3 điểm mới của Luật Phòng chống tham nhũng làm "nóng" nghị trường

Thứ Hai, 11/06/2018, 11:03 [GMT+7]

 Luật “quét” ra cả khu vực ngoài Nhà nước, xác định cơ quan kiểm soát tài sản và xử lý tài sản không rõ nguồn gốc là vấn đề được đánh giá “rất khó”.
 
Khu vực Nhà nước làm chưa tốt, mở rộng ra sẽ thế nào?

Một trong những điểm mới của Luật PCTN (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 so với luật hiện hành là mở rộng phạm vi điều chỉnh.

Dự thảo Luật quy định trách nhiệm phòng, chống tham nhũng nói chung của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước; về việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp phòng ngừa tham đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ và thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện; đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng.
 

1
Tờ trình về dự Luật PCTN (sửa đổi) vừa được Tổng Thanh Tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5


Nhìn chung, cơ quan thẩm tra dự án luật và nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc mở rộng phạm vi, vì cho rằng, trên thực tế, tình hình các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả của công tác PCTN khu vực nhà nước; quy định nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng; bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015...

Cũng có ý kiến cho rằng, trong khi chúng ta còn chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực Nhà nước thì trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật mà tập trung nguồn lực để làm tốt hơn. Đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ ở khu vực ngoài Nhà nước nếu đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập khu vực ngoài nhà nước cũng khiến không ít đại biểu băn khoăn về tính khả thi. Chính vì vậy, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội – cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị thu hẹp phạm vi thanh tra, đồng thời quy định chặt chẽ về căn cứ, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra để tránh bị lạm dụng, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Xử lý tài sản không rõ nguồn gốc bằng cách nào?

Dù thống nhất về quan điểm phải quy định để xử lý, nhưng hiện vẫn chưa có một phương án nào nhận được sự đồng thuận cao và xem ra sẽ còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung này.

Chính phủ trình 2 phương án: Thu thuế hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc (chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có). Việc thu thuế hay xử phạt hành chính đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.
 

1
Nhiều nội dung trong dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) nhận được ý kiến khác nhau


Đánh giá việc bổ sung quy định xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này là cần thiết, song về phương án xử lý thì ngay trong cơ quan thẩm tra dự án luật vẫn còn ý kiến khác nhau nên báo cáo xin ý kiến Quốc hội.

Còn tại phiên thảo luận tổ vừa qua về dự án luật, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn về tính hợp hiến, tính khả thi của quy định, nhất là trong đặc điểm xã hội nước ta là người dân có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau... Việc hiểu thế nào là “giải trình không hợp lý” cũng là điều mà không ít đại biểu đặt vấn đề.

Song, bên cạnh đó có đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm cần mạnh tay vì “cứ băn khoăn thì giải quyết được gì”, nhất là khi tham nhũng, tiêu cực diễn biến phức tạp, gây bức xúc.

Ai kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức?

Phương án mà Chính phủ lựa chọn là giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương (nơi không có cơ quan thanh tra), thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.

Ý kiến ủng hộ thì cho rằng quy định đơn vị chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập và giao cho hệ thống cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ này là cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, với quy định này thì việc tăng thêm tổ chức bộ máy, biên chế cho cơ quan thanh tra để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới được giao thêm là không tránh khỏi. Còn nếu giữ nguyên bộ máy thì rõ ràng là quá tải.

Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thiên về phương án là giao thanh tra kiểm soát đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương.

Còn đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì giao cho cơ quan Trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ thì giao cho các cơ quan này kiểm soát; đối với người có nghĩa vụ kê khai là đại biểu Quốc hội chuyên trách thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát.

Cho rằng nếu không xác định cơ quan kiểm soát được kê khai thì luật cũ hay luật mới không khác gì nhau và việc kê khai tài sản vẫn mang tính hình thức, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Kê khai thì vẫn như lâu nay. Tại sao không trung thực? Vì chẳng kiểm soát gì cả, tôi kê khai cũng thế mà không kê khai cũng thế, ai kiểm soát tôi?”. Và để cơ quan này thực sự phát huy vai trò thì phải do Quốc hội lập ra để đảm bảo sự độc lập.

Những vấn đề lớn này chắc chắn sẽ nhận được sự thảo luận và tranh luận sôi nổi của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Hội trường được phát thanh và truyền hình trực tiếp vào ngày 13/6 tới đây./.

 

 

Theo VOV

.