Bế mạc phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ Sáu, 21/09/2018, 07:18 [GMT+7]

UBTV Quốc hội đã hoàn thành Chương trình phiên họp thứ 27, cho ý kiến về 9 dự án luật và thông qua một số nghị quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền.
 
Chiều 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 27. Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, sau 9 ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành Chương trình phiên họp thứ 27 để cho ý kiến về 9 dự án luật, nhiều nội dung quan trọng và thông qua một số nghị quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền.
 

1
Phiên họp 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội


Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo, dự án luật để tiến hành các bước tiếp theo hoặc gửi đến các vị đại biểu Quốc hội trước kỳ họp đúng thời hạn quy định; đồng thời, hoàn thiện dự thảo các nghị quyết để trình ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý tại phiên họp 27 vẫn còn một số nội dung không đủ điều kiện phải rút khỏi chương trình; cũng như, trên cơ sở xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng về tính cấp thiết và thực tế chuẩn bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải bổ sung thêm 2 nội dung vào chương trình phiên họp. Đây cũng là vấn đề các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tiếp tục lưu ý, rút kinh nghiệm để thực hiện nghiêm túc quy định trong việc chuẩn bị và tiến hành các phiên họp sau.

Trước đó, các đại biểu cho ý kiến về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); biểu quyết thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) là 4.000 đồng/lít; Dầu diesel; Dầu hỏa; Dầu mazut; Dầu nhờn; Mỡ nhờn là 2.000 đồng/lít; Than đá là 15.000 đồng/tấn. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.

Cho ý kiến về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, so với luật hiện hành, dự thảo Luật sủa đổi còn nhiều quy định chưa cụ thể. Đáng chú ý như làm sao chống thất thu thuế, chống trốn thuế và nâng cao tỷ lệ tuân thủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cần thận trọng với việc tăng thuế vì tác động đến nhiều đối tượng. Đề cập đến thực trạng trốn thuế thời gian qua, bà Lê Thị Nga đề nghị làm rõ có hay không tình trạng “cưa đôi”?

“Thực trạng trốn thuế thời gian qua xuất phát từ những quy định trong Luật quản lý thuế này. Khẳng định thành tích của ngành Thuế là lớn, nhưng mặt hạn chế của của công tác quản lý có tình trạng “cưa đôi”. Đề nghị rà soát lại trong dự thảo Luật điều gì chưa chặt dẫn đến tình trạng “cưa đôi”, hai là trốn thuế thất thu”, bà Lê Thị Nga nêu cụ thể.

Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế sử dụng hóa đơn thuế quay số trúng thưởng nhằm tạo động lực để người dân lấy hóa đơn thuế khi mua hàng, qua đó, sẽ giúp cho kiểm soát thuế trong khi triển khai hóa đơn điện tử.

Đánh giá việc áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử và thực hiện quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử là sự tiến bộ nhưng không biết lộ trình triển khai như thế nào?, ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần làm công bằng, minh bạch, không ai nghi ngờ. Nếu khó khăn kinh phí nên có đề án mua sắm công cụ như thế minh bạch nền kinh tế./.

 

 

Theo Lại Hoa/VOV

.