"Nếu khắt khe hơn thì có thể kết quả phiếu tín nhiệm sẽ khác"

Thứ Sáu, 26/10/2018, 07:56 [GMT+7]

Đánh giá kết quả lấy phiếu tín nhiệm phản ánh đúng thực chất, nhưng theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, “có gì đó vẫn còn “thoáng”.
 
Thấy và sửa khuyết điểm là quan trọng nhất

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn đã được công bố chiều 25/10. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, số phiếu với từng người tương đối khách quan, phản ánh đúng thực chất.

“Kết quả có thể hiện đánh giá chính xác với các chức danh hay chưa thì tôi nghĩ không ai có thể đánh giá, nhưng có gì đó vẫn “thoáng” hơn một tí, nếu khắt khe thì có thể kết quả khác hơn” – ông Nguyễn Hữu Cầu nêu quan điểm.
 

1
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu: Thấy và sửa khuyết điểm là quan trọng nhất


Về một số lĩnh vực được coi là nhạy cảm và hay được dư luận quan tâm như giao thông, giáo dục và người đứng đầu thường khó đạt phiếu cao, ông Nguyễn Hữu Cầu cho rằng đây là những lĩnh vực khó làm, tuy nhiên, khó không có nghĩa không làm được.

“Phiếu tín nhiệm cho Bộ trưởng, tư lệnh ngành theo tôi có hai góc độ. Với ngành mình thì những tồn tại phải chỉ rõ để khắc phục, giấu không được vì xã hội biết. Thứ hai mới đến cá nhân về năng lực, điều hành” – vị đại biểu đoàn Nghệ An nhấn mạnh và cho biết, nếu người nào thể hiện đầy đủ trong bản tự đánh giá gửi đại biểu Quốc hội sẽ được đánh giá cao, dù còn khuyết điểm nhưng trung thực.

“Nhìn thấy khuyết điểm là quan trọng nhất và quan trọng hơn nữa là sửa khuyết điểm. Người ta nhìn thấy mà anh không thừa nhận thì người ta không đồng ý” – ông Cầu nói và tin tưởng dù ngành khó khăn nhưng người đứng đầu nỗ lực hơn thì sẽ có chuyển biến.

Cho rằng khối Chính phủ hay Quốc hội đều có “va chạm”, tuy nhiên Chính phủ điều hành liên tục nên có nhiều “va chạm” hơn. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội hết sức thông cảm, sòng phẳng, rằng khi làm hết sức rồi mà công việc chưa chạy, anh nhận thức và tiếp tục theo thì ngành đó dù yếu một chút vẫn được ghi nhận. Còn ngành yếu mà anh chưa làm hết sức mình, trong kiểm điểm cũng không nêu rõ thì đại biểu không đánh giá cao.

Vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng lưu ý, người được lấy phiếu tín nhiệm về phẩm chất, năng lực, trình độ rất tốt. Đương nhiên trong một hoàn cảnh nào đó, có những vấn đề tồn tại từ nhiệm kỳ trước, giờ họ chưa làm kịp thì hết nhiệm kỳ họ sẽ làm tốt hơn khi có đủ thời gian. Thực tế trong lịch sử lấy phiếu tín nhiệm đã cho thấy có người từ tín nhiệm thấp đến tín nhiệm cao. Đó là điều đáng mừng!.

“Có những Bộ trưởng ngồi vào ghế “rất nóng”

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện, các đại biểu Quốc hội đã thực hiện trách nhiệm cao, nhìn chung kết quả phản ánh đúng tình hình hiện nay cũng như đúng nguyện vọng của người dân.

“Tôi cho rằng các lãnh đạo thuộc các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn không nên suy nghĩ, nao núng nhiều về kết quả này mà lấy đó làm một điều kiện để chúng ta xem xét lại việc thực hiện các nhiệm vụ của mình, để tiếp tục hoàn thiện chức trách, để đáp ứng kỳ vọng của cử tri của cả nước” – ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
 

1
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Lá phiếu là điều người dân và đại biểu mong muốn tư lệnh ngành chèo lái con thuyền vượt qua được sóng gió


Đề cập năm nay một số Bộ trưởng các ngành như GD-ĐT, GT-VT, KH-ĐT có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm chỉ là tiêu chuẩn để đánh giá các bộ trưởng.

“Có những Bộ trưởng ngồi vào ghế “rất nóng”, là người kế nhiệm giải quyết những hậu quả từ những năm trước để lại, những vấn đề này đòi hỏi sự cố gắng gấp đôi. Bởi khi Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm vào các vị trí đó là mong muốn những người này phải phấn đấu gấp nhiều lần nên đây là khó khăn” – ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện cũng nhấn mạnh, không đạt được số phiếu tín nhiệm cao không có nghĩa là người đó không đủ phẩm chất làm Bộ trưởng. Lá phiếu là điều người dân và đại biểu mong muốn tư lệnh ngành đó phải thực sự chèo lái con thuyền vượt qua được sóng gió và càng vượt qua sóng gió thì đánh giá càng cao. Và dù số phiếu “tín nhiệm cao” chưa nhiều, nhưng số phiếu “tín nhiệm” vẫn còn để những người đó tiếp tục cố gắng, cống hiến trên vị trí được trao./.

Còn phiếu “tín nhiệm thấp” tức có những việc làm chưa tốt

Là người nhận được 54,23% tín nhiệm cao, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh Tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ ông rất mừng vì những nỗ lực của ông đã được ghi nhận, nhưng cũng còn gần 6% tín nhiệm thấp là điều khiến ông phải suy nghĩ  rằng có những việc chưa làm tốt và phải cố gắng làm tốt hơn nữa.

Cũng nằm trong danh sách được lấy phiếu tín nhiệm và đạt 57,53% “tín nhiệm cao”, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, sự đánh giá của các đại biểu Quốc hội là khách quan, dân chủ.

Nữ đại biểu coi những phiếu tín nhiệm cao dành cho mình là sự động viên, khích lệ để mình phát huy và đó là động lực để mình phấn đấu. Kết quả tín nhiệm sẽ giúp bà hoàn thiện hơn, khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm, cố gắng làm việc để nhận được đánh giá cao hơn trong thời gian tới.
 

 

 

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

.