Diễn văn của Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc

Thứ Hai, 11/06/2018, 16:59 [GMT+7]
Điện Biên TV - Đài PT - TH tỉnh Điện Biên trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Mùa A Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, tổ chức sáng 11/6.
 
s
Đồng chí Mùa A Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên trình bày diễn văn khai mạc

Kính thưa quý vị đại biểu! 

 
Hòa trong không khí cả nước ra sức thi đua lập thành tích, tổ chức Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch HCM ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Hôm nay đúng ngày 11/6/2018, tỉnh Điện Biên xin long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch HCM ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018) và biểu dương các điển hình tiên tiến học tập và làm theo Tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. 
 
Thay mặt cho Lãnh đạo tỉnh Điện Biên, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và chúc sức khỏe các quý vị đại biểu, quý vị khách quý, các điển hình tiên tiến và toàn thể các đồng chí dự Lễ kỷ niệm trọng thể này
 
Trước tiên trong buổi lễ trang nghiêm này, chúng ta bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vị lãnh tụ thiên tài của Dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa Thế giới...Người đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc để phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, ra sức thi đua vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và phát triển của đất nước.
 
Cách đây hơn 70 năm về trước, cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Ngay trong những năm đầu xây dựng đất nước, chính quyền cách mạng còn non trẻ và trong bối cảnh vô cùng khó khăn; trước nguy cơ của “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, thế nước như “Ngàn cân treo sợi tóc”. Ngày 27/3/1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động thi đua ái quốc nhằm làm cho cuộc kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công.
 
Ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” với mục đích thi đua là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân với nội dung là:
 
“Lực lượng của dân
Tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”.
 
Vì vậy,“Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau Làm cho mau/Làm cho tốt/Làm cho nhiều. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến/Toàn diện kháng chiến; với quan điểm là:Vừa kháng chiến thắng lợi đồng thời với kiến quốc thành công”; “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi...”.
 
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như lời hịch thúc giục giục mọi người về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, đã có tác dụng lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, cụ thể đã được phát động và hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng trong cả nước như: Phong trào "Vụ chiêm thắng lợi", "Vụ mùa chủ lực", "Cơm no, súng tốt, đánh thắng", "Thanh toán nạn mù chữ, bình dân học vụ", vân động "Đời sống mới", "Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thưc cho Bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu".
 
Ở tiền tuyến, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”; hàng chục vạn chiến sỹ, dân công từ khắp các nẻo đường Tổ quốc đã vượt qua bom đạn, đèo cao, vực sâu để chuyển hàng chục vạn tấn lương thực, đạn dược cho bộ đội đánh giặc. Hàng vạn thanh niên xung phong ngày đêm anh dũng mở đường, bảo đảm giao thông và hậu cần phục vụ chiến đấu. Ở hậu phương, đồng bào thi đua tăng gia sản xuất giỏi để vừa diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất trong công nhân diễn ra sôi sổi ở nhiều nơi; ngành Giáo dục thi đua xóa nạn mù chữ; ngành Quân giới thi đua sản xuất nhiều vũ khí phục vụ chiến trường, các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công…
 
Từ các phong trào thi đua, nhiều tấm gương sáng đã xuất hiện. Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ I được tổ chức tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, có 154 chiến sỹ thi đua công, nông, binh và lao động trí óc toàn quốc về dự. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao kết quả thi đua và nhấn mạnh: Thi đua là đoàn kết, là yêu nước, là tinh thần quốc tế, là góp sức giữ gìn hoà bình và dân chủ thế giới; thi đua là cải tạo con người; "Phong trào thi đua là một trong những thắng lợi lớn của nhân dân ta trong mấy năm kháng chiến này. Nó sẽ làm đà cho những thắng lợi to lớn hơn nữa, vẻ vang hơn nữa về quân sự, chính trị, kinh tế". Người khẳng định:
 
"Người người thi đua, ngành ngành thi đua, 
Ta nhất định thắng, địch nhất định thua".
 
Chính sự động viên đó đã tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng, động lực mạnh mẽ, nhiều tấm gương quả cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã xuất hiện: Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; những chiến sĩ bộ đội, những đoàn dân công ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt", "máu trộn bùn non", nhưng "Gan không núng, trí không mòn".... Tất cả những điều đó đã thực sự trở thành động lực mạnh mẽ và hành động cách mạng thiết thực, góp phần đưa các cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lấy năm châu, chấn động địa cầu...
 
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, giang sơn thu về một mối, tinh thần thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển, hướng vào thực hiện các nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử, thống nhất về mặt Nhà nước. Phong trào thi đua yêu nước với tinh thần “Tất cả vì Chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân",… đã góp phần cùng đất nước nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt qua mọi thách thức, khó khăn sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, nhất là khó khăn về kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội.
 

