Quy định 08, chúng ta có đồng thời 3 quy định phát huy hiệu lực về trách nhiệm nêu gương, bao quát đầy đủ các đối tượng điều chỉnh từ cán bộ, đảng viên cấp cao nhất như Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tới đảng viên ở cấp cơ sở.

Một điểm đáng chú ý nữa là Quy định lần này xác định rất cụ thể yêu cầu trách nhiệm nêu gương. Quy định nêu rõ, cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Quy định này đã thể hiện đúng phong cách, tư tưởng nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đó lưu ý các cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ cấp cao phải tiên phong, gương mẫu nêu gương bằng những hành động cụ thể, thiết thực, nêu gương từ việc nhỏ tới việc lớn.

Một điểm khác cần nhắc đến là trong Quy định này, cách viết trong sáng, xúc tích, chặt chẽ, dễ đi vào lòng người, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát. Thể hiện nội dung nêu gương của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm được giao.

PV: Quy định mới về nêu gương này có nghĩa như thế nào đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương?

PGS.TS Vũ Thanh Sơn: Nêu gương là một trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng. Ban hành Quy định nêu gương là tăng cường phương thức lãnh đạo của Đảng. Quy định nêu gương lần này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trước hết, nó giống như lời cam kết chính trị của từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đây là sự cam kết với chính mình và với toàn Đảng, toàn dân.

Sự nêu gương của cán bộ Trung ương sẽ tạo sự lan tỏa mạnh mẽ từ trên xuống dưới trong toàn hệ thống chính trị, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng trong tình hình hiện nay, bởi họ đều là những lãnh đạo giữ trọng trách rất cao, có tầm ảnh hưởng rất lớn trong hệ thống chính trị.

Một ý nghĩa quan trọng nữa của Quy định là tạo sự khích lệ hoàn thiện, tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh thái độ và hành vi, răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa nguy cơ sai phạm của từng lãnh đạo cấp cao.

Thực hành nêu gương sẽ trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, nếp văn hóa, đề cao ý thức trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương. Làm tốt việc nêu gương sẽ góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.
 
Ràng buộc trách nhiệm của cán bộ, đảng viên

PV: Quy định nêu rõ, gắn việc thực hiện Quy định với kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên và lấy phiếu tín nhiệm theo quy định. Điều này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

PGS.TS Vũ Thanh Sơn: Chúng ta phải coi đây như là sự ràng buộc hành động, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, để tăng cường hiệu lực của Quy định. Mục tiêu đặt ra của Quy định là đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, nếp văn hóa của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, trước hết là các lãnh đạo cấp cao. Do đó cần đề cao tính tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc nêu gương.

Nếu gắn với việc kiểm điểm, đánh giá thì phần nào cũng thể hiện trách nhiệm và ý thức của mỗi cán bộ Đảng viên phải luôn nghĩ đến chuyện mình làm gì để nêu gương, thực sự gương mẫu với cán bộ Đảng viên cấp dưới. Gắn với việc kiểm điểm, đánh giá cũng là điều cần thiết để nêu cao trách nhiệm. Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương cũng cần có kiểm tra, đánh giá theo quy định.

PV: Quy định có nêu những biểu hiện mà Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống như độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân; Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí. Theo ông, cách nào để nhận diện chính xác những hành vi như vậy?

PGS.TS Vũ Thanh Sơn: Mục tiêu của Quy định này mang giá trị tinh thần, chuẩn mực đạo đức nên nếu chúng ta quy định cụ thể bằng những nội dung định lượng sẽ không còn mang giá trị của quy định nêu gương nữa. Với những nội dung định lượng đã có một số quy định khác lượng hoá nó rồi.

Ví dụ hành vi vi phạm của cán bộ Đảng viên được lượng hoá ở các mức độ khác nhau, rất cụ thể trong Quy định 102 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Giá trị của Quy định nêu gương mang tính tinh thần, là sự điều chỉnh về hành vi, giá trị đạo đức, mang tính cảnh tỉnh, răn đe với mục đích tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh thái độ, hành vi…

Nhưng dưới góc độ nhìn nhận các vấn đề thì qua quan sát thực tế, từ sự hiểu biết, ai cũng cảm nhận được các hành vi như độc đoán, chuyên quyền, nó đều có chuẩn mực nhất định nên ai cũng nhìn vào đó để đánh giá được.

PV: Quy định cũng nhắc đến việc cán bộ đảng viên tự chủ động từ chức khi thấy mình không còn đủ năng lực, điều kiện, uy tín. “Chủ động” ở đây được hiểu thế nào thưa ông?

PGS.TS Vũ Thanh Sơn: Quy định nêu gương này mang tính khuyến khích nên chúng ta dùng từ “chủ động” xin từ chức khi thấy không còn đủ điều kiện, năng lực và uy tín để thực hiện nhiệm vụ. Ở đây muốn đề cao sự tự nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội cũng chất vấn về vấn đề này. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng cho biết sau này sẽ có quy định cụ thể về quy trình xin từ chức, tức là sẽ có văn bản khác quy định về việc này.

PV: Thưa ông, Nghị quyết đã được ban hành. Vậy tới đây Ban Tổ chức Trung ương sẽ có hướng dẫn như thế nào để Nghị quyết vào cuộc sống?

PGS.TS Vũ Thanh Sơn: Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, đặc biệt là đồng chí Trưởng ban rất tích cực, sát sao lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để đưa Quy định vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả.

Chúng tôi đã và đang tổ chức tuyên truyền giá trị nội dung quy định, chuẩn bị nội dung phổ biến, quán triệt trực tuyến toàn quốc, sắp tới dự kiến vào ngày 23/11 tới.

Về dài hạn, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương đã giao nhiệm vụ cho các vụ chuyên môn như Vụ Đảng viên và Tổ chức cơ sở Đảng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, theo dõi, giám sát, kiểm tra và sơ kết hàng năm để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương vào kỳ họp cuối năm hàng năm.

PV: Xin cảm ơn ông./.

 

 

Theo Hà Thanh/VOV

.