Hơn 857 tỷ đồng ủng hộ tại Chương trình 'Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2018

Thứ Năm, 18/10/2018, 07:29 [GMT+7]

Tối 17/10, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô, TP. Hà Nội đã diễn ra Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2018.
 
Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2018 có chủ đề “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ phía sau”. Chương trình do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức là sự kiện thường niên diễn ra vào đúng ngày 17/10 (ngày chống đói nghèo thế giới) hằng năm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành tới dự chương trình.
 

1
Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2018 có chủ đề “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ phía sau”


Sau 18 năm từ khi phát động đến nay, các doanh nhiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ hơn 50.000 tỷ đồng, trong đó: Ủng hộ qua Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương và quỹ 3 cấp ở địa phương gần 14.000 tỷ đồng; ủng hộ trực tiếp chương trình an sinh xã hội ở các địa phương được hơn 36.000 tỷ đồng.

Từ những nguồn lực này, cùng với ngân sách nhà nước đã kịp thời hỗ trợ người nghèo như: xây dựng, sửa chữa được gần 1,5 triệu căn nhàđại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn; hỗ trợ hàng chục triệu lượt hộ nghèo về vốn, tư liệu sản xuất; hỗ trợ hàng ngàn công trình dân sinh; hàng triệu người nghèo được giúp đỡ nhân dịp Tết Nguyên đán, cho con đi học, chữa bệnh khi ốm đau nằm viện dài ngày, cứu đói khi cần thiết...

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, chỉ tính từ tháng 10/2017 đến nay, các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã ủng hộ Quỹ vì người nghèo và Chương trình an sinh xã hội gần 3.000 tỷ đồng, trong đó, Quỹ vì người nghèo các cấp tiếp nhận hơn 900 tỷ; ủng hộ an sinh xã hội hơn 2.000 tỷ.

Cùng với việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các hộ nghèo có thêm điều kiện để thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ và hạnh phúc. Ý nghĩa hơn là đã góp phần khơi dậy, phát huy lòng nhân ái, vun đắp tình làng, nghĩa xóm, tăng cường sự đồng thuận xã hội, góp phần củng cố khối đoàn kết từ mỗi cộng đồng dân cư.
 

1
Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại chương trình


“Năm 2017, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình “Chung tay vì người nghèo”. Theo tổng hợp bước đầu, đến thời điểm này đã có hơn 100 đơn vị đăng ký ủng hộ 857 tỷ đồng thông qua chương trình an sinh xã hội và Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương”, ông Trần Thanh Mẫn cho hay.

Nguồn lực vận động được đợt này sẽ tập trung hỗ trợ cho người nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn và ưu tiên những vấn đề thiết yếu: như nhà ở cho người nghèo, nhất là người nghèo vùng bị bão lũ; áo ấm cho người già, cho trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo từng bước ổn định cuộc sống.

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngay từ khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ giải quyết nạn đói là ưu tiên hàng đầu trong 6 nhiệm vụ Chính phủ phải giải quyết, trong đó Người đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta đấu tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

Từ đó đến nay, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển bền vững và đã trở thành một chủ trương lớn, một chương trình của quốc gia, giàu tính nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc để quyết tâm thực hiện, vì đó còn là một trong những mục tiêu Thiên niên kỷ, phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã cam kết.
 

1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm


”Chúng ta rất vui mừng trước những kết quả to lớn mà công tác giảm nghèo đã đạt được. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm nhanh, xuống còn 6,7%, tỷ lệ tái nghèo thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Kết quả này đã góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước. Trong thành tựu chung đó, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, việc ban hành chính sách, pháp luật và hoạt động giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương. Tôi đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế đã chung tay, đồng hành trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các địa phương khó khăn. Đây là những nghĩa cử cao đẹp làm lay động lòng người, góp phần cải thiện đời sống cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng biểu dương các huyện, xã, các hộ gia đình với tinh thần vượt khó đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Tại Hội nghị ngày 12/10 vừa qua, đã vinh danh 8 huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo, 38 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn trở thành xã nông thôn mới và 30 hộ gia đình tiêu biểu cho hàng nghìn hộ thoát nghèo.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc giảm nghèo vẫn còn nhiều trăn trở và chưa thể hài lòng khi cả nước vẫn còn 2,9 triệu hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Vì vậy, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi phải có cách làm chủ động, sáng tạo và huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa.

Với tinh thần tiếp tục hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo”, nhân Ngày quốc tế phòng chống đói nghèo và Ngày vì người nghèo Việt Nam (17/10), thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hành động thiết thực, đóng góp to lớn hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Tại chương trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tham dự chương trình đã trực tiếp nhắn tin ủng hộ người nghèo. Thống kê bước đầu cho thấy, qua chương trình đã có hơn 100 đơn vị đăng ký ủng hộ hơn 857 tỷ đồng thông qua chương trình an sinh xã hội và Quỹ Vì người nghèo Trung ương./.

 

 

Theo Lê Tuyết/VOV

.