 

Kính thưa quý vị đại biểu, các đồng chí
 
Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và nhận thức được phong trào thi đua phải gắn chặt với công tác khen thưởng nhằm ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua. Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều Chỉ thị (Chỉ thị số 91/CT-TW ngày 27/6/1980 của Ban Bí thư về việc tăng cường lãnh đạo phong trào thi đua trong tình hình mới; Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 03/6/1998 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới...) và ngày càng hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và bộ máy làm công tác Thi đua khen thưởng. Từ Viện Huân chương ra đời năm 1947 và nay là Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đã nỗ lực làm việc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.
 
Đặc biệt, Luật thi đua khen thưởng được ban hành năm 2003, phong trào thi đua và công tác khen thưởng có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp và dần đi vào nền nếp, toàn diện hơn. Tổ chức bộ máy và đội ngũ làm công tác thi đua khen thưởng được kiện toàn từ Trung ương đến cơ sở; đã làm tốt chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng. Ngày 04/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc "Lấy ngày 11/6 hàng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước", qua đó khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về vai trò, tác dụng của phong trào thi đua, yêu nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc nước CHXHCN Việt Nam.
 
Kính thưa quý vị đại biểu, các đồng chí
 
Hòa chung với khí thế thi đua sôi nổi của cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; trong thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã có nhiều chủ trương, chính sách và ban hành nhiều văn bản để tổ chức triển khai thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, cụ thể như sau:
 
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) các năm qua tăng trưởng bình quân từ 6,8 – 7% các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản đạt và vượt so với Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh giao
 
Tổng Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 1.054 tỷ 247 triệu đồng; các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn được triển khai tích cực. Tổng số hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống từ trên 50% (năm 2015) xuống còn 41% (năm 2017) và giảm xuống còn 38% (năm 2018);  duy trì việc làm thường xuyên cho 312.580 lao động, đã giải quyết việc làm mới cho 9.046 lao động; quy mô trường lớp ngày càng được mở rộng, công tác y tế được duy trì và triển khai có hiệu quả, chất lượng công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế từng bước được nâng lên.
 
Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát và không có dịch bệnh lớn xảy ra; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; công tác cải cách hành chính, thu hút nguồn đầu tư từ trong và ngoài nước luôn được quan tâm chỉ đạo, đặc biệt nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ở các cơ quan Nhà nước trong thực thi công vu, phục vụ doanh nghiệp và người dân để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đó làm tốt chức năng nhiệm vụ được giao với phương châm phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp ổn định và phát triển với phương châm đó chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2016 xếp thứ 43, tăng 21 bậc so với 2015; năm 2017 xếp thứ 24 tăng 19 bậc so với năm 2016; chỉ số PCI năm 2016 xếp thứ 53, năm 2017 xếp thứ 48 (tăng 5 bậc) chỉ số hài lòng của người dân xếp ở tốp trung bình khá của cả nước.
 
Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tiếp tục được phát động và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Hiện nay hiện tại toàn tỉnh có 15/116 xã đạt và cơ bản đạt các tiêu chí về nông thôn mới, trong đó có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 7 xã cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí...vv. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 12,93%. Ngoài ra, tỉnh còn phát động các phong trào thi đua khác như: Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Dân vận khéo”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thi đua Quyết thắng”...gắn với thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "Tự diễn biến", "Tự chuyển hóa" trong nội bộ....góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của tỉnh đã đề ra về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh...
 
Thông qua các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh; đã kịp thời phát hiện, nhân rộng, bồi dưỡng hàng nghìn các điển hình tiên tiên trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, qua đó đã cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển, có sức lan tỏa lớn trong đời sống xã hội, tiêu biểu owr những năm gần đây như: Ông Lường Ngọc Ký, giáo viên nghỉ hưu Bản Cha Nọ - xã Ẳng Tở - Huyện Mường Ảng với mô hình VAC, VAR với tổng thu nhập: 1.800.050.000đ; bình quân 25.721.000đ/người/năm (lĩnh vực Lao động giỏi, Lao động sáng tạo, sản xuất kinh doanh giỏi); Ông Lò Văn Phúi, Bản Mượng Luân 1, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông đã hiến đất với tổng diện tích đất 5.275 m2 để phục vụ các công trình phúc lợi của địa phương (lĩnh vực xây dựng nông thôn mới); Đại tá Phạm Duy Cảnh, Trưởng phòng PC47, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy....
 
Công tác khen thưởng trong những năm gần đây tiếp tục được quan tâm, đổi mới đặc biệt là việc chú trọng khen thưởng cho tập thể nhỏ đối tượng là người trực tiếp lao động sản xuất, công nhân, nông dân. Trong những năm qua, tỉnh ta đã vinh dự được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng như: Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 07 Bà mẹ; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho 01 tập thể; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 06 tập thể; Cờ thi đua của Chính phủ cho hơn 50 tập thể; Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sỹ 05 gia đình; Huân chương Độc lập hạng ba cho 01 cá nhân; Huân chương, Huy chương kháng chiến 05 cá nhân; Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba cho hơn 100 tập thể, cá nhân; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho gần 500 tập thể, cá nhân và nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác của Trung ương và của tỉnh.
 
