"Trước quy hoạch, người có quyền đã tính toán mua đất chờ thời"

Thứ Sáu, 07/09/2018, 07:48 [GMT+7]

“Trước khi quyết định quy hoạch thì vị trí nào cũng được tính toán mua trước rồi, lấy đấy và chờ thời, như chờ các dự án”.
 
Ngày 6/9, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dành cả ngày để thảo luận về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.

Dân có biết đâu mà ý kiến!

Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng những vấn đề đặt ra trong dự luật là quá lớn và quá khó nên nếu muốn đưa nhiều việc vào luật thì khó thực hiện. Cần sự vừa độ nhưng đảm bảo tính khả thi, giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra và góp phần đáp ứng yêu cầu PCTN.

Nhấn mạnh muốn làm tốt PCTN thì phải công khai, minh bạch, nhưng theo vị đại biểu đoàn Ninh Bình, quy định vấn đề này trong luật còn chưa rõ và trong quá trình thực thi dễ “quên” công khai.
 

1
Đại biểu Bùi Văn Phương: Không công khai thì dân và báo chí biết đâu mà lên tiếng!


“Công khai sẽ phát huy vai trò giám sát của người dân, của báo chí nhưng vấn đề cơ chế công khai không được thực thi thì làm gì biết để có ý kiến! Người có quyền làm quy hoạch trước khi quyết định quy hoạch thì vị trí cũng được tính toán mua trước rồi, lấy đấy và chờ thời như chờ dự án” – ông Bùi Văn Phương nói.

Vị đại biểu này cũng dẫn chứng thêm: “Lãnh đạo tỉnh dẫn mấy doanh nghiệp đi thăm nơi này làm khách sạn, nơi kia làm dịch vụ và nhà đầu tư phấn khởi nhưng cuối cùng về xem lại thì cánh đồng lúa mênh mông đã có chủ hết. Lãnh đạo còn không biết dự án đã giao rồi thì làm sao dân hay báo chí biết!”

Tiếp tục nhấn mạnh yếu tố công khai còn thấp, ông Bùi Văn Phương đơn cử làm dự án rất đắt đỏ nhưng chỉ mấy người biết với nhau, hồ sơ quyết toán chỉ mấy người nắm được, xong rồi gập cất vào tủ thì người khác khó có thể biết. Nếu người dân biết công trình đó mấy trăm tỷ đồng một cách vô lý, họ lên tiếng, báo chí lên tiếng thì người quyết định chắc cũng không dám làm.

“Quy định công khai để rải rác trong nhiều luật thì dễ... “quên”. Vấn đề nhạy cảm người ta giấu, không công khai thì nên chiếu vào luật PCTN. Ví dụ quy định công khai dự án đầu tư công mà anh không công khai là có “âm mưu không trong sáng” – ông Phương nói.

Toà phát quyết tài sản không rõ nguồn gốc sẽ khách quan?

Nhiều ý kiến đại biểu Quôc hội ủng hộ phương án cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình.

Tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp quyết định người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.

“Nhiều trường hượp giàu lên nhanh chóng và đáng ngờ, tuy nhiên, không thể vì thế mà đưa ra phương án xử lý theo kiểu chụp mũ và thiếu cơ sở, nên cần thận trọng” – ông Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) nêu quan điểm. Cho rằng phương án nào cũng có ưu điểm, hạn chế nhưng ông đồng tình giải quyết qua toà, vì điều đó thể hiện thái độ của Nhà nước cũng như chế tài thực hiện sẽ tốt hơn.

Khác với nhiều đại biểu khác, ông Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) ủng hộ phương án truy thu thuế với tài sản, thu nhập không giải trình hợp lý nguồn gốc. Bởi theo ông khi ra toà dẫn đến hai trường hợp: Toà tuyên trả lại 100% tài sản hoặc tịch thu toàn bộ. Trong trường hợp trả lại tài sản thì điều đó đồng nghĩa với việc rõ nguồn gốc nhưng Nhà nước lại không thu thuế thì dẫn đến thất thu.

Ông Hoà cũng đặt vấn đề là khi đưa ra toà thì ai chịu án phí và nguồn tiền ở đâu để đóng? Do đó, cần quy định rõ vì với tài sản có giá trị cao thì án phí cũng không phải là ít. Ngoài ra, theo đại biểu, hiện nay toà đang quá tải, án tồn đọng nhiều nên nếu tiếp tục giao toà xem xét xử lý sẽ gây khó khăn cho cơ quan này.
 

1
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Người dân quan tâm việc xử lý khối tài sản tham nhũng đang chìm khắp nơi


Bày tỏ băn khoăn về cả 2 phương án đưa ra toà giải quyết và đánh thuế, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng nếu có thu thuế đến 90% thì vẫn hợp thức hoá phần tài sản còn lại dù luật “thòng” một câu là không loại trừ xử lý hình sự nếu phát hiện tài sản có được do phạm tội; còn đưa ra toà thì dân sự không phải mà hình sự cũng không. Theo ông, nên để thanh tra, kiểm tra tài sản xong thì sau đó chuyển sang điều tra thì mới giá trị.

Ở một khía cạnh khác, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, luật có hiệu lực từ 1/7/2019 nhưng điều mà cử tri băn khoăn là xử lý tài sản tham nhũng trước thời điểm này như thế nào: “Khối tài sản tham nhũng đang chìm khắp nơi, có tài sản ở nước ngoài mà họ có thể chỉ rõ ở đâu, ai đang giữ thì có làm được không?”

Góp ý vào dự thảo, bà Nguyễn Thuý Hiền- Phó Chánh án TAND tối cao ủng hộ phương án đưa ra toà giải quyết bởi đây là con đường có trình tự thủ tục rõ ràng, minh bạch, công khai, các bên được tranh tụng với sự tham gia của luật sư rồi công khai bản án sẽ người dân giám sát.

Tuy vậy, để thực hiện được, bà Hiền lưu ý cần các giải pháp đi kèm như quy định hậu quả pháp lý của các trường hợp như kê khai nhưng không giải trình hợp lý nguồn gốc, hay kê khai không trung thực... để có cơ sở áp dụng.

“Còn với TAND tối cao, nếu Quốc hội giao thì Hội đồng Thẩm phán trong thẩm quyền sẽ có nghị quyết hướng dẫn cụ thể việc giải quyết hậu quả pháp lý của từng trường hợp; chuẩn bị đủ điều kiện cần thiết để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình” – bà Nguyễn Thuý Hiền nói./.

Một số ý kiến đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách về kiểm soát tài sản, thu nhập có đủ tính độc lập và thẩm quyền bằng cách sử dụng con người đang có ở các cơ quan đang thực hiện nhiệm vụ này để không phát sinh biên chế.

Việc giao cho cơ quan thanh tra và các đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình có thể dẫn đến sự “du di”, thiếu khách quan.

 

 

Theo Ngọc Thành/VOV.

.