Đề xuất các giải pháp giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc

Thứ Hai, 02/07/2018, 10:46 [GMT+7]

Điện Biên TV – Đó là một trong những chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 6/2018 với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước vào ngày 2/7.

Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có các đồng chí: Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh…

1
Chính phủ họp trực tuyến với tất cả các địa phương để bàn về tình hình kinh tế-xã hội. ảnh - Điểm cầu Điện Biên

 

Phiên họp tháng 6 của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng nhằm thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình 6 tháng đầu năm 2018, những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2018.

Theo đó, phiên họp tập trung bàn các vấn đề: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2018; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2018; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kết quả kiểm tra của Tổ công tác tháng 6 và 6 tháng năm 2018; báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động kiểm tra công vụ.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các đại biểu dự họp cần tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của đất nước 6 tháng đầu năm 2018; đặc biệt là đề xuất các chủ trương, biện pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra cho năm nay; đồng thời đề xuất các giải pháp giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc đang diễn ra nhức nhối, nhất là vấn đề tham nhũng, xâm hại trẻ em, vấn đề học đường…

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục diễn biến tích cực, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 7,08%, là mức cao nhất của 6 tháng từ năm 2011 trở lại đây, tạo đà thuận lợi để đạt mục tiêu cả năm 6,7% đã đề ra.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát nhờ có sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng ước đạt 3,29%, vẫn nằm trong tầm kiểm soát so với mục tiêu phấn đấu là dưới 4%. Thu ngân sách nhà nước đạt khá, ước đạt gần 652 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống của chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư vào đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, vào tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế và công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước tiếp tục được củng cố.

Nhờ đó, các chỉ số về đầu tư nước ngoài và phát triển doanh nghiệp vẫn tăng tích cực, nhất là khi so với mặt bằng cao kỷ lục của cùng kỳ năm 2017. Tính đến ngày 20/6/2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký (bao gồm FDI) ước đạt 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý là các dự án trên 1 tỷ USD như: Thành phố thông minh của Nhật Bản đầu tư tại Hà Nội trị giá trên 4 tỷ USD; Nhà máy sản xuất chất dẻo PP và kho chứa LPG của Hàn Quốc đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu trị giá 1,2 tỷ USD; Dự án LAGUNA của Singapore đầu tư tại Thừa Thiên Huế tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD...

Cũng trong 6 tháng đầu năm, cả nước có trên 64,5 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt gần 649 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường... cơ bản ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng được đảm bảo thực hiện đầy đủ; công tác chăm sóc sức khỏe nhân được quan tâm, chủ động phòng chống các dịch bệnh mùa xuân, hè.
 

 

 

Diệp Xuân/Dienbientv.vn

.