Nhìn lại 70 năm qua công tác Thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Điện Biên qu từng giai đoạn phát triển tuy còn nhiều khó khăn và hạn chế nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên chúng ta có quyền tự hào về những thành quả đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc  một lần nữa  chúng ta tưởng nhớ và vô cùng biết ơn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã  khai sinh ra Nhà nước Việt Nam, người thầy vĩ đại về công tác Thi đua khen thưởng. Đồng thời chúng ta cũng nhiệt liệt biểu dương những tập thể, cá nhân là điển hình tiên tiến qua các giai đoạn, đặc biệt là các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đại diện cho các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực về dự Lễ kỷ niệm ngày hôm nay; đó là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa thi đua của tỉnh; góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh. Đề nghị các đại biểu nhiệt liệt chúc mừng các thành tích của tỉnh thông qua thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời gian qua
 
Thưa quý vị đại biểu, thưa các đồng chí! 
 
Có thể khẳng định 70 năm qua, trải qua các giai đoạn cách mạng, dưới những tên gọi, nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước vẫn phát triển theo dòng chảy liên tục phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ. Những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam nói chung và của tỉnh Điện Biên nói riêng qua từng giai đoạn lịch sử đều ghi rõ dấu ấn việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta.
 
Càng khẳng định, thi đua là động lực tinh thần và qua đó tạo ra sức mạnh vật chất vô cùng to lớn, góp phần huy động nhân tài, vật lực, sức người, sức của đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây vừa là kinh nghiệm thực tiễn, vừa bổ sung và khẳng định quan điểm, tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thi đua là động lực, là biện pháp để động viên nhân dân thực hiện sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
 
Trong thời gian tới, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của đất nước, trước yêu cầu của hội nhập ngày càng sâu rộng trong khu vực và thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nói chung và của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng.
 
Thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Người “Càng khó khăn càng phải thi đua”, “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”, từ đó đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới các phong trào thi đua yêu nước và công tác Thi đua, khen thưởng, tạo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong việc tổ chức thực hiện để các phong trào thi đua thật sự trở thành động lực to lớn của toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đang toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIII đã đề ra.
 
Trên cơ sở vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm về thi đua yêu nước đã được kết tinh trong suốt 70 năm qua, chúng ta tin tưởng rằng, với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong thời gian tới sẽ thực sự có những chuyển biến và đổi mới mạnh mẽ, thiết thực; góp phần vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
 
Để phát huy những thành tích đã đạt được trong những năm qua đồng thời khắc phục những mặt chưa tốt trong thực hiện các phong trào thi đua và công tác khen thưởng, trong thời gian tới cần thực hiện tốt các nội dung công việc sau:
 
1. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đặc biệt là lời kêu gọi thi đua yêu nước của người cách đây 70 năm qua về tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và suốt đời hy sinh vì nước, vì dân của Bác
 
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp với các tổ chức đoàn thể các cấp và quần chúng nhân dân nhằm thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng một cách thống nhất, đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc để từ đó xây dựng các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng cá nhân, từng tập thể, từng địa phương nhằm góp phần phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
3. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể và thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác tổ chức triển khai phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Nâng cao sức chiến đấu và tính gương mẫu đi đầu của đảng viên và tổ chức cơ sở đảng trong các phong trào thi đua yêu nước, gắn các phong trào thi đua với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
 
4. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời phát hiện, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu và nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt của tỉnh và Trung ương.
 
5. Tiếp tục đổi mới công tác khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”
 
6. Tăng cường công tác kiểm tra của Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp đối với cơ sở để kịp thời rút kinh nghiệm chỉ đạo có hiệu quả các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.
 
7. Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác thi đua, khen thưởng cho cán bộ, công chức trực tiếp phụ trách ở các cơ sở; đồng thời triển khai kịp thời các nội dung mới của văn bản Trung ương, của tỉnh khi ban hành; tiếp tục triển khai kịp thời các nội dung mới của Luật, Nghị định, Thông tư; Sửa đổi bổ sung các quy định về thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh để phù hợp với tình hình thực tế.
 
8. Tổ chức tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong phong trào thi đua yêu nước, khen thưởng đảm bảo đúng thành tích, khách quan công bằng, kịp thời và chính xác. Chú trọng khen thưởng các tập thể nhỏ, cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất, các hộ gia đình làm kinh tế giỏi,... tăng cường công tác chỉ đạo điểm, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả phong trào phát huy sáng kiến kinh nghiệm, học tập gương điển hình tiên tiến.
 
9. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực công tác, trong cải cách thủ tục hành chính, trong khen thưởng và quản lý hồ sơ khen thưởng.
 
Một lần nữa, tôi xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo và quý vị đại biểu, quý vị khách quý cùng toàn thể các đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công. Chúc phong trào thi đua của tỉnh Điện Biên ngày một phát triển và thu được nhiều thắng lợi mới.
 
Xin trân trọng cảm ơn !
 
 
 
 
 
BBT
.